![]() |
Biển cảnh báo móc túi với nhiều ngôn ngữ được đặt tại Bảo tàng Louvre (Pháp) - Nguồn: Le Figaro. |
Bạn đọc cũng cho rằng đây chính là cách biết rõ bệnh của mình là gì để sau đó ra tay chữa trị phù hợp.
TTO xin trích đăng:
- Tôi thấy việc phát tờ rơi là hợp tình, hợp lý. Thứ nhất là để cảnh báo mọi người biết về tình hình tội phạm và cần có biện pháp đề phòng. Thứ hai là để chính quyền địa phương biết được thực trạng của mình và có biện pháp khắc phục.
- Tôi thấy rõ nhất, tràn lan nhất trong xã hội của chúng ta hiện nay là:
Chúng ta không bao giờ dám thẳng thắn nhận cái sai của mình.
Hình như chúng ta đang rất sợ nếu để người khác thấy được cái sai của mình, hay còn gọi là tư duy không dám nhận trách nhiệm.
Khi hình ảnh đất nước có thể bị phá hoại bởi những "ung nhọt" như cướp của, giết người, trộm cắp..., thì hành động như thế của Công an là hoàn toàn hợp lý để cảnh báo du khách nước ngoài về an ninh trật tự đang tồn tại.
Thế nhưng, vì dư luận (mà chỉ là một bộ phận người dân không dám thừa nhận sự thật yếu kém của đất nước mình) lại lên án chính hành động này - hành động rất đáng làm của công an.
Thật sự khi nghe những sự phản đối vì cho rằng làm "bôi nhọ hình ảnh đất nước" tôi rất buồn.
Tôi buồn vì tư duy chúng ta vẫn còn như thế, nếu đó là tư duy của một bộ phận người dân thì chính một bộ phận gồm những con người đó mới đúng là tác nhân làm cho hình ảnh đất nước.... ngày càng bị bôi nhọ hơn, chứ không phải hành động phát tờ rơi cảnh báo của công an kia!
- Tôi không nghĩ việc phát tờ rơi cảnh báo du khách về nạn cướp giật là làm xấu đất nước hay ảnh hưởng tới ngành du lịch...
Tôi chỉ nghĩ tại sao công an không làm hết khả năng, chức trách của mình thay vì đi phát tờ rơi, như vậy chẳng khác nào nói mình bất lực rồi sao?
Nếu làm triệt để, tôi nghĩ tội phạm không thể lộng hành trên phố như hiện nay.
- Tại sao không dám thẳng thắn thừa nhận chúng ta còn "xấu" và những cái "xấu" đó đang tồn tại để chúng ta sửa chữa?
Đây không phải là bôi nhọ mà biết nhìn vào tình hình thực tế để có thể hạn chế thấp nhất những nguy hại.
Chúng ta thường tự giới hạn tầm nhìn của mình trong những tư duy theo kiểu truyền thống, không dám phá vỡ những cái kén định kiến bảo vệ những ý tưởng mới một cách kiên cố, giống như con ngài phải phá vỡ cái kén mới hóa thành bướm được.
Chúng ta chỉ cần nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực hơn sẽ thấy thiện ý trong cách làm của các anh Công an P. Phạm Ngũ Lão đã làm, du khách có thể biết tự bảo vệ tài sản cá nhân và giữ bản thân được an toàn.
Nghĩ cho thoáng hơn, công khai cái xấu để từng bản thân người Việt Nam phải nhìn vào thực tế mà thừa nhận: chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đẹp dần lên trong mắt bạn bè năm châu.
Chẳng phải một dân tộc hùng mạnh như Nhật, giáo dục ý thức về dân tộc vẫn luôn được họ nhắc đến một cách rất rõ ràng: nước Nhật không giàu tài nguyên, lại liên tiếp bị thiên tai... do vậy người Nhật phải luôn cố gắng, nỗ lực hết sức.
Tại sao người Việt chúng ta không học cách sống trung thực để nhìn nhận thực tế, từ đó có ý chí nỗ lực mà phấn đấu, vươn lên?
- Tôi xin nói rõ thêm:
1/ Cách làm này của CA phường Phạm Ngũ Lão là đúng đắn và rất cần thiết trong tình hình an ninh hiện nay.
2/ Ai cho rằng đây là "bôi nhọ" thì thật là sai lầm. Vạch ra cái quá xấu (vì nó xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc) mà sợ là " bôi nhọ " thì phải chăng ta đã tự xếp mình vào hạng người không biết xấu hổ?
3/ Dám nói rõ điều mình đang bất lực hoặc chưa làm được như mong muốn thì đó chính là ngưòi có trách nhiệm và lòng tự trọng rất cao, rất đáng ngưỡng mộ. Những người như thế tôi dám chắc rằng họ luôn tận tâm, tận lực với công việc...
4/ Trong thế giới của những biến đổi to lớn theo hướng ngày càng văn minh và nhân bản hơn như hiện nay, lối tư duy phong kiến "đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại" " ta về ta tắm ao ta...." thật sự đã quá lỗi thời, cần phải hoàn toàn dẹp bỏ!
- Nếu nền nhà đang ẩm ướt mà chúng ta không cảnh báo để sự cố xảy ra cho người khác thì chúng ta là người độc ác.
- Đây là việc làm đáng khen, chỉ có ở những người có trách nhiệm. Trước đây ở chỗ mình, khách là các công ty nước ngoài thường đến ngân hàng rút tiền về, mình cũng làm thông báo gởi họ đề nghị nâng cao cảnh giác, hướng dẫn khi xe chở tiền gặp vấn đề thì nên làm những gì, gọi điện cho ai...
- Đây là chuyện bình thường của các nước. Không có gì xấu hổ cả. Chỉ xấu hổ là chúng ta không dám nhìn vào sự thật mà thôi.
- Việc phát tờ rơi cảnh báo là cần thiết. Nhưng việc cần thiết hơn cả là làm sao để giữ an toàn cho du khách. Có như vậy, du khách mới đến và quay lại. Có khi cần xây dựng một hình ảnh VN - điểm đến an toàn.
- Như vậy, bên cạnh chuyện phát tờ rơi bằng tiếng Anh; chúng ta nên phát thêm tờ rơi bằng những ngôn ngữ khác. Hơn thế nữa, đưa những thông tin này lên website. Các công ty du lịch cũng nên hỗ trợ công việc này. Qua đó, chứng tỏ cho du khách thấy thiện chí, tinh thần chuyên nghiệp. Sự cảnh giác cao độ của du khách cũng là cách làm nạn trộm cướp hết đất sống.
- Đối diện thẳng thắn với vấn đề cũng là một cách để giải quyết vấn đề tốt. Kinh nghiệm của các nước này trong việc giúp người du lịch rất đáng để Việt Nam tham khảo. Trong đó phải làm sao để khi có sự cố gì xảy ra, cơ quan chức năng kịp thời có mặt, hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận