Từ trái qua: Thí sinh Lê Kim Cương, Nguyễn Văn Khởi và Phan Thị Hoàng Oanh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đêm chung kết Chuông vàng vọng cổ sẽ diễn ra tối 24-9 tại Nhà hát truyền hình HTV, truyền hình trực tiếp lúc 21h trên HTV9.
Trong ba thí sinh, ngay từ đầu Nguyễn Văn Khởi (sinh năm 1988, Kiên Giang) đã gây chú ý.
Khởi có chất giọng đẹp, khỏe, nhịp chắc, cách ca chân phương nhưng vẫn tạo được ấn tượng bởi độ bay bổng, trữ tình.
NSND - TS Bạch Tuyết đã phải thốt lên: "Đây là giọng ca hiếm, nghe em ca tôi thấy rất đã!".
Để giữ được chương trình phục vụ khán giả hằng năm, chúng tôi chọn việc lấy lợi nhuận từ các chương trình giải trí hiện đại khác đem về đầu tư cho Chuông vàng vọng cổ
Ông Cao Anh Minh (phó tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM)
Những dự đoán... lung lay
Ở hai đêm thi đầu tiên trong vòng chung kết xếp hạng (vòng này gồm bốn đêm 3, 10, 17 và 24-9), Khởi luôn đứng đầu với số điểm cách xa các thí sinh còn lại.
Nhiều người không ngần ngại khẳng định: Nguyễn Văn Khởi chính là chuông vàng của mùa Chuông vàng vọng cổ lần thứ 12.
Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm về diễn xuất nên ở đêm thi thứ ba (tối 17-9), Khởi bộc lộ nhược điểm ở phần thi trích đoạn cải lương.
Trích đoạn Nguyễn Trung Trực của Nguyễn Văn Khởi
Trích đoạn Nguyễn Trung Trực không quá nặng về tâm lý nhân vật nhưng xử lý tay chân của Khởi còn vụng về, biểu cảm cơ mặt, ánh mắt bị "đơ". Có lẽ áp lực diễn xuất phần nào ảnh hưởng đến phần ca của Khởi.
Ngoài ra, việc Khởi vô câu vọng cổ đầu tiên kiểu vào ngang, ca mùi chưa thành công dẫn đến phần thi của Khởi chưa làm thỏa mãn giám khảo lẫn khán giả.
Trong khi đó, thí sinh Phan Thị Hoàng Oanh (sinh năm 1989) - cô đào trẻ đến từ Long An - tuy chưa thật sự ấn tượng ở những vòng thi đầu nhưng đã có cuộc bứt phá ngoạn mục tối 17-9.
Cô ca diễn thuyết phục với nhân vật nữ chiến sĩ cách mạng trong tiết mục Nguyễn Thị Hạnh. Số điểm của Oanh vượt lên ngang bằng với Khởi.
Lê Kim Cương (sinh năm 1988, Bạc Liêu) là thí sinh thường đứng thứ hai sau Khởi ở các đêm thi trước.
Cô có gương mặt sắc, sáng sân khấu, phù hợp với dạng vai đào tính cách. Giọng Kim Cương khỏe, lanh lảnh.
Kim Cương hát Biển mặn
Tiết mục Biển mặn tình người của cô trong đêm 17-9 đem lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Tuy nhiên, Kim Cương còn thiếu sự tiết chế, để cảm xúc khi diễn chi phối phần ca khiến cô vô vọng cổ bị chênh dây - một sai lầm "chết người" trong một cuộc thi tôn vinh bài vọng cổ!
Và thế là sau đêm thi 17-9, những dự đoán chắc như đinh đóng cột về chuông vàng lần thứ 12 có vẻ... lung lay!
Bởi phần thi của Khởi khiến người xem hồi hộp và sự bứt phá của hai thí sinh nữ còn lại có thể khiến cục diện đêm chung kết thay đổi.
Chuông vàng lần thứ 12 vẫn còn là một ẩn số!
Thiếu hụt nhân tố nổi bật
Không quá lời khi nói giải Bông lúa vàng (Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM), Chuông vàng vọng cổ (do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp với Công ty Kiết Tường tổ chức) là hai giải thưởng về cải lương, đờn ca tài tử có sức sống lâu bền nhất hiện nay.
Trong thời buổi các loại hình giải trí hiện đại mỗi lúc một phát triển và thu hút giới trẻ, sân khấu cải lương dần mất vị thế, hoạt động khó khăn hơn.
Điều đáng mừng là trong các buổi thi Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ vẫn có khán giả đến xem.
Ban tổ chức giải Chuông vàng vọng cổ cho biết lượng người xem chương trình này thậm chí còn cao hơn một số chương trình giải trí hiện đại khác.
Tuy nhiên, dù có đông lượng người xem, chương trình vẫn không thu hút được quảng cáo.
Vì vậy, những người thực hiện chương trình vẫn đang "gồng" để duy trì một chương trình tôn vinh bài ca vọng cổ - bài ca vua của bộ môn nghệ thuật cải lương.
Không chỉ khó về bài toán kinh tế, Chuông vàng vọng cổ cũng đối diện với không ít khó khăn khác, nhất là nhân tố thí sinh và khâu nội dung.
Sự lặp lại những trích đoạn cũ qua từng năm với những chủ đề khá cứng nhắc có thể khiến người xem nhàm chán. Như đêm thi 17-9 vẫn còn nhiều tác phẩm cũ như Cung đàn nào cho em, Mẹ của chúng con...
Nếu có các tác phẩm được viết theo kiểu đo ni đóng giày cho thí sinh, có lẽ các thí sinh sẽ dễ dàng phát huy ưu điểm hơn, đồng thời đem lại sự tươi mới, tính thời sự cho mỗi mùa thi.
Thiếu hụt nhân tố tốt trong mỗi mùa thi cũng là điều đáng phải suy nghĩ. Trong 9 thí sinh được chọn vào vòng chung kết xếp hạng năm nay không có nhiều thí sinh nổi bật, ngoại trừ Nguyễn Văn Khởi.
Để tránh tình trạng vét thí sinh, nên chăng Chuông vàng vọng cổ cân nhắc về ý kiến tổ chức định kỳ hai năm một lần, thay vì diễn ra hằng năm như hiện nay. Sự "giãn" ra về thời gian cũng giúp một lớp bạn trẻ có thêm sự trau dồi để xuất hiện ấn tượng hơn trước công chúng.
Gần đây, bên cạnh Chuông vàng vọng cổ đã bắt đầu có những chương trình mang tính "cạnh tranh".
Đường đến danh ca vọng cổ và Sao nối ngôi là hai chương trình được đầu tư tương đối tốt và bắt đầu ghi điểm với người mộ điệu cải lương.
Tính hấp dẫn của các chương trình này là sự đầu tư kịch bản mới với phong cách dàn dựng khá hoành tráng, bắt mắt, đem lại luồng gió mới cho hoạt động ca - diễn cải lương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận