18/01/2005 20:37 GMT+7

Chương trình song ngữ tiếng Pháp có được tiếp tục ?

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Từ năm 2006, chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục duy trì như một chương trình của hệ thống giáo dục quốc gia.

sL7iqt0j.jpgPhóng to
SV đang trình bày trong 1 giờ học sinh động tại Pháp. Ảnh: H.H.

Bộ GD&ĐT cho biết như vậy tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 18 đến 20-1-2005.

Chủ trương này sẽ làm cho hàng chục ngàn phụ huynh có con em đang theo học chương trình tăng cường tiếng Pháp không phải thấp thỏm sợ sự học của con em dở dang khi dự án kết thúc...

Chất lượng cao nhưng vẫn thiếu đầu ra...

72% HS của chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp thi đậu ĐH. Cùng với con số này là tỷ lệ 80-90% HS thi đỗ chứng chỉ Pháp ngữ bậc THPT, sau khi có chứng chỉ Pháp ngữ, phần lớn HS tiếp tục theo học ĐH một phần hoặc toàn phần bằng tiếng Pháp, trong đó có 26% đi du học tại các nước Pháp ngữ...

Những con số trên là cơ sở để Bộ GD&ĐT, Hội đồng chỉ đạo quốc gia khẳng định chương trình tăng cường tiếng Pháp có chất lượng giáo dục cao. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT và các đối tác Pháp cho rằng chương trình còn góp phần xây dựng được mô hình mẫu mới trong ngành giáo dục, theo hình mẫu này, các lớp song ngữ tiếng Anh đã bắt đầu được triển khai. Đồng thời, góp phần nâng cao trình độ và nghiệp vụ cho hội ngũ giáo viên tiếng Pháp qua các khoá đào tạo thường xuyên tại VN và Pháp, trong đó đã hình thành đội ngũ giáo viên nguồn, trợ lý sư phạm...

Chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp được bộ GD&ĐT phối hợp với phía Pháp thực hiện trong 12 năm, bắt đầu từ năm học 1994-1995. Hiện có 110 trường từ bậc tiểu học đến THPT tại 19 tỉnh thành trong cả nước với hơn 20.000 HS tham gia chương trình này. Chỉ riêng tại TPHCM, có 16 trường với 110 lớp dạy theo chương trình.

Trong 10 năm triển khai, mặc dù đã có một số lượng đáng kể HS tốt nghiệp chương trình theo học các ngành ĐH tiếng Pháp hoặc bằng tiếng Pháp nhưng theo đánh giá của Sở GD&ĐT TPHCM, nơi có gần 3.000 HS tăng cường tiếng Pháp các cấp, đầu ra vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của phụ huynh và HS. HS của các lớp song ngữ phải học theo chương trình chung bằng tiếng Việt và chương trình Pháp ngữ nhưng lại chưa có sự liên thông chặt chẽ giữa hai chương trình để tránh những nội dung trùng lặp.

Tiếp tục duy trì như thế nào?

Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Vọng cho biết Bộ xác định ngoại ngữ là một môn học cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông và duy trì dạy nhiều thứ tiếng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của HS và xã hội. Mục tiêu của bộ GD&ĐT trong những năm tới là phủ kín việc dạy ngoại ngữ từ lớp 6 đến hết lớp 12 trên phạm vi cả nước. Tại những nơi có điều kiện có thể triển khai dạy ngoại ngữ từ bậc tiểu học. HS sẽ được học một trong bốn thứ tiếng bắt buộc là Anh, Nga, Pháp,Trung và được khuyến khích học từ lớp 6 hoặc lớp 10 một ngoại ngữ thứ hai tự chọn trong bốn thứ tiếng trên hoặc tiếng Đức, tiếng Nhật...

Năm 2006, khi dự án kết thúc, chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp sẽ được chuyển giao cho VN. Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục duy trì, coi chương trình là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc gia. Về quy mô, bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tiếp tục giữ vững quy mô hiện nay với việc duy trì chương trình song ngữ tiếng Pháp hệ A (bắt đầu dạy tiếng Pháp từ lớp 1 đến hết lớp 12, dạy hai môn toán và vật lý bằng tiếng Pháp) tại 19 tỉnh thành đã tham gia chương trình, mở rộng ra các địa phương khác nếu có nhu cầu.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên