01/07/2012 04:06 GMT+7

"Chương mới" của Xin chào bút chì

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Xin chào bút chì, loạt phim hoạt hình VN đầu tiên sản xuất bằng công nghệ stop motion (ghép nhiều ảnh chụp tĩnh thành một bộ phim động), sẽ lên sóng truyền hình từ ngày 2-7.

Định kỳ lúc 18g20 thứ hai và thứ năm hằng tuần trên HTV7.

UUIFai4w.jpgPhóng to

Loạt phim hoạt hình dành cho lứa tuổi thiếu nhi (5-12 tuổi) bắt nguồn từ hai tác giả trẻ tuổi: Huỳnh Thanh Thanh và Phạm Phương Anh (cùng sinh năm 1991). Xin chào bút chì chính là sự nối tiếp thành công của phim ngắn cùng tên đã đoạt giải UNTV (Liên Hiệp Quốc) trong cuộc thi Plural + 2011 diễn ra tại Mỹ, với gần 60.000 lượt xem trên YouTube...

Ngôi nhà của những “tay ngang”

Trên trang chủ www.xinchaobutchi.com, trailer (đoạn ngắn giới thiệu phim) và những bức ảnh của các tập phim đầu tiên đã lập tức khiến người xem thích thú. Trang chủ - ngôi nhà ảo của Xin chào bút chì - hệt như đại bản doanh đặt tại số 39 Đinh Công Tráng (Q.1, TP.HCM) của các bạn. Có lẽ đây cũng là xưởng phim hoạt hình tư nhân đầu tiên của VN được lập nên chỉ với mục đích ban đầu là thực hiện loạt phim Xin chào bút chì. Cả xưởng phim được trang trí và sơn phết hệt không gian của phim với hình vẽ các nhân vật chính trên tường kèm theo những lời giới thiệu: “Tui là bút chì và tui là người mới tới”, “Tui thật sự không mít ướt như mọi người nghĩ đâu! Hu hu...”, “Mỗi ngày tui đều ăn kem... hmm... thỉnh thoảng mới đánh răng^^!”, “Tui là nhạc công và tui ghét tiềng ồn... hừm”.

Trong một không gian ngập tràn sắc màu hoạt hình đó là những nàng, những chàng rất trẻ, thuộc thế hệ 9x, ngày đêm bận rộn làm phim. Họ làm phim, theo như lời tâm sự của Phương Anh, là từ niềm đam mê và “hoàn toàn từ tưởng tượng và thủ công trong hầu hết các khâu”. Bởi hầu hết đều là... tay ngang làm phim. Trong đó, “linh hồn” chính là Thanh Thanh và Phương Anh - hai sinh viên khoa báo chí truyền thông Trường ĐH KHXH&NV - chưa từng trải qua bất kỳ một khóa học nào về điện ảnh hay làm phim theo công nghệ stop motion. “Tụi em học chủ yếu trên mạng. Sau này có điều kiện thì mua một số sách ở nước ngoài về nghiên cứu thêm” - Thanh Thanh bộc bạch.

Thế mà các bạn vẫn dũng cảm thực hiện loạt phim dài hơi theo mùa, với mùa trình chiếu đầu tiên dự kiến 50 tập phim (mỗi tập dài khoảng 6, 7 phút). Phải công nhận là dũng cảm bởi ngoài việc không được đào tạo về chuyên môn, thiếu máy móc, thiết bị và công nghệ, các bạn còn thiếu cả nguồn nhân lực và nhất là thời gian để thực hiện. Một tập phim trung bình phải mất một tuần gần như trắng đêm (không kể khâu chuẩn bị, kịch bản) để thực hiện. Hơn 8.000 tấm ảnh được chụp để dựng trọn một tập phim. “Rất tỉ mỉ nên khi dựng, dù bị cắt đi chỉ một vài tấm ảnh tụi em cũng rất đau lòng” - Thanh Thanh thổ lộ.

Bút chì, và hơn nữa...

Dù nhân sự làm phim đã lên đến 25 người so với năm người lúc ban đầu nhưng bất kỳ khâu nào từ kịch bản cho đến dựng bối cảnh, canh ánh sáng, điều chỉnh các cử động, dựng, lồng tiếng... đều có mặt Thanh Thanh và Phương Anh. Xưởng hoạt hình cũng la liệt mì gói bởi các bạn trẻ cứ tranh thủ ở lại để nghiên cứu những công nghệ mới cũng như các cách tiếp cận với khán giả nhỏ tuổi. Công việc đã được phân chia: người đi nghiên cứu tâm lý đối tượng khán giả của mình để có được những kịch bản phù hợp, người “săn lùng” đạo cụ, người thực hiện bối cảnh mới, người đưa ra ý tưởng sự kiện để các nhân vật trong phim có cơ hội “offline”với khán giả nhí...

Riêng Thanh Thanh và Phương Anh vẫn miệt mài thử nghiệm chất liệu cao su để thay cho các nhân vật được nặn bằng đất sét như hiện nay. Một phòng thí nghiệm nhỏ - được tận dụng từ lối đi chung với lò nướng cao su, lỉnh kỉnh lọ màu và hóa chất, khuôn thạch cao... - là nơi hai cô gái trẻ “nối dài” giấc mơ của mình. Phương Anh cho biết: “Nếu được làm từ cao su sẽ dễ thực hiện các chuyển động cho nhân vật hơn. Màu sắc cũng như tạo hình cho nhân vật sẽ đẹp hơn đất sét nhiều”. Chìa ra một số mẫu đổ cao su chưa hoàn chỉnh cùng cả chồng sách hướng dẫn kỹ thuật làm các nhân vật cao su, Thanh Thanh lắc nhẹ đầu nói chắc nịch: “Rất tiếc là chưa thành công vì chưa canh được độ nóng khi đun và nướng các hợp chất. Tụi em sẽ làm cho đến khi nào được mới thôi!”.

Xin chào bút chì (phim được sự hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư từ Công ty truyền thông Điền Quân) là câu chuyện về chiếc bút chì mới, xuất hiện trong hộp bút vốn toàn là bút lông của cô chủ nhỏ. Câu chuyện bắt đầu từ đây với những vui buồn, suy nghĩ để rồi qua từng tập phim, những thông điệp nhẹ nhàng về tình đoàn kết, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường... sẽ đến với khán giả nhỏ tuổi một cách nhẹ nhàng.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên