Cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai cùng Pascal Tâm và Thiên Kim - những người đã thành lập một nhà xuất bản chuyên đầu tư vào việc dịch và quảng bá văn học Việt Nam - nơi sẽ "thể hiện sự phản kháng rõ ràng, táo bạo chống lại việc gán vai trò thứ yếu cho một số ngôn ngữ và tác phẩm văn học trong bối cảnh xuất bản toàn cầu…

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 1.

Đóng góp, dù ít ỏi, vào nhận thức ngày càng tăng rằng không có tiếng nói nào là nhỏ hơn trong nền văn học thế giới".

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 2.

Nguyễn Phan Quế Mai: Vài tháng trước, tôi bất ngờ nhận được thư của Nhà xuất bản Major Books, nhờ viết lời giới thiệu một số quyển sách họ sắp xuất bản.

Nhìn vào danh sách các tác phẩm, tôi kinh ngạc nhận ra đó là bản dịch tiếng Anh của các tiểu thuyết của các tác giả Việt Nam mà tôi vô cùng yêu thích.

Trong các chương trình giao lưu sách của tôi ở nhiều nước, nhiều bạn đọc nói rằng họ rất ít cơ hội tiếp cận với các tác phẩm văn học Việt Nam, trong khi đó văn học dịch từ các nước châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản đang phát triển như vũ bão và có nhiều tựa sách bán chạy.

Các bạn nghĩ sao về tiềm năng cho văn học dịch Việt Nam? Đó có phải là một trong những lý do để các bạn thành lập Major Books?

Thiên Kim: Đúng như chị thấy, ngay trong khối châu Á, ngoài Hàn Quốc (trong những năm gần đây) và Nhật Bản, còn lại một kho tàng văn học với bề dày lịch sử đồ sộ từ các nước như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia… vẫn gần như chưa được khai thác.

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 3.

Major Books không phải nơi đầu tiên nhận thức về khoảng trống này, mà những giải thưởng dịch thuật uy tín như PEN Translates của tổ chức văn bút Anh quốc (English PEN) hay những nhà xuất bản văn học dịch danh giá như Tilted Axis được thành lập chính nhằm cải thiện tình trạng đơn sắc (tộc) này của ngành xuất bản tiếng Anh.

Tiềm năng cho sự tiếp nhận văn học dịch có thể thấy ngay từ cách các phong trào về chính trị căn tính nổi lên mạnh mẽ những năm gần đây, thể hiện sự thay đổi thế giới quan của xã hội toàn cầu, việc đến từ một nước "nhỏ" giờ là một điều hoàn toàn đáng tự hào.

Độc giả phương Tây cũng đang dần mở rộng nhận thức về giới hạn địa lý của văn học.

Việc những tác phẩm từ Sri Lanka (The Seven Moons of Maali Almeida của Shehan Karunatilaka) hay Ấn Độ (Tomb of Sand của Geetanjali Shree) lần lượt giành giải thưởng sách Booker, hay như Han Kang vừa giành giải thưởng Nobel văn học, cho thấy không phải văn học châu Á trước giờ ít khi được các giải thưởng quốc tế vì không đủ "tầm thế", mà đơn giản vì các giải thưởng được chấm bằng tiếng Anh, và có quá ít văn học châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, được dịch sang tiếng Anh.

Việc góp sức cho quá trình thay đổi trục quyền lực trong ngành xuất bản nói riêng và văn học nói chung hẳn là một trong những lý do chúng tôi thành lập Major Books.

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 4.

Ngoài ra, chúng tôi có mong muốn lâu dài là khuyến khích các cây viết Việt tiếp tục sáng tác. Từ khi văn học dịch về đến Việt Nam, có một sự mất cân bằng rõ ràng về sự phổ cập của văn học dịch so với văn học Việt, đặc biệt là văn học Việt đương đại.

Hy vọng rằng khi thấy một nhà xuất bản quốc tế toàn tâm toàn ý ủng hộ văn học Việt, sẵn sàng mang các tác phẩm Việt đến với bạn đọc thế giới, các tác giả nước mình sẽ thấy có niềm tin về nghề viết hơn nữa.

Hiện nay nhà xuất bản đặt ở đâu? Các tựa sách Major Books sẽ xuất bản trong năm 2024 và 2025 là gì?

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 5.

Pascal Tâm: Trụ sở của Major Books đặt tại thủ đô London (Anh) vì đây là một trung tâm văn hóa và tài chính của thế giới, một tụ điểm lớn của ngành xuất bản quốc tế.

Major Books có được sự ủng hộ của University College London, và việc tiếp cận cộng đồng sinh viên trẻ cùng các giáo sư, tiến sĩ với tình yêu văn học dồi dào vô cùng ý nghĩa với một công ty nhỏ như Major Books.

Năm 2024 và 2025, Major Books sẽ xuất bản các tác phẩm Biên sử nước của Nguyễn Ngọc Tư, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Song Song của Vũ Đình Giang, Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương, và tập 1 của Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi.

Các bạn đã chọn cả tác phẩm kinh điển và văn học hiện đại để dịch và xuất bản. Những tiêu chí lựa chọn tác phẩm của các bạn là gì? Các bạn sẽ nhắm đến những tựa sách như thế nào, thuộc thể loại nào?

Thiên Kim: Tiêu chí duy nhất khi lựa chọn sách của Major Books là chất lượng văn học của tác phẩm.

Đương nhiên, chúng tôi muốn người đọc có được cái nhìn toàn diện về văn học Việt Nam, nên việc đa dạng hóa các thời kỳ và thể loại sáng tác sẽ luôn là một trong những tiêu chí chọn lựa hàng đầu.

Major Books mong muốn giới thiệu các tác giả Việt tài năng và nổi trội khác, đồng thời tiếp tục xuất bản các tác phẩm của các tác giả đang làm việc cùng.

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 6.

Việt Nam hiện chưa có quỹ dịch văn học như một số nước châu Á để các dịch giả và nhà xuất bản có thể xin hỗ trợ chi phí dịch và in ấn.

Để vượt qua trở ngại đó, Major Books đã làm như thế nào? Tác phẩm Biên sử nước do dịch giả An Lý đảm nhiệm đã nhận được English PEN Award...

Theo các bạn, để nhận được sự hỗ trợ này, các dịch giả, các nhà xuất bản cần phải làm gì?

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 7.

Thiên Kim: Major Books mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cả về truyền thông lẫn tài chính trong những dự án của mình.

Việc tiến cử sách vào các giải thưởng như tổ chức văn bút PEN quan trọng vì độc giả phương Tây rất coi trọng các giải thưởng đã thành danh trong thị trường của họ.

Với một nhà xuất bản nhỏ và mới như Major Books, sự công nhận của một giải thưởng uy tín như vậy góp phần không nhỏ đưa sự chú ý và coi trọng của bạn đọc tới văn học Việt Nam.

Theo tôi, để nhận được sự hỗ trợ này, điều đầu tiên và quan trọng nhất ta cần là một tác phẩm và bản dịch có giá trị văn chương cao - vì yếu tố văn học là yếu tố chấm điểm lớn nhất của giải thưởng.

Điều thứ hai là tác phẩm này góp phần mang lại lợi ích cho xã hội và các cộng đồng yếu thế như thế nào, với Major Books thì đó là tìm chỗ đứng cho văn học Việt Nam trong nền văn học thế giới.

Các bạn chuyên dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh. Vậy thị trường chính của nhà xuất bản sẽ ở đâu? Các bạn liên kết như thế nào để sách được xuất hiện ở các nhà sách tiếng Anh ở các nước trên thế giới?

Pascal Tâm: Mục tiêu của Major Books là đưa văn học Việt Nam tới các hiệu sách trên khắp thế giới, đến với bất kỳ độc giả tò mò nào, và đưa văn học Việt Nam đến những khu vực có nhiều người Việt hải ngoại sinh sống.

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 8.

Do nguồn lực hạn chế, ban đầu Major Books tập trung vào Vương quốc Anh, nhưng chúng tôi muốn mở rộng sang Hoa Kỳ, toàn bộ châu Âu và trên toàn thế giới.

Đến nay, Major Books đã thiết lập quan hệ đối tác với các nhà phân phối, đại diện bán hàng và nhà sách có uy tín ở Anh. Một số bên trung gian có phạm vi tiếp cận quốc tế và nhiều nhà sách ở các quốc gia đã thông báo nhận đặt hàng trước những quyển sách sắp in của Major Books.

Nhiều bên môi giới văn học đã liên hệ với chúng tôi để mua bản quyền phát hành ở các lãnh thổ - đây là một lộ trình đầy hứa hẹn.

Song song đó, Major Books nỗ lực phát triển cộng đồng trực tuyến của mình thông qua mạng xã hội và hy vọng thu hút được sự chú ý trên toàn cầu khi những cuốn sách hay mà chúng tôi dịch giành được các giải thưởng văn học danh giá.

Trong khi đội ngũ Major Books làm việc chăm chỉ để các tác phẩm có được sự hiện diện tại các hiệu sách trên toàn thế giới, tất cả các đầu sách này có thể truy cập được trên toàn cầu dưới dạng sách điện tử.

Các tác phẩm của Major Books cũng sẽ được phát hành tại Việt Nam để những người nước ngoài sống ở Việt Nam và khách du lịch quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận được với văn học Việt Nam thông qua bản dịch tiếng Anh.

Các dịch giả đang cộng tác với NXB Major Books là ai và tại sao các bạn mời họ cộng tác?

Thiên Kim: Major Books đang hợp tác với Nguyễn An Lý, người đã chuyển ngữ tiểu thuyết Biên sử nước của Nguyễn Ngọc Tư. Nguyễn Bình là dịch giả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Ngọc Mai Định là dịch giả cho tiểu thuyết Làm đĩ của Nguyễn Trọng Phụng. Khải Nguyễn dịch Song Song của Vũ Đình Giang và Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương.

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 9.

Hiện Việt Nam cần thêm nhiều dịch giả giỏi, tâm huyết để chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam. Theo các bạn, cần làm những gì để có được một thế hệ dịch giả trẻ giỏi, có khả năng đưa văn học Việt Nam ra với thế giới? Họ cần hỗ trợ những gì?

Sự nhạy cảm về ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng của một dịch giả tốt, đặc biệt với thế hệ dịch giả đã sinh sống và làm việc ở nước ngoài, họ chắc chắn nhạy bén và hiểu rõ hơn ai hết về việc tồn tại giữa hai ngôn ngữ và hai nền văn hóa này.

Chúng tôi tin họ là những cá nhân thừa tiêu chuẩn và trình độ để cho ra đời những bản dịch xuất sắc và chính xác nhất.

Có lẽ vẫn tồn tại một quan niệm, cả trong nước lẫn ngoài nước, rằng dịch giả Việt bản xứ không đủ trình độ tiếng Anh để dịch văn học Việt sang tiếng Anh.

Đương nhiên, chuyện này liên quan tới một vấn đề phức tạp hơn về quy trình dịch thuật, rằng ngôn ngữ gốc quan trọng hơn hay ngôn ngữ đích quan trọng hơn.

Tôi mong muốn sự chính xác của tác phẩm gốc trên mọi khía cạnh (từ văn hóa, tư tưởng, ngôn ngữ, đại từ nhân xưng…) được bảo tồn, vì vậy ngay từ đầu đã xác định muốn được làm việc với các dịch giả người Việt.

Thật ra, chúng ta đã chờ đợi cơ hội cho văn học Việt từ quá lâu rồi, nên rất nhiều người đi trước đã vô cùng sẵn sàng bỏ công giúp đỡ, giới thiệu giúp Major Books tìm kiếm các tài năng dịch thuật, dù chưa hề nhìn thấy cái lợi cá nhân nào trước mắt cả.

Điều các dịch giả trẻ cần luôn là cơ hội, không chỉ về dịch sách mà còn là cơ hội học tập và phát triển. Tôi mong ở Việt Nam sẽ có nhiều chương trình đào tạo về dịch thuật, được dẫn dắt bởi các dịch giả có trình độ và chuyên môn cao.

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 10.

Việc dịch ngược Việt - Anh chỉ có thể được cải thiện khi trình độ dịch Anh - Việt của dịch giả đã được cải thiện.

Đồng thời, quá trình làm việc giữa dịch giả và các biên tập viên cần chặt chẽ và mật thiết hơn, để các dịch giả nhận được sự phản hồi liên tục về cách một người khác tiếp nhận bản dịch của mình, và từ đó hiểu rõ hơn về những lựa chọn của mình trong quá trình dịch.

Là một nhà xuất bản mới hoạt động, các bạn có kế hoạch gì để các tựa sách tiếp cận rộng rãi bạn đọc? Làm thế nào để sách có thể xuất hiện tại các nhà sách uy tín?

Pascal Tâm: Chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ ý nghĩa từ các cộng đồng trẻ yêu văn học qua các kênh mạng xã hội. Cộng đồng luôn là điều mà Major Books hướng đến, và mong có thể tiếp cận thêm nhiều tầng lớp độc giả qua các sự kiện cộng đồng và các kênh truyền thông để mang các tác phẩm văn học Việt đến với cộng đồng.

Ở ngành xuất bản Anh quốc, các nhà sách uy tín thường không làm việc trực tiếp với nhà xuất bản mà thông qua các bên phân phối thứ ba khác.

Major Books có thể gửi gắm việc bán hàng qua những nhà phân phối uy tín, tập trung xây dựng một chương trình xuất bản thật hấp dẫn, khiến mình nổi bật và thu hút được sự quan tâm của những người bán sách.

Từ một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, bạn lại chuyển sang đầu tư và làm sách. Vì sao bạn có lựa chọn này? Những mục tiêu nào tài chính mà bạn đặt ra cho công ty trong khoảng thời gian 5 năm tới là gì?

Pascal Tâm: Quyết định tham gia Major Books của tôi mang tính cá nhân sâu sắc.

Sinh ra tại Pháp trong một gia đình có bố mẹ là người Việt, phần lớn cuộc đời tôi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây, mãi đến gần đây, tôi mới cảm nhận được mong muốn mãnh liệt kết nối lại với di sản của mình.

Sau khi khám phá số lượng hạn chế các cuốn sách Việt Nam có sẵn tại Anh, bao gồm tiểu thuyết của chị - The Mountains Sing - một tác phẩm tôi trân quý vì cách nó làm tôi xúc động và hiểu sâu hơn về lịch sử của Việt Nam, tôi nhận ra rằng sự tiếp cận văn học Việt Nam của mình đã chạm ngõ cụt, bị hạn chế bởi rào cản lớn là khả năng đọc hiểu tiếng Việt còn yếu kém.

Sự đấu tranh để tiếp cận văn hóa của chính mình đã trở thành động lực cho Major Books ra đời.

Ý tưởng thành lập Major Books ban đầu đến từ người bạn tôi, Thiên Kim.

Tôi nhận thấy đây là cơ hội để mình cuối cùng có thể tiếp cận những câu chuyện như Tấm Cám và các văn bản nền tảng khác, và cũng để tạo cầu nối cho những người như mình, những người gốc Việt cảm thấy xa cách với di sản văn hóa cha ông.

Với sự quan tâm ngày càng lớn của độc giả đối với các tiếng nói văn học đa dạng, đặc biệt là từ châu Á, tôi thấy rằng việc dịch văn học Việt Nam không chỉ là cần thiết mà còn có thể là một cơ hội kinh doanh đúng thời điểm.

Công ty tôi vẫn là một dự án dựa trên niềm đam mê với nguồn lực khiêm tốn. Hiện tại, mục tiêu của tôi là tạo ra đủ doanh thu từ các tựa sách đầu tiên để hỗ trợ các dự án trong tương lai.

Tôi dự định phát hành khoảng bốn tựa sách mỗi năm và sẽ rất hài lòng nếu bán được khoảng 2.000 bản cho mỗi tựa trong thời gian dài. Mục tiêu chính của tôi là mang những câu chuyện quý giá này đến với nhiều độc giả hơn và tạo ra một con đường bền vững để chia sẻ văn học Việt Nam với thế giới.

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 11.

Thiên Kim sau khi du học ở Anh ngành văn học so sánh, đã thành lập công ty sách tại Việt Nam và giờ đây đồng sáng lập Công ty Major Books với Pascal Tâm.

Ý nguyện của bạn thông qua công việc này là gì? Những kinh nghiệm làm việc trong môi trường xuất bản ở Việt Nam sẽ giúp bạn như thế nào khi cùng Major Books vươn ra thế giới?

Thiên Kim: Khi đi học, tôi được tiếp cận nhiều tác phẩm thú vị mà ngành xuất bản Việt Nam đôi khi lỡ bỏ qua nên mong có thể giới thiệu các tác phẩm đó tới độc giả Việt Nam.

Cũng chính từ những tháng ngày đi học đó, tôi bức bối trước sự vô hình của văn học Việt Nam trong mắt độc giả quốc tế, đó là xuất phát điểm hình thành Major Books.

Việc làm sách ở Việt Nam giúp tôi có được những mối quan hệ và sự ủng hộ của những tài năng trong ngành xuất bản Việt Nam.

Tôi cũng được học về ngôn ngữ, về tầm quan trọng của việc trau dồi vốn kiến thức về văn hóa, lịch sử, kiến thức chung của các biên tập viên, sự chỉn chu của chế bản, học về gu văn học và thói quen mua sách của người đọc Việt qua bộ phận bán hàng.

Ngoài ra còn in ấn, vận chuyển, phát hành... đằng sau một cuốn sách là cả một bầu trời tâm huyết và đầu tư, những giá trị mà nếu không làm trong ngành này tôi sẽ không bao giờ hiểu.

Các tác giả, dịch giả có thể cộng tác với Major Books như thế nào? Họ có thể liên hệ, nộp bản thảo cho Công ty Major Books được không hay nhà xuất bản sẽ chủ động chọn lựa tác phẩm?

Cho tới giờ, nhà xuất bản vẫn đang chủ động chọn lựa các tác phẩm, nhưng Major Books luôn sẵn sàng đón nhận các bản thảo, hay chỉ đơn giản là một lời chào, qua email contact@major-books.com .

Những ai quan tâm và muốn đồng hành với Major Books có thể cập nhật thông tin về các tác phẩm của chúng tôi qua địa chỉ: https://major-books.com/.

Chúng tôi muốn văn học Việt Nam thôi vô hình - Ảnh 12.
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
VÕ TÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên