Chặng đường vừa qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp rơi xuống vực, những doanh nghiệp bám trụ còn lại cũng không biết số phận mình khi nào... rơi. Đặc biệt, đợt tăng giá xăng dầu ngày 20-4 vừa qua lại càng khiến nhiều doanh nghiệp chúng tôi lo lắng hơn nữa, bởi thực tế với sức mua hiện nay doanh nghiệp không thể tăng giá thêm, nhưng nếu tiếp tục sản xuất doanh nghiệp sẽ... chết, khi đó sẽ kéo theo hàng trăm ngàn người mất việc làm. Chính vì vậy, lúc này rất cần Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành có một gói các giải pháp tổng thể để cứu doanh nghiệp, hay nói khác đi là cứu nền kinh tế. Nhìn ở góc độ doanh nghiệp và qua tham khảo ý kiến của nhiều doanh nghiệp khác, tôi xin kiến nghị một số giải pháp cụ thể:
1 Ngân hàng Nhà nước nên ban hành tiêu chí cụ thể đối với việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các dự án đang triển khai dở dang nhưng đến hạn trả nợ. Sửa lại quy định phân loại nợ tín dụng mà các ngân hàng đang áp dụng đối với các hợp đồng cho vay hiện nay. Quy định này phù hợp ở những thời điểm bình thường áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng chây ì trả nợ của một số doanh nghiệp. Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản vì lý do khách quan nên rất cần được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng thay vì áp dụng máy móc việc phân loại nợ như hiện nay.
2 Từng bước kéo lãi suất cho vay xuống mức 14-15%/năm. Đặc biệt, ưu tiên vốn đối với các dự án sản xuất, dự án bất động sản đang triển khai dở dang. Mặc dù lãi suất huy động đã giảm còn 12%/năm, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn không tiếp cận được hoặc nếu vay lãi suất cho vay vẫn mức 21-22%/năm.
3 Đề nghị miễn phạt đối với các khoản thuế quá hạn. Tuy nhiên, để tránh trường hợp cố tình chây ì tránh né nghĩa vụ thuế, giải pháp miễn xử phạt này nên cho doanh nghiệp thực hiện có lộ trình. Chẳng hạn, sẽ miễn xử phạt 100% đối với các khoản nợ đọng thuế từ trước đến nay nếu các doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước ngày 30-9-2012 (hiện đang áp dụng mức phạt là 0,5%/ngày đối với các khoản thuế quá hạn). Miễn 50% nếu doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước ngày 30-12-2012. Còn sau thời điểm trên doanh nghiệp sẽ không được hưởng khoản miễn này và áp dụng mức phạt như bình thường. Đây được xem là “ân huệ” giúp doanh nghiệp có vốn phục hồi sản xuất.
4 Giãn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng đến 6 tháng, xem đây là một phần bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đồng thời giảm thuế VAT từ mức 10% hiện nay xuống còn 5% trong thời gian một năm đối với các mặt hàng tạo ra công ăn việc làm. Việc giảm khoản thuế này giúp sản phẩm bán ra rẻ đi, tạo tâm lý tốt cho người tiêu dùng để thúc đẩy sức mua đang yếu ớt của thị trường hiện nay. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đang chất đống sản phẩm trong kho không bán được do thị trường sức mua quá yếu. Vì vậy, việc giảm thuế VAT sẽ “đánh” trực tiếp vào sản phẩm, thay vì các gói kích cầu không rõ địa chỉ.
5 Sau cùng nên hạn chế tối đa các loại chi phí làm tăng giá đầu vào như: các loại phí lưu thông, cầu đường, xăng dầu, điện... Qua hai lần tăng giá xăng vào tháng 3 và ngày 20-4 vừa qua, đã kéo theo chi phí đầu vào rất lớn đối với nhiều sản phẩm, vì vậy nếu không kiểm soát được chi phí đầu vào doanh nghiệp sẽ càng lâm vào thế bế tắc.
Trong tình hình rất khó khăn, cấp bách, quyết định tính sống còn của hàng loạt doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng để giải quyết vấn đề này không thể phụ thuộc hoàn toàn từ một phía các cơ quan nhà nước mà phải nỗ lực cả từ phía doanh nghiệp (bao gồm cả các cổ đông) và người lao động. Trong đó, với doanh nghiệp nếu không cơ cấu lại hoạt động đầu tư, sản xuất, cắt giảm các chi phí không cần thiết... chắc chắn cũng sẽ khó lòng vượt qua cho dù có sự “tiếp sức” từ phía Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận