Phóng to |
Ở tuổi 87, sức khỏe đã kém nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, nhà văn hóa Hữu Ngọc ngồi trong văn phòng chật hẹp của Quĩ Văn hóa Thụy Điển do ông sáng lập, kể chuyện chiến tranh:
- Tôi bắt đầu làm công tác địch vận từ năm 1946, trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh Pháp - Việt. Lúc đầu tôi làm trong Ủy ban liên kiểm Việt - Pháp, chuyên giải quyết những vấn đề bất hòa giữa nhân dân ta với các đội quân đồn trú và gia đình họ ở Nam Định. Ngày 19-12-1946, toàn quốc kháng chiến, ta rút khỏi Nam Định, dùng sách lược “vườn không nhà trống” để bao vây thành phố; chúng tôi cũng rút ra vùng phụ cận Chiến khu 3, mang theo một cái máy in nhỏ nhặt được trong lúc phá thành phố. Tôi bắt tay vào làm tờ Tia Sáng - tờ báo địch vận đầu tiên bằng tiếng Pháp trong kháng chiến.
* Ông ở vùng tự do còn đối tượng vận động của ông ở trong thành phố, giữa các đồn bót; làm sao ông làm báo cho họ đọc được và làm thế nào để báo đến tay họ?
- Tờ báo của tôi làm “thoáng” lắm và có nội dung rất dễ đọc. Chủ yếu chúng tôi nói các câu chuyện về văn hóa VN, về nỗi niềm của người lính xa nhà, về những giấc mơ hòa bình... Nói thật là giá như bây giờ, chưa chắc tôi đã được làm tờ báo như vậy. Tòa soạn chỉ có mình tôi và một anh thợ in, tôi vừa là chủ bút, vừa là phóng viên, vừa biên tập lại vừa là dịch giả (với những bài bằng tiếng Việt mà cộng tác viên gửi đến). Mà cấp trên cũng tin tưởng tuyệt đối, chả thấy duyệt nội dung bài vở bao giờ, ông phụ trách tuyên truyền của khu ủy tháng gặp một hai lần phổ biến chủ trương mới, hỏi han đôi ba câu, thế là xong. Báo in rồi chúng tôi cho người đi rải khắp các quán cà phê, quán bar trong thành phố - lúc bấy giờ địch và ta ở thế cài răng lược, nhiều vùng ban ngày địch quản lý, ban đêm thuộc về ta nên việc đi lại thật ra cũng không khó khăn lắm - và phải nói là lính Âu - Phi cũng rất khoái đọc báo Tia Sáng của chúng tôi. Một tháng hai số, thế mà Tia Sáng cũng tồn tại được đến năm 1950, khi địch chiếm Khu 3, chúng tôi rút lên Việt Bắc.
* Và ông bắt đầu công việc trực tiếp giáo dục tù - hàng binh từ lúc này?
Phóng to |
Ông bà Hữu Ngọc trong kháng chiến chống Pháp |
- Sau chiến dịch biên giới thu đông 1950, bắt đầu bắt được nhiều tù binh Âu - Phi, Cục Địch vận lập ra ban giáo dục tù - hàng binh và cử tôi làm trưởng ban. Công việc chính là soạn những tài liệu giáo dục để phát cho các trưởng trại và đi nói chuyện với lần lượt tất cả các trại tù. Trong các tài liệu, chúng tôi nhấn mạnh tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh. Với các tù sĩ quan, chúng tôi chỉ cho họ thấy nước Pháp vừa tiến hành một cuộc chiến anh dũng chống phát xít, nay lại đem quân sang xâm lược VN là phản lại tư tưởng tự do - bình đẳng - bác ái mà Cách mạng Pháp đã đề ra và người Pháp vẫn tự hào.
Với tù binh người Phi, chúng tôi cho họ thấy nhân dân VN luôn coi họ như những người đồng cảnh ngộ, những nạn nhân của chủ nghĩa thực dân. Sau khi phát các tài liệu cho các trại, chúng tôi tổ chức cho tù binh thảo luận, có đôi khi họ tranh luận hoặc hỏi lại chúng tôi - thường thì đó là các sĩ quan gốc quí tộc. Chúng tôi còn giúp tù binh lập nên những ủy ban vì hòa bình và hồi hương do tù binh tự chọn và bầu ra. Mục đích của ta không phải là xui họ cầm súng bắn lại các đồng đội của họ mà chỉ muốn họ đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến, đưa người lính về quê hương bản quán.
* Khó khăn nhất mà ông gặp phải trong công việc này là gì?
- Thứ nhất là vận động... đồng bào và chiến sĩ ta. Máy bay Pháp ném bom cháy nhà, chết người, quân Pháp đi càn bắn giết không nương tay mà bây giờ bắt đồng bào phải thông cảm, nhân đạo với tù binh thì quả thật rất khó. Nhưng chúng ta đã làm được. Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự đã thấm nhuần được sách lược “Tâm công” (đánh vào lòng người) của Nguyễn Trãi. Người nông dân VN cầm súng trong quân đội của Hồ Chí Minh đã được giáo dục rằng: người lính da trắng hay da đen bị bắt kia cũng chỉ là công cụ mù quáng, không phải kẻ thù, dân tộc VN không đánh nhau với dân tộc Pháp. Chính điều đó đã khiến cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta không trở thành cuộc chiến tranh sắc tộc như cuộc chiến ở Bắc Phi sau này.
Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các trại tù đều ở lẫn với nhà dân, không có hàng rào kẽm gai, không có song sắt, tù ăn chế độ... nhiều gấp ba chiến sĩ canh gác của ta. Người tù quan sát tất cả, tuy không hiểu tiếng nhưng tự họ cũng “ngộ” ra nhiều điều.
Khó khăn thứ hai là việc... thả tù binh. Bắt được tù binh đã khó, giải họ về an toàn khu ở Việt Bắc, cho ăn cho uống, cho ở trong nhà dân, giáo dục, giác ngộ còn khó hơn. Và căng thẳng nhất là tổ chức thả họ ra, ngay trong khi cuộc chiến còn đang ác liệt. Từng nhóm tù giác ngộ được lựa chọn, thường từ khoảng 20-30 người, trước khi lên đường được các tổ chức quần chúng đến thăm viếng, tặng quà - thường là hội phụ nữ hay hội mẹ chiến sĩ. Sẩm tối, một tốp chiến sĩ ta dẫn họ hành quân đến căn cứ gần nhất của địch (ta và địch ở thế xôi đỗ nên thường cách nhau khoảng 15 - 20km). Tảng sáng, đến gần đồn địch, chiến sĩ ta rút lui, họ tiến vào đồn. Có những tốp thậm chí còn vừa tiến vào đồn vừa hô “Viva Hồ Chí Minh”. Vào đến đồn, tất nhiên họ bị chỉ huy cách ly ngay. Nhưng chỉ việc họ nguyên lành trở về cũng đã gây tác động rất lớn đến những người đang cầm súng.
* Sẽ rất nguy hiểm nếu họ quay súng lại...?
Phóng to |
- Tin tình báo cho biết trong kháng chiến chống Pháp, không có một tù binh nào được ta thả quay trở lại dẫn đường cho quân Pháp. Giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất, quân đội Pháp khủng hoảng cán bộ khung, nếu những sĩ quan chỉ huy bị bắt - những người đã sống, sinh hoạt cùng nhân dân, cán bộ chiến sĩ ta - thuộc đường ngang ngõ tắt ở an toàn khu mà quay về cầm súng bắn lại chúng ta một lần nữa thì cực kỳ nguy hiểm.
Nhưng không một ai trong số họ làm thế. Đó chính là tầm nhìn xa trông rộng, cách đánh vào lòng người và lòng tự tin vào chính nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo tôi được biết, trong lịch sử thế giới chỉ có cuộc chiến tranh VN lần thứ nhất là có chuyện thả tù binh hàng loạt giữa cuộc chiến như vậy - tất cả các cuộc chiến tranh khác chỉ thả tù binh sau chiến tranh, cuộc chiến Trung - Triều có thả giữa chiến tranh nhưng chỉ là sáu người bị bệnh.
* Tù binh cao cấp nhất mà ông đã tiếp xúc? Người gây cho ông ấn tượng nhiều nhất?
- Hai tù binh cao cấp đầu tiên mà tôi tiếp nhận là đại tá Lerpar và đại tá Charton, chỉ huy chiến dịch biên giới. Nhìn chung cả hai ông này đều thận trọng và ít lời. Người mà tôi thân thiết nhất là Erwin Borchewr, hàng binh người Đức, sau này Bác Hồ đặt tên Việt là Chiến Sĩ. Ông ta đã cùng với tôi đi nói chuyện ở tất cả các trại tù, làm một tờ báo tiếng Đức tên là Chiến Hữu để vận động lính lê dương trong quân đội Pháp, sau này Chiến Sĩ là đại diện TTX Đức tại VN và là môêt người bạn yêu VN hết lòng. Người mà tôi thương nhất là George Boudarel, một GS sử học ở Đà Lạt, tự nguyện vào bưng biền theo kháng chiến, đi bộ ròng rã sáu tháng ra Việt Bắc.
Tôi gặp ông ta ở Việt Bắc, ông được cử làm chính trị viên của một trại tù, đã vận động được rất nhiều lính Pháp. Ông đã bị kết án tử hình vắng mặt ở Pháp. Sau chiến tranh ông lấy một người vợ VN răng đen, rồi làm việc ở NXB Ngoại Văn, sau đó là Đài Tiếng nói VN. Có một thời chúng ta cũng đã lạnh nhạt với ông, sau khi ở Pháp xóa án tử hình, ông về Pháp. Cuối đời ông sống rất buồn. Ông có một thư viện về VN rất đồ sộ, rất quí, tiếc là chúng ta không tận dụng được.
* Trong cuộc hội thảo quốc tế mới đây về Điện Biên Phủ (ĐBP) nhiều nhà nghiên cứu Pháp cũng đặt lại vấn đề tù binh trong cuộc chiến tranh chống Pháp, theo họ, tù binh đã chết nhiều, nhất là trong chiến dịch ĐBP?
- Tù binh chết nhiều do đói ăn, do thương vong, bệnh tật lại thiếu thuốc men. Chính chiến sĩ ta cũng đói, rét và thiếu thuốc như vậy, chỉ có điều sức chịu đựng của ta tốt hơn thôi. Sĩ quan Pháp chỉ cần không có giày đi, giẫm phải gai cũng có thể bị tetanos (uốn ván) mà chết. Chắc chắn không phải lỗi của chúng ta. Còn trong chiến dịch ĐBP, đúng là chúng ta bị bất ngờ vì số lượng tù binh quá lớn (16.000 người), không kịp chuẩn bị bộ máy, lương thực, quần áo... để tiếp nhận họ. Trong khi đó ta còn một khối lượng công việc cực kỳ lớn: cứu chữa thương binh ta, chôn cất tử sĩ, thu dọn chiến trường, thậm chí thiếu cả lương thực cho đội quân chiến thắng. Nhưng chúng ta cũng làm hết sức mình, hơn 1.000 thương binh Pháp đã được cứu sống. Tôi còn giữ được nhiều thư cảm ơn của các tù binh. Là người trong cuộc, họ hiểu vấn đề chính xác nhất.
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận