Công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Do vậy, việc "gỡ khó" cho hoạt động môi trường nhằm vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, vừa đảm bảo yếu tố xanh và bền vững được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM quyết liệt triển khai.
Nâng "chất" cho nội lực
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) là một doanh nghiệp công ích trực thuộc UBND TP.HCM, là một trong những đơn vị chủ lực để thực hiện hoạt động liên quan đến lĩnh vực vệ sinh môi trường, bao gồm: quét dọn vệ sinh; thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải sinh hoạt, xây dựng, y tế, công nghiệp, nguy hại; rút hầm cầu, hủy hàng và các dịch vụ vệ sinh môi trường khác... Do vậy, trong nhiều năm qua, công ty không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ tiên tiến, các phương tiện, thiết bị hiện đại, đủ năng lực đáp ứng và phục vụ trọn gói các dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn TP.
Trong những năm gần đây, công tác vệ sinh môi trường ngày càng nặng nề gây áp lực không nhỏ đến những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường nói chung và công ty nói riêng. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với quy mô dân số tăng 200.000 người/năm, cùng với đó là sự gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài đã khiến lượng chất thải phát sinh tăng nhanh chóng.
Thống kê mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, TP.HCM đang chịu áp lực thu gom xử lý chất thải nhiều lĩnh vực từ sinh hoạt, xây dựng, công nghiệp, y tế và chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất. Cụ thể, trung bình mỗi ngày, môi trường TP.HCM tiếp nhận 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, 2.500 - 3.000 tấn rác thải công nghiệp, 1.500 tấn rác thải xây dựng và hàng trăm tấn rác thải nguy hại...
Trước bối cảnh đó, việc đảm bảo chất lượng môi trường cho TP là yếu tố rất cấp thiết. Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Minh Nhựt, giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, chia sẻ công ty đang nỗ lực hoàn thiện năng lực trong các hoạt động thu gom, xử lý chất thải.
Trong đó, công ty không ngừng đổi mới phương tiện, thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, luôn chủ động và tiên phong đi đầu trong việc áp dụng mô hình mới, sử dụng các công nghệ hiện đại, có giải pháp tích cực nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, công ty còn thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh khác như thiết kế xây dựng, sửa chữa và thi công các công trình chuyên ngành vệ sinh môi trường; tư vấn lập các dự án đầu tư, phát triển ngành vệ sinh công cộng TP; thiết kế, thi công và vận hành các công trình xử lý chất thải rắn; hỏa táng - địa táng; thực hiện các dịch vụ vệ sinh cho các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện...; thực hiện kinh doanh xà bần, dịch vụ san lấp mặt bằng.
"Lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt rất hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. TP.HCM cần tận dụng tối đa lợi thế này để giảm chi cho ngân sách, đồng thời tăng hiệu quả xử lý môi trường".
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, nguyên viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường
Citenco luôn tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm tìm giải pháp xử lý hiệu quả chất thải phát sinh trên địa bàn TP.HCM
Phối hợp cùng đối tác vì mục tiêu "xanh"
Mặt khác, việc phối hợp cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tranh thủ nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các dự án cộng đồng cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn TP. Công ty đã phối hợp với Tập đoàn Hitachi Zosen thực hiện dự án thử nghiệm lên men khí mêtan từ chất thải hữu cơ công suất 300 tấn/ngày. Dự án nhằm mục tiêu đánh giá khả thi đối với việc đầu tư xây dựng nhà máy phát điện lên men khí mêtan từ chất thải rắn hữu cơ sau phân loại từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của TP.
Không dừng lại đó, công ty cùng Công ty TNHH Giải pháp năng lượng công nghệ xanh (GES) hợp tác trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, bao gồm nhưng không giới hạn đối với chất thải đô thị, chất thải xây dựng, chất thải nguy hại, chất thải y tế, xử lý bùn và các loại chất thải khác trong tất cả các khu vực thị trường của cả miền Nam Việt Nam. Trước đó, công ty đã cùng Tổ chức Asia Society for Social Improvement and Sustainable Transformation (ASSIST) và các đơn vị liên quan đã hợp tác triển khai dự án "Phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng" nhằm hỗ trợ phát triển thị trường cho ngành công nghiệp nhựa tái sinh sau tiêu dùng tại Việt Nam. Dự án hướng tới 3 mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào thị trường nhựa tái sinh, kế đến là lan tỏa mô hình nền kinh tế nhựa mới vào khu vực tư nhân và cuối cùng là lên kế hoạch và thiết kế mô hình nhà máy tái chế nhựa sau tiêu dùng.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, nguyên viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, cho rằng lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt rất hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. TP.HCM cần tận dụng tối đa lợi thế này để giảm chi cho ngân sách, đồng thời tăng hiệu quả xử lý môi trường. Riêng lĩnh vực xử lý nước thải và bùn thải vốn cũng hấp dẫn nhà đầu tư, nhưng vì chưa ban hành đơn giá chuẩn cụ thể nên khó cho doanh nghiệp tiếp cận.
Có thể nói, với sự nỗ lực của công ty và sự hợp lực từ các tổ chức môi trường, doanh nghiệp trong việc chung tay bảo vệ môi trường cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, kỳ vọng sẽ mang lại ngày càng nhiều hơn mảng xanh cho TP, góp phần thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ - năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 cùng 150 quốc gia trên thế giới.
Chuyển đổi công nghệ xử lý rác
Công ty đang trình UBND TP.HCM cho phép triển khai dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt phát điện công suất 1.000 tấn/ngày tại bãi chôn lấp số 3 thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Dự án có quy mô 4,15ha và công suất xử lý 1.000 tấn/ngày bằng công nghệ đốt rác phát điện với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 3.000 tỉ đồng.
Việc xin phép đầu dự án trên nằm trong chủ trương của TP nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu "nâng tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận