02/09/2015 06:00 GMT+7

Chung tay để TP.HCM thành nơi đáng sống

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÀI PHONG
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÀI PHONG

TTO - Sự có mặt của người nhập cư phần nào đó giúp cho TP.HCM “lấp đầy” những chỗ trống dịch vụ mà người dân tại chỗ không tham gia. Làm sao để cùng chung tay cho nơi đây thành nơi đáng sống?

Với câu hỏi: “Theo ông/bà, một thành phố có chất lượng sống tốt là như thế nào?”, kết quả khảo sát với 50 người dân cho thấy có đến 94% số người cho rằng một đô thị sống tốt phải là nơi mà an sinh xã hội (giáo dục, nhà ở, y tế) được đảm bảo cho mọi người dân. Tiêu chí giao thông thuận tiện cũng được 94% số người lựa chọn.

TTO đã có cuộc trò chuyện cùng với những người tứ xứ chọn TP.HCM để học tập và lập nghiệp để xem họ nghĩ gì về thành phố này và họ đang làm gì để chung tay tạo nên một TP.HCM “đất lành”, đáng sống.

Vùng đất cạnh tranh nhưng nhiều cơ hội

Thạc sĩ (ThS) Lê Văn Thành, trưởng phòng nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết người nhập cư vào TP.HCM vì động lực kinh tế chiếm vị trí áp đảo.

“Thu nhập, cơ hội việc làm và sự phát triển công nghiệp của TP.HCM là những nguyên nhân chính thu hút người nhập cư về đây”, ThS Lê Văn Thành nói.

Sau thời gian du học tại Trung Quốc và Malaysia, anh Chiêu Đăng (quê Long An) đã quyết định lập nghiệp tại TP.HCM. Ngoài công việc chính là nhân viên truyền thông của một nhãn hàng mỹ phẩm lớn, anh còn là chủ một công ty chuyên sản xuất quần áo thể thao. Anh Đăng cho biết TP.HCM chính là nơi mở ra cho anh những cơ hội thử sức, khám phá và chinh phục những giới hạn của bản thân mình.

“Khi học xong gia đình cũng có ý khuyên tôi về quê làm việc với mức lương ổn định, vị trí khá tốt. Tuy nhiên, tôi muốn được vẫy vùng tại một thành phố phát triển và năng động như TP.HCM - nơi mà tôi biết rõ chuyện tìm việc hay lập nghiệp không hề dễ dàng nhưng bù lại, bản thân tôi sẽ được thử thách, được cạnh tranh và từ đó không ngừng phát triển để thích ứng, vươn lên”, anh Đăng nói.

Tốt nghiệp cao đẳng, anh Việt An (quê Kiên Giang) quyết tâm lên TP.HCM lập nghiệp vì “thấy người ta phát triển, tự động bản thân mình cũng sẽ phải chạy theo, chứ không ù lì sống qua ngày như trước được”, anh An chia sẻ.

Sau thời gian học tập tại TP.HCM, chị Lê Vân (quê Đắk Lắk) trụ lại TP.HCM để xin việc và tìm đường hướng tương lai cho mình. Bắt đầu từ vị trí kế toán của những công ty nhỏ, làm 2, 3 việc một lúc để trang trải cuộc sống và lo cho các em, đến nay chị Vân đã là kế toán trưởng của một công ty xây dựng. Chị chia sẻ sự năng động và nền kinh tế phát triển hàng đầu cả nước của TP.HCM đã níu chân chị.

Những hành động đẹp này cần được nhân lên trong cộng đồng. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Bích Vân, thanh niên xung phong trực tại trạm giao thông trọng điểm đoạn Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng (TP.HCM), giúp đỡ dẫn cụ già qua đường sáng 31-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN

“Đây là nơi có rất nhiều điều để tôi học hỏi mỗi ngày, cho nghề nghiệp, cho cuộc sống. Xuất phát điểm từ một vùng nông thôn nhưng tôi luôn cố gắng để thích nghi với nhịp sống và công việc nơi đô thị để bản thân mình ngày càng phát triển hơn về kiến thức, nhận thức và có những trải nghiệm thú vị trong đời”, chị Vân chia sẻ.

Theo ThS Lê Văn Thành, người nhập cư chủ yếu đến TP.HCM làm công nhân hoặc tham gia vào các dịch vụ của khu vực phi chính thức (như buôn gánh bán bưng). Một thị trường đông dân, nhu cầu cao như TP.HCM rất cần những khu vực đó. Do đó, người di cư về đây rất dễ tìm việc làm và thu nhập cũng cao hơn so với ở quê họ.

Mặt khác, sự có mặt của người nhập cư phần nào đó giúp cho TP.HCM “lấp đầy” những chỗ trống dịch vụ mà người dân tại chỗ không tham gia.

Chung tay, việc nhỏ sẽ làm nên chuyện lớn

Báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc năm 2009 ghi nhận dân nhập cư đóng góp 30% GDP của TP.HCM. Báo cáo cũng cho biết người di cư là động lực chủ đạo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Chị Lê Vân băn khoăn nhiều người quá thờ ơ với việc bảo vệ môi trường, nhất là ở một thành phố đất chật người đông như TP.HCM.

“Tôi thấy nhiều người ra đường cứ xả rác bừa bãi. Nhiều khi rác nhà mình thì vứt sang sân nhà hàng xóm cho đỡ phiền. Nếu ai cũng đặt lợi ích của mình lên trên cộng đồng thì sẽ làm thành phố ngày một xấu đi”, chị Vân nói.

Các bạn trẻ sinh hoạt ca hát trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Chia sẻ về “thái độ sống đô thị”, anh Chiêu Đăng cho biết luôn tự nhắc nhở bản thân là một thành viên của thành phố và người ta có thể nhìn vào chỉ một vài thành viên để đánh giá cái chung nên việc mỗi người tự ý thức và sống tốt, sống văn minh là điều phải làm.

“Khi gặp gỡ những người bạn nước ngoài, tôi luôn thể hiện sự thân thiện, hiếu khách và dẫn họ đến những nơi mang nét đặc trưng văn hóa của TP.HCM. Hai từ “cảm ơn” và “xin lỗi” cũng là câu cửa miệng của tôi mọi lúc mọi nơi. Hai từ rất dễ nói và cũng rất dễ lấy được cảm tình từ người khác”, anh Chiêu Đăng chia sẻ thêm.

Đồng tình với điều anh Chiêu Đăng chia sẻ, anh An cho rằng làm đẹp cho thành phố không khó nếu mỗi người góp vào đó thái độ sống tích cực và sự văn minh trong ứng xử.

“Ngoài ra, việc chấp hành luật lệ giao thông, không xả rác, không lớn tiếng nơi đông người… là điều mình luôn tuân thủ. Thấy thì nhỏ nhưng nếu mỗi người đều làm thì thành phố sẽ đẹp hơn nhiều lắm”, anh Việt An nói.

Sự có mặt của những người nhập cư giúp cuộc sống đô thị mang hồn bóng con người và nhân văn hơn, đó là ý kiến của ThS Lê Văn Thành.

Giáo sư, tiến sĩ Phạm Thành Nghị, Viện hàn lâm Khoa học - xã hội Việt Nam, nhìn nhận người lớn lên ở nông thôn có lối sống phù hợp với nông thôn. Khi di chuyển ra thành thị, họ phải có những sự thay đổi, điều chỉnh nhất định để phù hợp với lối sống ở đây.

“Việc sống ở thành thị đòi hỏi người nhập cư tuân thủ những quy tắc như giao thông đi lại, vệ sinh môi trường, sử dụng điện nước có kế hoạch, giao tiếp ở đô thị... Cuộc sống ở nông thôn và đô thị có sự khác nhau. Ví dụ ở quê thì hàng xóm sát nhà có thể kể chuyện thoải mái cho nhau nghe, trong khi ở thành thị thì một gia đình lạ sống bên cạnh một gia đình lạ, họ buộc phải giữ gìn cuộc sống văn minh để không quấy rầy hàng xóm”, ông Phạm Thành Nghị đưa ra ví dụ.

Đồ họa: Vĩ Cường

Việc thay đổi thái độ khi sống ở đô thị, theo giáo sư, tiến sĩ Phạm Thành Nghị là phải xuất phát từ nhận thức, thấy được điều gì cần điều chỉnh, sửa sang. Thay đổi nhận thức trước, hành vi sẽ được rèn luyện dần dần, ông Nghị nói.

Đồng tình với ý kiến này, ThS Lê Văn Thành cũng cho rằng cần có những sự điều chỉnh nhất định về hành vi, thói quen để phù hợp với lối sống đô thị đông đúc như TP.HCM.

“Đô thị thì dân rất đông, cứ “cựa qua cựa lại” là đụng nhau thôi. Việc sống hòa hợp trong một môi trường đông đúc như vậy đòi hỏi mỗi người phải hạn chế những hành vi làm phiền đến người khác”, ThS Lê Văn Thành nói.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Anh Chiêu Đăng

>> Chị Lê Vân

>> GS.TS Phạm Thành Nghị

>> ThS Lê Văn Thành

 

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên