04/10/2011 07:31 GMT+7

Chung tay cứu đê

Bà ĐOÀN THỊ TẤM
Bà ĐOÀN THỊ TẤM

TT - Những ngày qua hàng ngàn người dân ở Đồng Tháp đã có mặt ở những điểm “nóng” nhất để cứu đê, bất kể mưa bão hay dòng nước chảy xiết có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trong đó, có rất nhiều người tình nguyện xả thân dù họ không hề có tài sản, lúa thóc gì trong đê.

v35eg01Z.jpgPhóng to

Bà Đoàn Thị Tấm ở xã Thông Bình, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) bỏ việc làm thuê để tham gia cứu đê - Ảnh: Thanh Tú

Cứu đê, khỏi cần ai biểu

"Bây giờ thấy lũ uy hiếp mình làm ngơ đâu có được"

Sáng sớm, bà Đoàn Thị Tấm (54 tuổi, ở xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) rời khỏi nhà đi nhổ cỏ thuê. Trên đường đi bà thấy mọi người tất bật đào đất vá miệng cống trạm bơm đang bị nước lũ tàn phá. Bà Tấm quyết định nhanh: “Ở lại phụ vá cống, nghỉ làm một bữa”. Bà xốc vô cầm xẻng đào đất cho vô bao vá miệng cống suốt hai giờ. “Hồi đó giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Bây giờ thấy lũ uy hiếp mình làm ngơ đâu có được” - bà Tấm nói.

Tại tuyến đê Sa Rài ở huyện Tân Hồng nước đang mấp mé mặt đê. Ông Dương Hộ (78 tuổi, ở thị trấn Sa Rài) vừa hò hét động viên tinh thần của cả trăm người tham gia hộ đê, vừa khiêng bao đất đắp những chỗ sắp bị tràn. Ông tâm sự: “Lũ lên nhanh quá, đê sắp vỡ rồi mà mấy hôm nay anh em làm cả đêm lẫn ngày mệt đừ hết trơn. Tui ra đây hò hét tiếp sức cho họ và thấy chuyện gì làm được thì làm”.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), nói trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua nước lũ uy hiếp dữ dội làm nhiều tuyến đê bị vỡ mới thấy tình người trong dân thể hiện mãnh liệt. Khi trong vùng hết cừ tràm đóng giữ chân đê, nhiều người đã tình nguyện đánh ghe đi Mộc Hóa (Long An) tìm mua hàng ngàn cây đem về. Còn người dân thì đốn hết cây bạch đàn trong nhà đem ra cứu đê mà không yêu cầu gì cả. Nhiều người dân dù không có đất trong vùng đê bao sản xuất lúa đã gọi điện đến UBND các xã để hiến vật liệu cứu đê. Phụ nữ thì tình nguyện xách gạo, nồi niêu ra đê dựng trại nấu cơm, xách nước cho lực lượng chống lũ.

Bất kể hiểm nguy

Ông Hà Văn Yên ở xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã 56 tuổi. Dù không còn khỏe mạnh như trai tráng trong làng, nhưng ông đã “trực chiến” suốt hai tuần lễ ở ngoài đê. Đêm nào ông cũng dẫn đầu các nhóm tuần tra bảo vệ đê. 0g ngày 23-9, chúng tôi tháp tùng ông Yên đi tuần tra khi trời mưa rỉ rả, lạnh cắt da cắt thịt. Ông đi thật chậm, dùng đèn pin soi kỹ từng tấc đê xem có chỗ nào bị rò rỉ hay không.

Đột nhiên ông phát hiện một chỗ bị sự cố và báo động cho mọi người biết. Ông là người đầu tiên chụp mấy cây cừ tràm lao xuống ruộng đóng vào chân đê. Những người đi theo cũng nhào xuống móc đất vá chỗ rò rỉ. Hết cừ tràm mà cũng chưa vá xong, ông Yên nói: “Hay là để tui chạy về nhà dỡ cái vạt giường hay bộ ván ra tấn chỗ này”. Mọi người cản quá ông mới thôi.

Khoảng 15g ngày 29-9 nghe tin đê kênh Bắc Viện ở xã Tân Thành A, huyện Hồng Ngự bị vỡ, anh Hồ Văn Côn đã nổ máy chạy chiếc phà nhỏ trị giá hơn 140 triệu đồng của mình vào ứng cứu. Tới nơi thấy điểm bị vỡ quá to, nước chảy xiết, mọi người đều đứng nhìn trong tuyệt vọng. Anh nghĩ nhanh: “Chiếc phà nằm chắn ngang có thể làm nước chảy chậm lại. Lúc đó mọi người mới có thể ra đóng cừ”. Và anh Côn đã điều khiển chiếc phà vào để cản bớt dòng nước đang chảy xiết.

Nhưng chiếc phà cứ nổi trên mặt nước và nước vẫn tuôn vào ruộng ào ào. Anh yêu cầu tài xế máy đào quay lại dùng gàu múc đất nhận chiếc phà xuống để cản bớt dòng nước. Lúc này mọi người mới dám lội ra để đóng cừ, đắp đất vá lại chỗ bị vỡ. Hơn 400ha lúa của người dân được cứu. “Khi máy đào nhận chiếc phà xuống, tui bị văng ra khỏi buồng lái, may là níu lại được, nếu không chưa chắc tui còn sống đến giờ” - anh Côn kể.

Còn nhiều lắm những tấm lòng của người dân Đồng Tháp trong thời điểm căng thẳng cứu đê những ngày qua. Như ông Huỳnh Văn Sáu ở thị xã Hồng Ngự, khi nghe lực lượng bộ đội Quân khu 9 đang tăng cường cứu đê tại xã An Bình B, ông qua xã Long Khánh mua ngay 1.000 trái bắp để gửi cho bộ đội ăn “cầm hơi”. Còn ông Nu Quan nhà ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự thì quyết định cung cấp mì gói, trà đá cho lực lượng hộ đê đến khi nước rút mới thôi. Và biết bao nhiêu người dân đã đốn sạch cây cối trong vườn nhà mình đem ra cứu đê mà không hề yêu cầu chính quyền địa phương ghi sổ để sau này... đòi lại. Nhiều người vét sạch gạo trong nhà ra đê nấu cơm cho “thiên hạ” ăn cũng không có nửa lời tính toán thiệt hơn.

Ông Nguyễn Văn Dương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết có hàng ngàn người dân tham gia cứu đê mà không đòi hỏi quyền lợi, không cần yêu cầu gì. “Lãnh đạo tỉnh ghi nhận tất cả những tấm lòng cao đẹp của người dân với lòng biết ơn sâu nặng nhất. Rất mong bà con tiếp tục đóng góp công sức, tinh thần lẫn vật chất để bảo vệ an toàn cho toàn bộ diện tích vụ 3 còn lại” - ông Dương nói.

Nước lũ tràn vào thành phố

Nước lũ trên sông Hậu dâng cao những ngày qua khiến TP Long Xuyên (An Giang) và TP Cần Thơ ngập nặng, gây xáo trộn đời sống người dân.

Tại TP Long Xuyên, nhiều đoạn quốc lộ 91 qua nội ô thành phố này dù đã được nâng cấp có cao trình vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2000 nhưng vẫn bị nước lũ tràn qua. Có hôm nước ngập sâu tới gần nửa bánh xe, khiến xe cộ phải nối đuôi nhích từng chặng.

Các tuyến phố khác còn bị ngập sâu hơn. Mấy hôm trước, đường Lý Thái Tổ dẫn xuống bến phà An Hòa nước dâng cao lều bều rác rưởi, xe cộ lên xuống phà rất khó khăn, nhiều lúc hoạt động của bến phà bị ngưng lại. Đó đây hằng ngày luôn gặp cảnh người dân sử dụng mọi vật liệu, dùng bao cát chắn làm đê cố ngăn lũ nhưng nước vẫn tràn vào nhà cửa, phố xá gây ngập lênh láng.

Còn tại TP Cần Thơ, nước lũ đã dâng cao gây ngập nhiều tuyến đường và khu dân cư. Anh Tấn Phát - một hộ dân tại khu vực lộ Ngân Hàng (Q.Ninh Kiều) - cho biết nền nhà anh cao khoảng 1m nhưng vẫn bị ngập. Tại hẻm 51 đường Ba Tháng Hai, nước sông tràn vào nhà khiến nhiều hộ dân phải mướn máy bơm nước ra ngoài. Tình trạng ngập cũng xảy ra ở nhiều nơi thuộc khu vực trung tâm TP Cần Thơ như đường Hòa Bình, Lý Tự Trọng, Mậu Thân, 30-4...

Ông Võ Thạnh - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn An Giang - cho biết mấy ngày qua mực nước ở TP Long Xuyên đã vượt mức báo động 3, lại gặp triều cường nên nhanh chóng dâng cao tới 2,76m - vượt mốc đỉnh lũ lịch sử năm 1978 và năm 2000. Trong khi đó, nhiều nơi ở nội ô thành phố có cao trình chỉ bằng mức nước lũ báo động 3, nhiều nơi chỉ ở mức 2,2m nên bị ngập.

Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, trong khi cốt nền của thành phố nhiều nơi chưa tới 2m nhưng đỉnh lũ đều vượt con số này nên xảy ra tình trạng ngập như trên. Trước đó TP Cần Thơ đã nâng cốt nền đường Ngô Hữu Hạnh (Q.Ninh Kiều) cao hơn so với các tuyến khác nên không bị ngập trong đợt lũ này. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng Cần Thơ, nếu chống ngập bằng cách nâng cốt nền toàn TP sẽ rất tốn kém.

Bà ĐOÀN THỊ TẤM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên