27/11/2018 07:23 GMT+7

Chúng ta có bị cháy nắng vào mùa đông?

MINH HẢI (Theo Live Science)
MINH HẢI (Theo Live Science)

TTO - Câu trả lời là có. Lượng bức xạ tia cực tím (UV) giảm nhẹ trong mùa đông nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, đặc biệt với những người có da nhạy cảm.

Chúng ta có bị cháy nắng vào mùa đông? - Ảnh 1.

Ảnh: Alamy

"Tia nắng mặt trời có thể gây hại cho da ngay cả khi trời lạnh và nhiều mây. Do vậy, bất kỳ khu vực nào của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vẫn có thể bị cháy nắng", theo tiến sĩ Apple Bodemer, chuyên gia da liễu thuộc Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ).

Khi trời lạnh, làn da của chúng ta thường được che đậy "từ đầu đến chân" trong áo khoác, mũ, găng tay, khẩu trang. Cùng với đó là lượng bức xạ tia cực tím (UV) tỏa ra từ mặt trời giảm nhẹ trong mùa đông. Song nguy cơ cháy nắng vào mùa đông đối với những người có tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm.

Tiến sĩ Bodemer chia sẻ rằng cho dù bạn có mặc kín toàn thân nhưng khuôn mặt vẫn là nơi tiếp xúc trực tiếp với bức xạ tia cực tím. Khi tia UV thâm nhập sâu vào các tế bào da, chúng có thể gây tổn thương ADN.

Mặt trời tỏa ra ba loại tia cực tím là UVA, UVB và UVC, trong đó UVC bị ngăn chặn bởi tầng ozone trong bầu khí quyển, 99% tia cực tím đến được mặt đất là thuộc dạng UVA.

Do dễ dàng xuyên qua tầng ozone bảo vệ trái đất, tia UVA có thể có thể gây ra tình trạng lão hóa sớm, các vết thâm và nếp nhăn nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Trong khi đó tia UVB (có thể đi xuyên qua tầng ozone mặc dù cũng đã được lọc một phần) có thể gây ra tình trạng đỏ da, đen xạm, cháy nắng và làm tăng nguy cơ mắc ung thư da.

Theo tiến sĩ Bodemer, tổn thương da do tiếp xúc với tia cực tím tăng dần theo thời gian và cuối cùng có thể dẫn đến ung thư da. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở Mỹ với khoảng 3,3 triệu người mắc mỗi năm, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ.

Thêm nữa, tại những khu vực có tuyết và băng giá, làn da phải chịu những thiệt hại nặng nề hơn từ ánh nắng mặt trời. Theo tổ chức Skin Cancer Foundation, tuyết và băng phản xạ tới 80% tia UV từ mặt trời. Điều đó có nghĩa là bạn đang bị tấn công từ hai phía: đầu tiên từ bầu trời và thứ hai từ mặt đất.

Để giảm nguy cơ cháy nắng, bạn có thể dùng kem chống nắng, tốt nhất nên là loại có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. 

Theo quy tắc chung, SPF 30 sẽ chặn khoảng 97% tia UVB, SPF 50 sẽ chặn khoảng 98% tia UVB và SPF 100 sẽ chặn 99% tia UVB, theo tiến sĩ Steven Wang, đến từ Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (New Jersey - Mỹ).

Các chuyên gia cũng đề nghị sử dụng loại kem chống nắng có nhãn "quang phổ rộng" (broad spectrum) để bảo vệ làn da chống lại cả tia UVB và UVA.

Bằng cách này, bạn không cần phải "ngủ đông" trong nhà vì sợ hại da.

Vì sao nên thoa kem chống nắng khi đi máy bay? Vì sao nên thoa kem chống nắng khi đi máy bay?

TTO - Lượng bức xạ tia UV bên trong một buồng lái máy bay được so sánh với "chiếc giường" mà mọi người thường dùng để phơi nắng mong có được làn da rám nắng.

MINH HẢI (Theo Live Science)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên