Dòng tiền đổ vào giao dịch chứng khoán ngày một suy yếu - Ảnh: BÔNG MAI
Phiên giao dịch hôm nay 6-7 diễn ra không mấy thuận lợi đối với phần lớn nhà đầu tư, khi ngay từ lúc mở cửa các chỉ số chứng khoán chính đã lập tức bị lao dốc. Mặc dù có xuất hiện dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu, nhưng cung vẫn chiếm áp đảo so với cầu, càng về cuối phiên mức giảm càng sâu.
Áp lực bán gia tăng trên hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn như GAS (PetroVietnam Gas), VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), VRE (Vincom Retail), DGC (Hóa chất Đức Giang), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam)... khiến chỉ số chứng khoán của sàn TP.HCM (HoSE) bị đẩy xuống dốc.
Song song đó, hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng như VCB (Vietcombank), HDB (HDBank), BID (BIDV), CTG (Vetinbank), EIB (Eximbank)... cũng bị rớt giá, nhà đầu tư bán thoát hàng.
Dù không mang xu hướng chủ đạo, nhưng việc một số cổ phiếu khác vẫn giữ đà tăng trưởng, góp phần hỗ trợ thị trường, trong đó công lớn thuộc về các thành viên như SAB (Sabeco), VJC (Vietjet Air), DBC (Dabeco), HVN (Vietnam Airlines), HAG (Hoàng Anh Gia Lai), BVH (Bảo Việt), TDP (Thuận Đức), SVI (Bao bì Biên Hòa), BAF (Nông nghiệp BAF Việt Nam), RAL (Bóng đèn phích nước Rạng Đông)...
Không thoát khỏi xu hướng chung, hôm nay chỉ số cổ phiếu của tất cả các ngành đều bị giảm điểm. Trong đó giảm thấp nhất là ngành chăm sóc sức khỏe (-0,8%), giảm mạnh nhất rơi vào ngành năng lượng (-5,8%). Các ngành còn lại có mức giảm từ 3% trở lên gồm bất động sản, dịch vụ tiện ích và hàng tiêu dùng.
Diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần tạo nên bức tranh không thuận lợi trong phiên, khi ghi nhận tổng mức bán ròng hơn 745 tỉ đồng.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ tư, chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức giảm 31,68 điểm (-2,68%) lùi xuống mốc 1.149,61 điểm, tương đương giảm xấp xỉ 379 điểm so với mốc đỉnh lịch sử lập hồi đầu năm nay. Như vậy, chỉ số này cũng bị lùi về đáy của 16 tháng trước (kể từ phiên 9-2-2021, với 1.114,93 điểm). Tổng thanh khoản trên sàn HoSE cũng giảm mạnh, chỉ còn đạt xấp xỉ 12.570 tỉ đồng.
Diễn biến ở sàn HNX và UPCoM cũng không khả quan hơn, khi lần lượt rớt 6,02 điểm (-2,17%) xuống 271,92 điểm và 0,97 điểm (-1,11%) xuống mốc 86,22 điểm.
Khép lại phiên giao dịch, toàn thị trường có 708 mã chứng khoán bị rớt giá. Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu trong ngày đạt xấp xỉ 15.070 tỉ đồng.
Trong bối cảnh hiện tại, phía Chứng khoán Rồng Việt cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng, hạn chế mở mua trên diện rộng và cần hành động theo hướng phòng thủ trước rủi ro.
Nhận định về thị trường chung, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết không chỉ Việt Nam, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đã có một chặng đường gập ghềnh trong nửa đầu năm do gánh nặng từ nỗi lo lạm phát đình trệ toàn cầu. Do rủi ro tăng trưởng trì trệ, lạm phát cao, và lãi suất được kỳ vọng tăng trong thời gian tới, các chỉ số định giá của thị trường chứng khoán cũng sẽ chịu áp lực giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, các vấn đề và rủi ro toàn cầu đang đối mặt, các cuộc điều tra vi phạm thao túng thị trường chứng khoán trong nước và Chính phủ bắt đầu siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (bắt đầu từ tháng 4) đã khiến các nhà đầu tư bán tháo do tâm lý e ngại bất ổn trong ngắn hạn. Việc thanh khoản thấp cũng phản ánh tâm lý e dè của nhà đầu tư.
Theo đó, phía Mirae Asset đưa ra cho thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2022 gồm: Kịch bản xấu (VN-Index sẽ tiếp tục giảm điểm do tâm lý e ngại rủi ro chiếm ưu thế và tìm thấy ngưỡng hỗ trợ mạnh ở mức 1.060 điểm), kịch bản cơ sở (VN-Index đã tìm thấy mức thấp nhất trong năm là 1.156 điểm và sẽ tiếp tục tăng lại mốc 1.300 điểm) và kịch bản tích cực (VN-Index sẽ lấy lại mốc 1.530 điểm).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận