16/07/2010 07:46 GMT+7

Chứng cứ chính là cuộc sống đảo lộn

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - Từ Nhơn Trạch, nông dân Nguyễn Lam Sơn chạy xe máy về Sài Gòn theo lời hẹn của tiến sĩ Nguyễn Vân Nam. Lý do mà tiến sĩ Nam gặp anh Sơn là vụ kiện Vedan.

Ông Nam cho biết mình muốn đứng ra hỗ trợ pháp lý cho những nông dân Đồng Nai đi kiện. Cho dù là kiện trong nước hay kiện ở tận Đài Loan (nơi đặt trụ sở công ty mẹ của Vedan VN). Anh Sơn mang theo câu hỏi mà anh và nhiều nông dân Đồng Nai đang bị “đè bẹp”: Chứng cứ, giấy tờ ở đâu mà kiện?

Lóng ngóng bước vô quán cà phê. Câu hỏi đầu tiên mà vị tiến sĩ hỏi anh nông dân: anh kể cho tôi nghe về cuộc đời, nghề nghiệp và công việc của anh đi. Câu chuyện bắt đầu năm 1992, anh rời bỏ quê hương Bình Đại (Bến Tre), cùng cha lên Nhơn Trạch mở đất rừng làm ao nuôi tôm cá. Mảnh đất, ao 1ha của anh chỉ nằm cách sông Thị Vải gần trăm mét.

Từ đó nguồn sống là cái lú bắt tôm tự nhiên theo con nước ròng - kém của thủy triều trong tháng. Bắt được ký tôm nào anh mang ra chợ bán, hồi đó mỗi tháng được 5-7 triệu đồng, rồi dần dần nước thải từ nhà máy cách nhà anh 4km đó làm đen quánh dòng sông. Tôm cá chết trắng. Rồi dòng sông thành dòng sông “chết” và anh cùng hàng ngàn người nông dân rơi vào tình cảnh đau khổ như bây giờ...

Tiến sĩ Nam hỏi: trước đó anh có đi đăng ký kinh doanh không? Anh Sơn ngớ người: Tui làm nông mà, đăng ký sao? Vị tiến sĩ phán: “Anh không có giấy phép đăng ký kinh doanh thì mới khởi kiện được!”. Người nông dân lại ngớ người ra rồi gương mặt dãn dần theo từng câu nói của vị tiến sĩ. Nút thắt cuối cùng để mở rộng đường khởi kiện của nông dân Đồng Nai thật ra lại là chi tiết pháp lý đơn giản nhất mà người ta đã dựng lên như một rào cản với hàng ngàn người nông dân.

Theo tiến sĩ Nam, ở góc độ quy định của luật pháp hiện thời, người nông dân sẽ không phải đưa ra mọi chứng cứ bằng giấy tờ (giấy phép kinh doanh, hóa đơn, chứng từ của việc mua con giống, thức ăn, bán hàng, đóng thuế...) để chứng minh thiệt hại bởi họ là những người làm ăn sinh sống bằng nghề nông chứ không phải nghề kinh doanh mua bán. Họ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và mua bán trao đổi ngoài chợ nhằm phục vụ cuộc sống cơ bản hằng ngày nên không cần giấy phép kinh doanh.

Đòi hỏi người dân bên sông Thị Vải phải có giấy phép kinh doanh cũng giống như đòi người trồng lúa phải có giấy phép hành nghề trồng lúa.

Tiến sĩ Nam giải thích lý do ông bảo người nông dân kể cho ông nghe về câu chuyện nguồn sống của mình bởi đó sẽ là chứng cứ phải được xét tới trong phiên tòa này. Điều cần chứng minh chính là cuộc sống của người nông dân phụ thuộc vào dòng sông, phụ thuộc vào việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và trao đổi phục vụ cho nhu cầu sống hằng ngày. Họ không cần phải chứng minh việc giao dịch những sản phẩm từ dòng sông này.

Cuộc mưu sinh của người nông dân bị đảo lộn và thiệt hại trực tiếp một khi dòng Thị Vải bị ô nhiễm và không còn là nguồn sống của họ nữa. Thiệt hại sẽ được tính toán bằng những con số chi tiêu hằng ngày để đảm bảo cuộc mưu sinh bình thường nhất, trước khi có thảm họa môi trường do Vedan gây ra.

Trong quá trình xét xử, dù là tòa án ở Việt Nam hay tại Đài Loan, những nhân chứng hợp pháp phải được mời ra làm chứng trước tòa là hàng xóm láng giềng, những người buôn bán ở chợ từng thực hiện việc trao đổi hàng hóa hằng ngày với nông dân... Và những giấy tờ mà người nông dân cần là sự xác nhận của chính quyền địa phương về quá trình sinh sống và làm ăn một cách tự nhiên, hợp pháp trên mảnh ruộng, vườn, ao... trước và trong thời gian có vụ thiệt hại xảy ra.

Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam bảo rằng ông sẵn sàng cùng những người nông dân chân chất đi đến cùng cho vụ kiện này.

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên