Bão số 10 (ngày 30-9-2013) đổ bộ vào miền Trung gây thiệt hại nặng - Ảnh: Đăng Nam - Tấn Vũ |
Thông tin này được đưa ra tại hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ vào đất liền tổ chức ngày 7-10 do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.
Tại hội nghị, bà Huỳnh Thị Lan Hương - viện phó Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên - môi trường) - cho biết qua nghiên cứu, số liệu phân tích có thể nhận định năm vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của bão mạnh và siêu bão bao gồm: Vùng 1: từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, vùng 2: Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế, vùng 3: Đà Nẵng đến Bình Định, vùng 4: Phú Yên đến Khánh Hòa, vùng 5: Ninh Thuận đến Cà Mau.
Theo bà Hương, ở mỗi vùng thường có thời gian xuất hiện bão cũng như cường độ bão khác nhau. Như vùng 1 là khu vực có số cơn bão đổ bộ nhiều nhất với tần số trung bình 1-1,5 cơn/năm.
Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng của bão sớm hơn những vùng khác, thời gian xuất hiện bão khoảng tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Khu vực này từng ghi nhận có bão mạnh đến cấp 15. Càng về phía Nam, các vùng có tần suất bão đổ bộ càng ít, cường độ bão cũng giảm dần.
Cụ thể như từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có tần suất xuất hiện bão là 1-1,5 cơn/năm, Đà Nẵng - Bình Định chỉ 0,2-1 cơn/năm. Riêng vùng Phú Yên - Khánh Hòa và Ninh Thuận - Cà Mau ít xuất hiện bão đổ bộ hơn so với các vùng khác. Thực tế ghi nhận cho thấy ở các vùng từng xuất hiện những cơn bão mạnh từ cấp 10-13 đổ bộ vào đất liền.
Cũng theo bà Hương, trong tương lai các vùng trên hoàn toàn có thể xuất hiện những cơn bão với cường độ mạnh thêm từ 2-3 cấp đổ bộ. Chưa tính đến sự tàn phá do gió giật, thì nước dâng cao nhất do bão gây ra cao từ 5,7-6m ở vùng 1. Vùng 2 nước biển dâng từ 5,7-6,2m, nước dâng từ 3-3,2m ở vùng 3. Vùng 4 cũng có nước dâng cao đến 3,4m, vùng 5 nước dâng đến 3,8-5m.
Dù khu vực ĐBSCL là nơi ít xuất hiện bão đổ bộ và cường độ bão cũng không mạnh như các nơi khác, nhưng theo đại diện Viện Khoa học thủy lợi VN, khi xảy ra bão thì khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Lý do: ĐBSCL là vùng đất thấp, cao trình chủ yếu từ 0-1,5m, sông ngòi dày đặc. “Cũng do chưa xuất hiện những cơn bão mạnh nên hạ tầng, đặc biệt là nhà cửa người dân ít kiên cố, hệ thống đê bao chưa khép kín... chỉ cần bão cấp 12-13 đổ bộ là nhiều nơi trong vùng ngập 1-1,5m. Nếu sóng biển làm sạt đê bao, tình trạng ngập còn nặng nề hơn” - đại diện Viện Khoa học thủy lợi VN cảnh báo.
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, từ nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, các địa phương cần xây dựng phương án ứng phó cho riêng mình.
Riêng bản đồ ngập úng khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, Phó thủ tướng yêu cầu đầu năm 2015 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xây dựng hoàn tất để công bố cho các địa phương; chậm nhất đến tháng 6-2015 tất cả các địa phương trên cả nước phải xây dựng xong phương án phòng chống bão mạnh và siêu bão.
TP.HCM: triều cường lớn nhất xuất hiện cùng lúc xả lũ Ngày 7-10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM phát bản tin cảnh báo về đợt triều cường xuất hiện trên vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, với đỉnh triều vượt mức báo động 3, cùng thời điểm các hồ Dầu Tiếng, Trị An buộc phải xả lũ. Cụ thể, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An, sông Sài Gòn đạt 1,54m và 1,55m vào 4g và 16g30 ngày 8-10. Đến ngày 9-10, đỉnh triều tiếp tục cao đạt 1,57m và 1,61m vào lúc 4g30 và 17g. Sang ngày 10-10, triều cường đạt đỉnh 1,58-1,63m lúc 5g và 17g sau đó hạ dần. Đây là đỉnh triều lớn nhất kể từ đầu năm và có thể còn dao động khi các hồ thủy điện đang tiến hành xả lũ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận