28/07/2013 16:27 GMT+7

Chuẩn bị để sinh con khỏe mạnh

TƯỜNG VY
TƯỜNG VY

TTO - Trước hết người mẹ phải hoàn toàn khỏe mạnh, người cha cũng phải có sức khỏe tốt. Trong thời gian mang thai, nên ăn uống đủ chất, khám thai định kỳ và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa…

qFdDmrVs.jpgPhóng to
Siêu âm định kỳ cho thai phụ để kịp thời phát hiện những bất thường của thai nhi - Ảnh: N.C.T.

Chuẩn bị từ A đến Z

Chia sẻ với các khách tham dự "Ngày hội chăm sóc mẹ và bé" do Bệnh viện Từ Dũ phối hợp với Công ty OTB tổ chức ngày 28-7, PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung - nguyên giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM - cho biết người mẹ phải được chuẩn bị thật tốt để có thể mang thai và sinh con trong điều kiện tốt nhất, với độ tuổi sinh đẻ lý tưởng trong khoảng 25-35 tuổi. Nếu chẳng may bị bệnh, người mẹ cần điều trị cho đến khi bệnh đã ổn định và không chống chỉ định mang thai thì mới nên có thai. Đặc biệt phải lưu ý vấn đề khám và chữa răng trước khi có thai; nên sử dụng biện pháp tránh thai hữu hiệu để khoảng cách giữa các lần mang thai không nên quá gần, tốt nhất là cách nhau 4-5 năm và chỉ nên dừng ở 2 con.

Người cha cũng cần có sức khỏe tốt, tránh hút thuốc, uống rượu, vì thuốc lá gây độc hại không chỉ cho người hút mà còn hại cho cả vợ con, trong khi các nghiên cứu cũng cho thấy con của người nghiện rượu thường có trí thông minh kém phát triển. Bên cạnh đó cần tạo một không khí gia đình vui tươi, hạnh phúc...

Trong thời gian mang thai, người mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh thai nghén: tắm rửa hằng ngày; chăm sóc răng miệng tốt; chăm sóc đầu vú để chuẩn bị cho con bú sau khi sinh; tránh bơm rửa trong âm đạo; mặc quần áo rộng rãi; nghỉ ngơi đầy đủ; tránh giao hợp trong những tuần lễ đầu mang thai và tháng cuối cùng.

Người mẹ cũng lưu ý khám thai định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, nhất là vấn đề sử dụng thuốc, vì thuốc có thể gây dị dạng bào thai, gây độc cho thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ; không hút thuốc, uống rượu vì thuốc lá và rượu làm thai nhi có thể kém phát triển tâm thần, sinh non; đặc biệt lưu ý bảo đảm dinh dưỡng trong thai kỳ đầy đủ chất để bào thai phát triển tốt.

Về dinh dưỡng khi mang thai, BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Bệnh viện Từ Dũ, tư vấn: nguồn đạm thiết yếu cho các bà bầu là thịt heo, thịt bò, sữa, trứng, cá. Riêng thịt heo, thịt bò khó tiêu hơn nên các bà bầu cần chú ý hài hòa bằng cách một bữa ăn thịt một bữa ăn cá; với các bà bầu ở tháng cuối nên chia nhỏ bữa ăn ra, ví dụ trước đây 3-4 bữa thì giờ chia thành 6 bữa để tiêu hóa tốt hơn, hạn chế táo bón. Hải sản cũng là thức ăn tốt cho bà bầu, tuy nhiên một số loại có chứa chì có thể gây ngộ độc nếu ăn nhiều hoặc gây dị ứng cho một số người, hoặc gây khó tiêu… do đó các bà bầu nên lưu ý khi ăn. Ngoài ra nên tránh một số thức uống như cà phê/trà đậm đặc, rượu mạnh, nước ngọt có gas; hạn chế ăn nhiều gia vị, chất béo…

TS.BS Nguyễn Lân Đính - nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cũng khuyên các bà bầu không nên ăn trái cây ngay sau bữa ăn chính mà nên chia nhỏ ra như bữa ăn phụ. Nếu ăn trái cây sau bữa ăn chính chỉ nên ăn đu đủ hoặc thơm (khóm)…

Các bà bầu cũng được nhắc nhở không lao động nặng nhọc quá; không chơi những môn thể thao cần dùng nhiều sức, thay vào đó có thể tập thể dục với những động tác dành cho thai phụ; từ tháng thứ tám trở đi nên tránh đi du lịch xa vì có thể chuyển dạ bất ngờ…

Những chất cần thiết bổ sung hằng ngày khi mang thai

Chất sắt: thiếu sắt sẽ không thể tạo ra được hemoglobin - phần tử giúp mang oxy lưu thông trong máu để cung cấp oxy cho tế bào. Phụ nữ mang thai đặc biệt cần nhiều chất này để cung cấp oxy cho thai.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu sắt: khoảng cách giữa hai lần mang thai quá ngắn; có dấu hiệu xuất huyết trong quá trình mang thai; có tiền sử thiếu máu; dinh dưỡng kém.

Các loại thực phẩm giàu chất sắt: cá, thịt bò, các loại hạt ngũ cốc, đậu nành, mì sợi, bánh mì, hoa quả và các loại rau có màu xanh đậm… Có thể bổ sung sắt bằng cách uống thêm viên sắt. Lưu ý: sinh tố C trong rau quả có chức năng giúp cơ thể tổng hợp chất sắt hiệu quả.

Axit folic (nên bổ sung từ trước khi có thai): thiếu axitfolic có thể gây khiếm khuyết ống thần kinh (nứt đốt sống, thoát vị não), làm tăng nguy cơ dị tật ở tim, chi, đường tiểu, sứt môi, hở hàm ếch...

Axit folic có nhiều trong rau lá xanh như súplơ xanh, cải làn; trong các loại hạt như đậu đỏ, đậu đen và các loại hoa quả và nước hoa quả thuộc họ cam quýt, gan gia súc và gia cầm. Lưu ý axit folic rất dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ cũng như quá trình chế biến, do đó có thể bổ sung bằng viên thuốc chứa axit folic.

Canxi: là thành phần chủ yếu cấu tạo nên bộ xương và răng cho thai nhi; tham gia vào quá trình đông máu, vào các hoạt động co giãn tế bào cơ. Thiếu canxi có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị còi xương bẩm sinh, biến dạng các xương, thấp lùn… và chậm lớn; mẹ thiếu canxi sẽ bị sức khỏe suy yếu, loãng xương về sau.

Các thức ăn giàu canxi: rau (bồ ngót, cải bắp, rau muống, rau dền); trà xanh, hành củ, trái cây; cá (cá nhỏ nấu nhừ xương); sữa và các chế phẩm từ sữa (yaourt, pho mát); hải sản: cua đồng, ốc, tôm tép; lòng đỏ trứng… Ngoài ra có thể dùng thuốc bổ sung canxi...

Sinh tố sử dụng quá mức cũng có hại đến thai nhi

Theo PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung, sinh tố A liều cao từ 10.000 đơn vị trở lên mỗi ngày trước hoặc khi đang mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai về đầu mặt, rối loạn tâm thần, bệnh tim bẩm sinh; sinh tố E liều 10 đơn vị/kg/ngày làm chậm hấp thu chất sắt, có tác dụng đối kháng với tác dụng của sinh tố K; dùng sinh tố C liều cao trong khi mang thai có thể khiến trẻ sơ sinh bị mắc bệnh chảy máu bất thường (scurvy) khi ra đời; sinh tố D liều cao làm tăng canxi trong máu mẹ, rối loạn nhịp tim ở người mẹ bị bệnh tim, sỏi thận, xơ cứng động mạch, làm giảm nội tiết tố tuyến phó giáp trạng ở thai nhi dẫn đến hạ canxi huyết ở trẻ sơ sinh, gây co giật…

TƯỜNG VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên