Khu cách ly tập trung tại Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo quy định của Bộ Y tế, để được cách ly tại nhà, F1 phải ký cam kết tuân thủ 12 quy định "riêng" như ăn riêng, ngủ riêng, giặt riêng, đồ dùng riêng, xử lý rác thải riêng... Phải cách ly 28 ngày, tự đo thân nhiệt và phải được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ít nhất 5 lần kể từ khi bắt đầu cách ly.
"Các khu cách ly tập trung của TP.HCM quá tải, nhiều nhân viên y tế, lực lượng chức năng đang trực tại đây đã quá sức. Vì vậy đề xuất TP.HCM cần phải có kế hoạch tính toán cách ly các trường hợp F1 ít có nguy cơ tại nhà.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Nhiều nơi chờ F1...
Theo đại diện Trạm y tế thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè), trên địa bàn có khoảng 10 trường hợp F1 đang được giám sát cách ly tại nhà.
"Đây là các trường hợp F1 xa, tức dù có tiếp xúc với F0 nhưng có mốc thời gian, không gian, khoảng cách và hình thức tiếp xúc "tương đối an toàn". Các trường hợp này đều được điều tra, phân loại ngay từ đầu, đồng thời xin ý kiến được chấp thuận mới tổ chức cách ly nghiêm ngặt" - đại diện này nói.
Về quy trình thẩm định F1, đại diện này cho biết ngoài các tiêu chí mà Bộ Y tế ban hành, các trường hợp F1 còn được xem xét ở mức độ yếu tố dịch tễ thông qua việc khai báo y tế và truy vết.
"Các trường hợp này, sau khi nắm thông tin tôi cùng với ban điều hành khu phố, tổ COVID-19 cộng đồng đến trực tiếp kiểm tra. Để được cách ly tại nhà, họ phải đáp ứng các điều kiện như nhà riêng lẻ, có lầu sinh hoạt riêng biệt. Các sinh hoạt hằng ngày như nấu cơm nước, giặt đồ, đo thân nhiệt... người cách ly đều phải tự xử lý, chấp hành nghiêm ngặt. Mọi hoạt động của người cách ly hoặc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ đều do tổ COVID-19 cộng đồng đảm trách, giám sát" - đại diện này nói.
Ngoài giám sát hằng ngày, địa phương còn tổ chức kiểm tra đột xuất, xử lý nếu người cách ly vi phạm. Trong thực tế, việc chấp hành các quy định của các F1 đều khá tốt, do được cách ly tại nhà.
Trong khi đó đại diện trạm y tế một phường trung tâm ở quận 1 cho biết dù kế hoạch cách ly F1 tại nhà đã được triển khai nhưng với đặc thù ở trung tâm quận 1, quận 3 - nơi có mật độ dân cư cao, nhà liền kề ở trong hẻm sẽ rất khó đảm bảo cách ly an toàn.
"Cũng có một số trường hợp F1 gọi điện xin hướng dẫn nhưng khi chúng tôi nêu ra các điều kiện bắt buộc, hầu hết đều không đáp ứng. Chưa kể việc cách ly 1 người tại nhà, đồng nghĩa với việc các thành viên khác trong nhà đó cũng phải cách ly 28 ngày, điều này cũng là yếu tố để các F1 cân nhắc" - cán bộ này cho biết.
Còn đại diện Trung tâm Y tế quận 8 cho rằng dù mong muốn cách ly tại nhà nhưng một số F1 tự hiểu "không đạt các điều kiện yêu cầu", số khác "tự rút lui" trong quá trình được hướng dẫn.
Theo đại diện này, hiện có một số trường hợp F1 đang được tính toán có thể "ưu tiên" cho cách ly tại nhà, đó là các trường hợp cao tuổi, nhiều bệnh lý nền hoặc bị tai biến không thể đi được. Nhưng với các trường hợp này, điều kiện nhà cửa cũng phải tương đối đảm bảo, ít nhất phải đạt 80% quy định của Bộ Y tế.
Ban quản lý chung cư Hoàng Anh Gia Lai Gold House (huyện Nhà Bè, TP.HCM) tặng hoa mừng sinh nhật nhằm động viên hộ gia đình là F2 được cách ly tại nhà - Ảnh: P.C.
Nhà phải đủ điều kiện
Trước đó Bộ Y tế có văn bản gửi UBND TP.HCM hướng dẫn cách ly y tế F1 (tiếp xúc gần) tại nhà.
Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM xem xét, áp dụng thí điểm. Qua đó đề nghị UBND cấp xã, phường chỉ cho phép cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn.
Trong cuộc họp báo ngày 28-6, ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nhìn nhận thí điểm cách ly F1 tại nhà đang là vấn đề rất được người dân quan tâm. Theo ông, mục tiêu cuối cùng của biện pháp này là sự an toàn cho cộng đồng chứ không chỉ là chuyện giải quyết chỗ cách ly.
Theo ông, sau chỉ đạo của Bộ Y tế, đơn vị đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo UBND TP.HCM xem xét quyết định.
Phóng viên Tuổi Trẻ đặt các vấn đề cho ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP - về việc thí điểm cách ly F1 tại nhà đã chính thức thực hiện hay chưa? Nếu thí điểm đã có bao nhiêu trường hợp F1 được cách ly tại nhà, ở những khu vực nào? Những quận huyện nào sẽ đáp ứng tốt các tiêu chí mà Bộ Y tế quy định? Quá trình thực hiện có gặp khó khăn vướng mắc gì không?
Ông Dũng cho biết: "Sở Y tế TP.HCM đang trình UBND TP.HCM kế hoạch triển khai"!
Nguồn: Bộ Y tế - Đồ hoạ: TẤN ĐẠT
Nhiều cái lợi
Cho đến thời điểm này, cả 3 địa phương được phép thí điểm cách ly F1 tại nhà là Bắc Ninh, Bắc Giang và TP.HCM vẫn chưa có địa phương nào triển khai chính thức.
Ông Trần Quý Tường - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - cho biết lý do Bắc Ninh chưa triển khai cách ly F1 tại nhà là do các khu cách ly tập trung vẫn còn chỗ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung chống dịch nên vẫn muốn cách ly tập trung để "đảm bảo an toàn".
Một chuyên gia khác của Bộ Y tế chia sẻ khó khăn dẫn đến chưa triển khai cách ly F1 tại nhà được là do những bất cập, như cần nhân lực để kiểm tra, đánh giá xem địa điểm cách ly có đảm bảo theo yêu cầu, điều kiện hay không.
"Nếu địa điểm cách ly ở một khu vực thì dễ hơn, nhưng ở đây lại trải dài, mỗi phường, quận lại có một số địa điểm. Nếu trông vào ý thức tự giác của người cách ly thì vẫn có những lo ngại, trong khi muốn giám sát thì phải có nhân lực kiểm tra. Còn nếu giao cho tổ COVID-19 cộng đồng thì hiện họ đang quá tải do phải tham gia truy vết" - chuyên gia của Bộ Y tế cho biết.
Chuyên gia này cũng cho rằng về lý thuyết, việc thí điểm cách ly F1 tại nhà và tiến tới đánh giá hiệu quả, xem xét mở rộng là đúng và hợp lý, nhất là trong điều kiện các khu cách ly tập trung đã quá chật chội.
Diễn biến dịch ở TP.HCM càng cho thấy cách ly F1 tại nhà (nhà đủ điều kiện) hợp lý hơn là chuyển họ vào các khu cách ly tập trung đã quá tải và có nguy cơ lây nhiễm chéo. Bà Nguyễn Liên Hương - cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - cho biết kế hoạch "sau khi thí điểm ở TP.HCM sẽ xem xét, đánh giá để mở rộng hình thức cách ly này".
Rõ ràng, ai cũng nhận thấy nếu thay đổi hình thức cách ly sang cách ly tại nhà sẽ tránh được nhiều hệ quả về tâm lý cho người cách ly, giảm chi phí cách ly và quản lý người cách ly, đồng thời F1 vẫn có thể làm việc tại nhà...
24 doanh nghiệp đề xuất vừa sản xuất vừa cách ly
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 2-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức nghiên cứu kỹ hướng dẫn cách ly F1 tại nhà của Bộ Y tế.
"Vấn đề này trước mắt làm thí điểm nhưng phải đảm bảo tất cả các yêu cầu hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả" - ông Phong nói.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đã giao cho các ban quản lý của các đơn vị nêu trên phối hợp với Sở Y tế TP.HCM thẩm định 24 doanh nghiệp có đề xuất vừa sản xuất vừa cách ly. Việc này cố gắng hoàn thành trước ngày 5-7, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp khác thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly.
Chuyện cách ly F1 ở các nước
Một người phụ nữ phải cách ly tại nhà ở Mỹ - Ảnh: BillyPenn
Chính quyền Đan Mạch, Phần Lan và Cộng hòa Ireland sẽ yêu cầu cách ly đối với F1 căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, dựa trên đánh giá của bác sĩ hoặc nếu có triệu chứng. Tại Estonia và Hà Lan, các thành viên trong gia đình người nghi nhiễm nếu không ghi nhận triệu chứng gì đặc biệt sẽ được ra khỏi nhà trong một số tình huống nhất định (như mua đồ ở cửa hàng tạp hóa).
Tại Luxemburg, những ca tiếp xúc với người nghi nhiễm hay xác nhận đã nhiễm chỉ phải cách ly 7 ngày, cùng 7 ngày tự theo dõi với các sinh hoạt bình thường. Những trường hợp F1 tại Mỹ và Anh sẽ tự cách ly tại nhà tương ứng 14 ngày và 10 ngày, không được ra ngoài, cơ quan y tế sẽ có trách nhiệm theo dõi tình hình. Các F1 tại Singapore sẽ được cách ly tại các điểm chỉ định. Những người cách ly tại nhà ở Đài Loan sẽ tự theo dõi. Những người tiếp xúc với các F1 đang tự cách ly này (tức F2) còn được động viên "... cứ đơn giản sống như bình thường".
NHẬT ĐĂNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận