Nỗi lo này đến từ thực tế: học sinh lớp 12 năm học 2023 - 2024 là lứa cuối cùng học và thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ. Từ năm 2025, học sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới - chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng nghĩa học sinh lớp 12 năm học 2023 - 2024 nếu muốn thi lại tốt nghiệp THPT vào năm tiếp theo sẽ bắt buộc ôn tập và dự thi theo nội dung và "luật chơi" hoàn toàn mới.
Để không lỡ chuyến đò cuối
Lo lắng là tâm trạng chung của nhiều học sinh lớp 12 năm nay trước đầu năm học. Bạn Võ Trần Anh Khôi, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Quảng Nam), chia sẻ: "Với tâm thế là lứa học sinh cuối cùng của chương trình cũ, mình rất lo lắng vì nếu không may sẩy chân thì những bạn sinh năm 2006 như mình phải thi lại tốt nghiệp THPT năm sau với một chương trình mới".
Khôi chia sẻ mình đã lên chiến lược ôn cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 ngay từ đầu hè 2023. Bạn đăng ký các khóa học ôn tập sớm. Cũng ngay trong hè này, bạn dành rất nhiều thời gian phân tích ma trận đề các môn qua từng năm. Bạn lọc sớm ra những nội dung chương trình lớp 11 thường ra trong đề thi để ôn dần dần.
Với bạn Lê Trần Kim Thanh, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Ninh Thuận), để tránh tình trạng "tất tay" vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, Kim Thanh đặt ra chiến lược tận dụng các cơ hội từ những cánh cửa khác để vào đại học, trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngay từ năm lớp 11, Thanh tìm hiểu và ôn trước, chọn lọc những thứ mình có thể ôn mà chưa cần kiến thức lớp 12 nhiều như ngữ văn, toán logic, phân tích số liệu, ngoại ngữ...
"Hiện tại, mình vẫn đang cố gắng tự ôn thi đánh giá năng lực tại nhà. Ngoài ra, mình còn quan tâm đến phương thức xét học bạ nhưng vẫn không ưu tiên phương thức này vì mình không học trường chuyên, không thi học sinh giỏi và cũng không có IELTS. Nên mình nghĩ mình sẽ khá khó để "chọi" những phương thức này với các bạn học sinh khác" - Kim Thanh cho biết.
Sẵn sàng tâm thế
Cô Trịnh Thị Hồng Linh, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam), nhận xét kỳ thi tốt nghiệp năm học 2023 - 2024 sẽ là kỳ thi "có một không hai". Cô luôn nhắc nhở học sinh của mình cần duy trì phương pháp học tập hợp lý và sự nghiêm túc. Đặc biệt, học sinh lên chiến lược ôn luyện môn thi, khối thi càng kỹ lưỡng càng tốt.
Tương tự, thầy Trần Mai Hồng - phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Ninh Thuận) - cho biết nhà trường đã thống nhất về phương pháp giảng dạy từ đầu để học sinh có đủ kiến thức thi tốt nghiệp THPT 2024 và cố gắng "đậu" hết.
Dự kiến qua học kỳ I, nhà trường sẽ đánh giá được chất lượng học sinh và sẽ tổ chức các lớp dạy phụ đạo. Đến cuối tháng 4-2023, khi hoàn tất chương trình năm học, nhà trường sẽ bắt đầu tổ chức ôn tập, thi thử để đánh giá năng lực của các em; tổ chức ôn thi tại trường nhiều hơn và quản lý chặt hơn việc ôn thi đó để các em tập trung ôn tập đạt chất lượng cao.
Trong thời gian sắp tới, Trường THPT Chu Văn An (Ninh Thuận) sẽ có cuộc họp phụ huynh để nói về chủ trương này. Qua đó, phụ huynh sẽ có thể cùng nhà trường đôn đốc để học sinh chú tâm vào việc học và cố gắng thi điểm cao, đậu tốt nghiệp và vào được những trường đại học phù hợp trong năm cuối cùng hình thức thi tốt nghiệp THPT diễn ra.
Không ít phụ huynh nhận thức được những đứa con lớp 12 của mình sẽ bắt đầu hành trình cam go phía trước. Cô Trúc Mai - phụ huynh bạn Lâm Trúc Uyên (Ninh Thuận) - thường khuyên con rèn ý thức kỷ luật, trau dồi kiến thức mỗi ngày, tránh học nhồi nhét. Cô cho hay: "Tôi luôn đồng hành, tâm sự cùng con như một người bạn, tránh tạo áp lực cho con về điểm số cũng như các ngành học để con có thể hoàn thành kỳ thi một cách tốt nhất".
Trong khi đó, cô Lê Thị Lẹ - phụ huynh bạn Hà Phước Trí, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Quảng Nam) - tìm hiểu khá kỹ lưỡng về tình hình tuyển sinh, xét tuyển những năm gần đây để tư vấn cho con. Trước hết, cô Lẹ khuyên con cần tập trung với các kết quả học tập trên trường trong năm cuối này.
"Tôi biết con có nguyện vọng vào các ngành kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) nên tôi cũng có tìm hiểu và nhận thấy có nhiều phương thức xét tuyển giải quốc gia, thi học sinh giỏi, thi đánh giá năng lực... Tôi nhắc con tìm hiểu kỹ các phương thức để con có nhiều cơ hội hơn", cô Lẹ tâm sự.
Hướng tới những thay đổi gốc rễ
TS Lâm Thành Hiển - hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - nhận định chương trình 2018 vẫn có những kế thừa chương trình cũ. Giả sử có trường hợp phải ôn thi lại, học sinh có thể sớm bắt nhịp. "Bộ GD-ĐT chắc hẳn cũng sẽ tính toán phương án đảm bảo quyền lợi cho các em thi lại trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2025" - ông Hiển nói.
Về lâu dài, TS Lâm Thành Hiển cho rằng nên trả lại đúng ý nghĩa của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một trong những mục tiêu lớn nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chất lượng học sinh, từ đó những người làm giáo dục có thể xem xét việc dạy và học có đạt được những yêu cầu đề ra hay không, có cần phải thay đổi gì hay không.
Còn xét tuyển đại học có thể hướng đến giao hoàn toàn cho trường đại học chủ động tuyển sinh. Trường đại học sẽ có trách nhiệm để đưa ra những cách tuyển sinh sao cho tăng cường tuyển được những tân sinh viên phù hợp cũng như loại bỏ được áp lực luyện thi.
Sớm công bố phương án thi tốt nghiệp 2025
Phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức vào ngày 18-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tinh thần chung cần đảm bảo là tiếp tục đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT, đảm bảo nghiêm túc, gọn nhẹ, giảm áp lực nhưng phải nâng cao chất lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận