Tìm hiểu về một nơi trước khi buông lời nhận xét. Ảnh: TTO |
Bạn có thuộc nhóm người suy nghĩ tiêu cực?
Tôi đã từng tranh luận với một người đồng nghiệp nước ngoài của mình khi nghe họ chê bai nước mình ngay cả khi họ đang sống và kiếm tiền ở Việt Nam. Họ chê bai và chỉ trích nhiều thứ như phụ nữ, giao thông...
Và tôi đánh giá họ là nhóm người không chịu tiếp thu và học hỏi nền văn hoá của Việt Nam, cũng như không chịu học cách thích nghi và tìm những điểm tích cực. Họ là nhóm người suy nghĩ tiêu cực.
Khi bạn quyết định chọn một nơi để đến đồng nghĩa với bạn muốn tìm hiểu và có vẻ hứng thú với đất nước đó, nên việc tìm hiểu thông qua sách báo, các trang mạng xã hội là điều cần thiết.
Và đặc biệt, bạn nên đến đó với tâm hồn cởi mở, sẵn sàng chuẩn bị tâm lý cho việc bị sốc về mặt văn hoá. Tốt hơn hết, dành thời gian học ngoại ngữ để có thể giao tiếp thông thường khi cần nữa.
Theo tôi, sốc văn hoá xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân: bất đồng ngôn ngữ, thói quen sinh hoạt và cách suy nghĩ áp đặt.
Ví như hồi mình ở Brisbane, Úc. Mình đã sốc khi chỉ mới 4 giờ chiều mà không có ai ở ngoài đường nữa. Lúc đó tôi đã thốt lên và nói với bạn tôi rằng nơi đây khác hoàn toàn với Sài Gòn nơi tôi sống. Tôi không có ý chê bai mà chỉ thấy ngạc nhiên và so sánh.
Bạn bè tôi, họ cũng không thường chê bai văn hoá các nước. Họ chỉ so sánh sự khác nhau giữa các nền văn hoá, quốc gia mà họ đã đi qua, cái họ học được từ đó và đôi khi họ cũng cảm thấy không phù hợp với văn hoá đó.
Chứng tỏ khả năng thích ứng
Tôi học và làm việc ở Úc gần một năm rưỡi. Theo tôi, sống ở một đất nước xa lạ, ngoài việc tập thích nghi, còn phải biết loại bỏ những điều không phù hợp với nền văn hoá mới. Theo tôi đó mới là cách chứng tỏ khả năng thích ứng của mình.
Lấy ví dụ văn hoá xếp hàng ở đây rất cao, bạn dĩ nhiên không thể giữ lối chen lấn và mất trật tự nếu muốn hoà nhập cùng mọi người, nếu không bạn sẽ nhận được những ánh mắt cực kỳ khó chịu, hay nói cách khác đó là "những lời chê bai không lời".
Những người mình tiếp xúc không có ý chê bai văn hoá khác nhưng đôi khi cũng có thái độ bức xúc với những lối hành xử không được lịch sự.
Thật ra tôi cũng thông cảm với thái độ sốc văn hoá của những người nước ngoài. Lấy ví dụ ở đâu cũng có người có ý thức kém như xả rác, khạc nhổ... Nhưng điều khác biệt là ở đất nước của họ những việc ấy chiếm tỉ lệ rất nhỏ nên việc họ thấy đến đất nước mình và chứng kiến những điều đó diễn ra tràn lan, sốc cũng là điều dễ hiểu.
May mắn là tôi không bị rơi vào tình trạng sốc văn hoá mà ngược lại thích ứng rất nhanh. Úc là một trong những đất nước đa văn hoá và sắc tộc nhất thế giới. Có lẽ vì vậy mà con người ở đây thân thiện và cởi mở.
Theo kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy một trong những lợi thế giúp mình hoà nhập nhanh vào cuộc sống nơi này là ngôn ngữ.
Khi bạn đến một nơi xa lạ nhưng bạn hiểu những gì bạn nghe và mọi người hiểu những gì bạn nói là chất xúc tác giúp bạn tự tin hơn, từ đó dễ dàng tìm hiểu được lối sống nơi bạn đang ở và thích nghi.
Chưa tiếp xúc thực tế đã chê bai
Tôi chưa từng chê về một nền văn hóa nào khác VN nhưng chứng kiến nhiều. Có một số người xem phim Ấn Độ thì chê văn hóa của họ là ăn dơ, ở bẩn; xem phim Thái thì chê dân này sao nói lắm…
Với những người này, tôi nhận thấy họ chỉ nhìn phiến diện qua màn ảnh, chưa tiếp xúc thực tế đã chê bai. Hoặc việc chê bai cũng có thể là do bản tính “phản vệ thái quá” của mỗi người.
Vậy nên khi tiếp xúc với một sự vật, sự việc gì mới, và trong trường hợp cụ thể này là một văn hóa mới thì cũng khiến người ta dễ bộc lộ bản tính đó.
Thật ra, tôi nghĩ, việc đến một đất nước hoặc một địa phương mới chỉ để tiếp thu cái mới, làm phong phú thêm kiến thức của mình, nên việc chê bai văn hóa bản địa là đang thể hiện sự thiếu hiểu biết của mình.
Tôi đã tiếp xúc với nhiều nhiều người nước ngoài đến VN làm việc và sinh sống, họ không miệt thị hay chê bai về văn hóa VN mà chỉ là “sốc” với văn hóa nơi đây.
Đặc thù nghề của tôi là giao tiếp với nhiều người, nhiều địa phương. Nên việc tìm hiểu văn hóa của dân địa phương giúp tôi tự tin hơn khi làm việc với họ.
Vậy nên, khi bạn đến một địa phương hoặc lớn hơn là một đất nước nào đó, trước khi buông lời chê bai cuộc sống nơi đó, đặc biệt là về văn hóa, thì bạn nên suy xét đến sự hiểu biết của mình, thái độ tiếp nhận cái mới của mình đến đâu và tìm hiểu văn hóa mới là một lợi thế cho mình.
Không dùng khác biệt để chê bai
Công việc của tôi thường hay tiếp xúc với người nước ngoài, không phải ai cũng ý thức, cũng văn minh, cũng có người này người kia. Đối với sự khác biệt về văn hóa, có người sẽ thấy ngạc nhiên sau đó là thích thú, cũng có người cũng ngạc nhiên nhưng sau đó lại cảm thấy khó chịu, dẫn đến những suy nghĩ không tốt. Tuy nhiên, việc nhận xét không tốt vì sự khác biệt văn hóa là điều không hay. Mỗi quốc gia, dân tộc có những nét văn hóa đặc trưng riêng của họ.
Theo tôi, khi người ta đi nước ngoài, kể cả đi du lịch hay sinh sống lâu dài, thì việc tìm hiểu về văn hóa bản địa là điều hết sức cần thiết. Điều này giúp chúng ta dễ thích nghi và hòa nhập hơn. Cái gọi là những cú sốc chỉ xảy ra khi văn hóa thực sự quá khác biệt, hoặc đã có sẵn những định kiến không hay trước. Tôi nghĩ để tránh có những định kiến không hay về văn hóa của một đất nước, chúng ta nên có suy nghĩ là đi tìm hiểu những gì mới lạ và khác biệt. Bên cạnh đó, cũng nên thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh sống nhưng vẫn giữ được bản sắc của đất nước mình.
Khác biệt văn hóa là để học hỏi, không phải để chê bai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận