* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư: “Nói không chạy dự án thì tôi không tin”* Hôm nay chất vấn bộ trưởng Bộ Công thương (sáng), bộ trưởng Bộ Công an (chiều)
Phóng to |
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang - Ảnh: V.DŨNG |
Hơn 40 đại biểu đã gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh gần 100 câu hỏi mà chủ tọa phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đánh giá là rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề.
Theo chương trình, sáng nay (14-6) Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan phát biểu bổ sung. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trả lời chất vấn.
“Thảm đỏ” cho nhà đầu tư, “thảm gai” cho nông dân?
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đặt vấn đề “có những địa phương trải “thảm đỏ” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhưng lại trải “thảm gai” cho nông dân”. Trong khi đó nhiều dự án sử dụng đất rất lãng phí, nhiều khu đô thị bỏ hoang hóa. “Cách giải quyết sắp tới thế nào?” - ông Nam hỏi Bộ trưởng Quang và nói “câu hỏi này tôi cũng chuyển đến bộ trưởng Bộ Xây dựng”.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời: “Để tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì chúng ta vẫn phải tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào và vẫn phải trải thảm đỏ. Vừa qua có bài học khá rõ, chúng ta kêu gọi các nhà đầu tư vào, nhưng có thể họ chỉ làm một số việc, ví dụ họ thuê đất để lắp ráp các công nghệ, chủ yếu lắp ráp là chính. Bây giờ cần phải có một quy định chặt chẽ hơn, làm thế nào để các nhà đầu tư phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng “phải trải thảm để công nghiệp, dịch vụ phát triển, giải quyết được nhiều lao động, thu nhiều ngân sách, tạo sự tăng trưởng, kích thích ngành nông nghiệp phát triển”. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng quan điểm thì tốt nhưng “chính sách nào đó hoặc địa phương nào đó thực hiện vấn đề này chưa tốt. Đặc biệt là việc phát triển các dự án đô thị hiện nay có vấn đề tự phát phong trào dẫn đến lãng phí mà rất nhiều người đang quan tâm”.
Vụ Văn Giang: “dân không kêu ca gì”
Trả lời câu hỏi liên quan đến tình hình khiếu kiện đất đai rất bức xúc hiện nay, Bộ trưởng Quang cho rằng trong quá trình thực hiện thu hồi, đền bù ở một số dự án “chưa đảm bảo được dân chủ, công khai, bình đẳng”. Vấn đề lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người có đất và chủ đầu tư chưa được xử lý tốt và “giá đất tính bồi thường còn thấp”.
“Thái độ cụ thể của bộ về phương hướng và tiến độ để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai ở những vụ mà dư luận cả nước quan tâm như vụ ông Đoàn Văn Vươn, Văn Giang, Cần Thơ, Vụ Bản... đúng sai thế nào và bao giờ thì xong?” - đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi.
Ông Quang đáp: “Việc Tiên Lãng vừa rồi xảy ra rất đáng tiếc và là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chúng tôi, cho những đồng chí làm trong lĩnh vực công tác quản lý tài nguyên, môi trường”. Với vụ Văn Giang, ông Quang khẳng định: “Hiện nay người dân không kêu ca, phàn nàn gì về chuyện chính sách đền bù hỗ trợ cả. Người dân đề nghị cần phải xem xét lại vì ý kiến của Thủ tướng là dự án này có thể từ 300- 500ha, người dân đề nghị có thể thu hẹp lại một chút. Thứ hai là phần mà người dân được hưởng thì phải nằm trong khu đô thị đó”.
Chủ tịch Quốc hội: “Tôi không đồng ý”
Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đặt vấn đề: Mục tiêu đặt ra là năm 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên đến nay tỉ lệ đạt thấp. Bộ trưởng Quang đáp rằng ông nhớ là “lời hứa của bộ trưởng trước tôi là năm 2010 cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều đó thể hiện quyết tâm của chúng ta”. Tuy nhiên đến nay đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất ở nông thôn thì tỉ lệ cấp giấy chứng nhận đạt khoảng 85%, còn đất đô thị đạt 63%, loại đất chuyên dùng khoảng 60%. Nguyên nhân của tình trạng này là giấy tờ không hợp lệ, nguồn gốc phức tạp, vi phạm trong xây dựng và một số khu vực liên quan đến quy hoạch nên chưa cấp được. Phấn đấu tỉ lệ cấp giấy chứng nhận đất đô thị, đất chuyên dùng cố gắng hơn 80%, chứ nói cấp toàn bộ thì khó lắm vì đất cấp mới, đất chuyển đổi liên tục... không bao giờ có thể hoàn thành được.
Không hài lòng với trả lời trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Bộ trưởng nói rằng đến năm 2015 mới xong cơ bản thì tôi không đồng ý. Chính sách thì có rồi, tổ chức hoạt động cho tốt, xem xét thực hiện cho tốt. Bộ cùng với địa phương thực hiện cho tốt nghị quyết của Quốc hội và quyền lợi của người dân, đấy là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và cơ bản năm 2013 phải xong”.
Nắm tiền, nắm quyền thì phải trả lời được - Đại biểu Bùi Thị An: Đề nghị bộ trưởng cho biết sông Nhuệ, sông Đáy bao giờ được trả lại đúng hệ sinh thái của nó? - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Đây phải nói là vấn đề bức bách, nhưng đồng thời là vấn đề hết sức nan giải. Phải nói đây là vấn đề nguồn lực, tất nhiên có rất nhiều giải pháp để thực hiện nhưng trong điều kiện nguồn lực của chúng ta có hạn... - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Đại biểu An có hỏi là có làm cho dòng sông xanh trở lại được không? -Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Quyết tâm của chúng ta là kiên quyết phải làm xanh lại. Bao giờ xanh lại thì cũng cần phải có thời gian. - Đại biểu Bùi Thị An: Bộ trưởng được Thủ tướng giao trả lời chứ không phải bộ trưởng hỏi lại chúng tôi là vấn đề đến bao giờ. Bộ trưởng nắm tiền, nắm quyền, nắm quy hoạch, cho nên tôi nghĩ bộ trưởng phải trả lời cho cử tri cả nước rằng bao giờ thì dân chúng tôi được sống sạch, trong lành trên các lưu vực sông. |
* Ông Vũ Văn Luân (thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, Hải Phòng): Né tránh Tôi cũng như nhiều anh em trong liên chi hội thật sự thất vọng khi đại biểu đặt câu hỏi về Tiên Lãng thì bộ trưởng lại khất: mời đại biểu về bộ rồi có ý kiến sau. Theo tôi, với cương vị, trách nhiệm của mình, bộ trưởng phải trả lời rõ những thắc mắc của đại biểu ngay tại nghị trường vì vụ việc không còn nằm trong phạm vi Tiên Lãng nữa mà là sự quan tâm của người dân cả nước. Phải lấy Tiên Lãng làm bài học để rút kinh nghiệm, tổng kết chính sách, Luật đất đai tạo ra xu hướng phát triển trong nền kinh tế và trong lĩnh vực quản lý đất đai chứ không nên né tránh như cách trả lời của bộ trưởng. * Ông Lê Thạch Bàn (thôn 1, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên): Chung chung Tôi cho rằng việc trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang là không đúng trọng tâm, hỏi một đằng trả lời một nẻo, không thể trả lời tóm tắt và ngắn gọn như vậy được, phải giải trình cụ thể bằng văn bản, bằng luật... Nói chung bộ trưởng trả lời như vậy là không đạt yêu cầu bởi tất cả đều chung chung. |
* TS - luật sư Nguyễn Đăng Liêm (hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định): Thất vọng Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang có ba vấn đề sau. Thứ nhất: về vấn đề thời hạn cấp giấy chủ quyền nhà đất, bộ trưởng đổ thừa cho người tiền nhiệm hứa sẽ hoàn thành trong năm 2010 là không đúng. Bộ trưởng là đại diện của Bộ Tài nguyên - môi trường, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân chứ không phải hứa với tư cách cá nhân. Thứ hai: với những vụ Tiên Lãng, Văn Giang... thì người dân muốn biết bộ đã chỉ đạo việc này như thế nào, quan điểm của bộ ra sao. Nhưng bộ trưởng đã làm tôi thất vọng khi trả lời chung chung, đẩy trách nhiệm cho địa phương. Thứ ba: những phần trả lời khác của bộ trưởng có vẻ tránh né, không dám đi vào cụ thể những câu hỏi của đại biểu. * Ông Nguyễn Đăng Sơn (viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng): Chưa thỏa mãn Tôi chờ đợi để nghe bộ trưởng trả lời những chất vấn để biết rõ trách nhiệm để đất đai lãng phí thuộc về ai, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - môi trường đến đâu, bộ có chương trình gì, phương pháp gì để quản lý, điều hành hoặc khắc phục ô nhiễm môi trường... Nhưng thực tế Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời không được rõ ràng và có vẻ như còn vòng vo nên chưa thỏa mãn được yêu cầu và nguyện vọng của cử tri. Bộ trưởng còn “đá bóng” trách nhiệm cho nhiều nơi, hoặc để lửng lơ, không có mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Kiểu nói như bộ trưởng thì những lãng phí, ô nhiễm, bất hợp lý mà các đại biểu nêu ra chẳng biết đến bao giờ mới giải quyết xong. |
___________
Phóng to |
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh - Ảnh: V.DŨNG |
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị “tư lệnh” ngành KH-ĐT làm rõ vì sao theo quy định pháp luật thì các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) được giám sát thường xuyên bởi các bộ ngành có liên quan, nhưng các thất thoát vừa qua phát hiện rất chậm?
Ông Vinh nói: “Về nguyên tắc có trách nhiệm của các bộ, không thể nói là không có. Tuy nhiên, đối với các dự án thì doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý, cho nên các TĐ, TCT không báo cáo với các cơ quan, trong đó có Bộ KH-ĐT. Nói thật là chúng tôi không nắm được. Sau vụ Vinashin thì Vinalines cũng tương tự như vậy”.
Lỗ hổng pháp lý, lỗ hổng trách nhiệm
Ông Trần Du Lịch (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) nhận định việc xảy ra một số vụ việc như Vinashin đã bộc lộ “lỗ hổng pháp lý gắn với lỗ hổng trách nhiệm”, đồng thời cho rằng: “Bộ trưởng nói không nắm được, mà do các TĐ, TCT tự quyết định. Với một nguồn lực lớn đang nằm ở các TĐ, TCT mà có một số “ông” TĐ, TCT dùng tiền đó như tiền của các “ông” thì nhân dân rất xót xa”.
Bộ trưởng Vinh trả lời: “Cơ bản hệ thống pháp luật đã có, tuy nhiên những sai phạm vừa rồi liên quan đến bản chất con người, biết pháp luật quy định như thế nhưng vẫn cố tình làm. Do vậy ở đây chúng ta cần quan tâm đến phẩm chất của đội ngũ cán bộ”. Cũng theo ông Vinh: “Các dự án đầu tư lớn của TĐ, TCT đều phải có báo cáo, phải có người giám sát, không thể giao quyền quá lớn”.
Về việc vì sao từ năm 2009, qua giám sát việc quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các TĐ, TCT, Quốc hội đã yêu cầu cần hoàn thiện nhanh một số văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nhưng gần ba năm trôi qua các văn bản này vẫn chưa được ban hành, ông Vinh cho biết: “Bộ KH-ĐT được giao sửa đổi nghị định 132 về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước. Từ năm 2010 bộ đã soạn thảo văn bản, tuy nhiên có nhiều quan điểm khác nhau, ví dụ như vấn đề giao cho bộ chuyên ngành quản lý hay thành lập cơ quan ngang bộ để quản lý riêng các TĐ, TCT, hoặc là vấn đề ai được quyết định bổ nhiệm chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc... Do vậy Chính phủ đã cho tạm dừng để tiếp tục nghiên cứu. Cách đây một tháng, chúng tôi đã tiếp tục trình Chính phủ và cách đây một tuần Thủ tướng đã trực tiếp nghe lại ý kiến của các cơ quan soạn thảo...”.
Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Vinh, bà Nga tái chất vấn về trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành trong vụ Vinalines. Bộ trưởng Vinh nói: “Đối với Vinalines thì các dự án do họ tự quyết định, họ không báo cáo các bộ khác. Ngay như viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương đến mà còn không được tiếp”.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, liên quan đến việc quản lý các TĐ, TCT, một trong những vấn đề lúng túng nhất hiện nay là tách bạch giữa vai trò chủ sở hữu và quản lý nhà nước. Bộ Tài chính đã đề xuất thành lập tổng cục quản lý và giám sát tài chính doanh nghiệp, đồng thời trong quy chế giám sát sắp tới ban hành đã nêu rõ tăng cường giám sát “ba tầng”: thứ nhất là bản thân các TĐ, TCT, ví dụ như kiểm toán nội bộ, thứ hai là vai trò của các chủ sở hữu; thứ ba là vai trò giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ sự chưa yên tâm với dự kiến thành lập tổng cục quản lý và giám sát tài chính doanh nghiệp và cho rằng “cách tốt nhất là tiến hành cổ phần hóa”. Bộ trưởng Vinh nói: “Trong tái cấu trúc lần này đã đề cập lộ trình giảm bớt các TĐ, TCT. Tôi rất đồng tình. Nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực thiết yếu nhất, đặc biệt là đặt doanh nghiệp nhà nước trong môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch kiểm toán, công bố báo cáo tài chính”.
“Xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin”
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) chất vấn: “Việc tái cơ cấu kinh tế cần nguồn lực bao nhiêu?”. Bộ trưởng Vinh cho biết vấn đề ở đây không phải Nhà nước bỏ ra gói bao nhiêu ngàn tỉ, mà quan trọng là có chính sách để các thành phần kinh tế chuyển đổi, ví dụ như chuyển từ đầu tư công nghệ kém, ô nhiễm môi trường sang đầu tư có chiều sâu, năng suất cao... Đây là đề án tổng thể, sau khi Quốc hội có ý kiến thì Chính phủ sẽ xây dựng các đề án thành phần, trong đó từng bước tính toán cụ thể chi phí.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt câu hỏi: “Lâu nay dư luận râm ran chạy dự án với muôn vàn nẻo đường, tuy chưa bắt được tận tay nhưng không có lửa làm sao có khói?”. Bộ trưởng Vinh trả lời: “Có hay không có chạy dự án, nếu tôi bắt được thì tôi đã kỷ luật, nhưng nếu bảo không có thì tôi cũng không tin”. Liên quan đến việc chống đầu tư dàn trải, Bộ trưởng Vinh cho rằng phải thay đổi tư duy kinh tế từ cấp trung ương đến địa phương một cách bài bản và “đây là vấn đề hết sức quan trọng”.
Về việc Đan Mạch ngừng tài trợ một số dự án vốn ODA cho VN, Bộ trưởng Vinh nói: “Đây là điều đáng tiếc. Ngay sau khi có thông tin trên mạng thì chúng tôi đã yêu cầu kiểm tra, làm rõ. Ở đây không phải họ dừng hẳn mà chỉ là tạm dừng để xem xét. Quan điểm của chúng tôi là nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh để lấy lại niềm tin của nhà tài trợ”.
100.000 tỉ đồng lập công ty mua bán nợ xấu lấy từ đâu? * Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội): Gần đây có thông tin về việc thành lập công ty mua bán nợ xấu với quy mô 100.000 tỉ đồng, xin hỏi có việc này hay không, nguồn tài chính từ đâu ra? - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Hoạt động mua bán nợ là hoạt động bình thường được luật pháp thừa nhận. Bản thân các tổ chức tín dụng có tổ chức mua bán nợ, ở Bộ Tài chính có công ty mua bán nợ. Trong cuộc tham vấn giữa Thủ tướng và các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đã có đề xuất xây dựng công ty mua bán nợ quốc gia. Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước, đến nay Ngân hàng Nhà nước mới xây dựng trong nội bộ, chưa trình ra Thường trực Chính phủ, khi Thường trực Chính phủ thấy khả thi thì chúng tôi sẽ công khai trên báo chí. * Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Liệu có hay không việc dùng tiền ngân sách trả nợ xấu cho ngân hàng thương mại? - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu thì Bộ KH-ĐT không tham gia. Quan điểm của tôi là không lấy ngân sách làm việc này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận