04/11/2016 10:50 GMT+7

Chưa thể lập bảng gắn nhãn truyện tranh theo lứa tuổi

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Chiều 3-11, ông Chu Văn Hòa - cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện “Làm truyện tranh khó trăm bề”.

Một trang truyện Mèo Mốc tập 3 (trái) và một trang bản thảo của Truyện cực ngắn - hai trong những tác phẩm được cộng đồng sáng tác/đọc truyện tranh nhắc đến gần đây như những dẫn chứng về cái khó của làm truyện tranh - Ảnh: L.ĐIỀN
Một trang truyện Mèo Mốc tập 3 (trái) và một trang bản thảo của Truyện cực ngắn - hai trong những tác phẩm được cộng đồng sáng tác/đọc truyện tranh nhắc đến gần đây như những dẫn chứng về cái khó của làm truyện tranh - Ảnh: L.ĐIỀN

Về lo ngại trước tư duy truyện tranh chỉ dành cho trẻ em của nhiều nhà xuất bản (NXB), ông Hòa nói: “Truyện tranh có xu hướng không chỉ dành cho trẻ con là đúng. Nhưng ở nước ta có mấy ai người lớn đọc truyện tranh? Nói thế là cảm tính, các họa sĩ nói với nhau thôi.

Tâm lý người lớn đọc truyện tranh ở VN chưa phát triển, nên công chúng có tâm lý truyện tranh dành cho thiếu nhi cũng là cái tất yếu. Chẳng có lý luận nào khẳng định truyện tranh chỉ dành cho trẻ em, nhưng cũng chẳng có lý luận nào nói người lớn ở VN có nhu cầu đọc truyện tranh (nhiều)”.

Về đề xuất của giới họa sĩ lập bảng gắn nhãn truyện tranh theo lứa tuổi, ông Hòa nói có thể phải làm nếu có nhu cầu thực tế. Nhưng bây giờ chưa chín muồi để làm.

“Để làm cái đó (bảng gắn nhãn truyện tranh - PV) phải có khảo sát, đánh giá, có hội thảo khoa học. Đây là lĩnh vực văn hóa tư tưởng nên không thể định lượng máy móc bằng số lượng được. Không thể chạy theo sự bức xúc nào đó để định ngay ra một cái khung. Định ra cái khung đó thì những người cấp tiến có ý kiến. Thỏa mãn người cấp tiến thì người bảo thủ có ý kiến”.

Tuy nhiên trả lời Tuổi Trẻ, họa sĩ Thành Phong lại cho rằng nhận định ở VN ít người lớn đọc truyện tranh là nhận định chủ quan, thiếu cập nhật của Cục Xuất bản, in và phát hành, bởi truyện tranh đa số dành cho thiếu nhi nhưng vẫn có rất nhiều người trưởng thành có nhu cầu đọc truyện tranh. Điển hình là chiến dịch gây quỹ xuất bản truyện tranh dành cho người trưởng thành là Long thần tướng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo độc giả người lớn.

“Tôi ủng hộ việc phân loại gắn nhãn truyện tranh theo độ tuổi và cần làm điều này càng sớm càng tốt” - Thành Phong nói. Họa sĩ Hoàng Anh Tuấn cũng nêu ý kiến nhiều họa sĩ mong muốn có một hệ thống gắn nhãn truyện tranh để định vị đối tượng độc giả tốt hơn. Việc này không chỉ giúp ích cho người sáng tác mà còn giúp ích cho cả phía kiểm duyệt.

Xung quanh câu chuyện này, bà Phan Thị Mỹ Hạnh -Viện trưởng Viện Truyện tranh và Hoạt hình lại có quan điểm khác, rằng việc lập bảng phân loại truyện tranh theo lứa tuổi là lỗi thời rồi vì vào năm 1968 Mỹ đã đặt ra đạo luật Comics code nhưng bây giờ không còn dùng nữa.

Theo bà Hạnh, “trước khi tác phẩm ra đời thì bản thân các hoạ sĩ cũng phải có ý thức phân loại là mình sáng tác truyện này cho đối tượng bạn đọc nào, từ đó có văn phong, ngôn từ cho phù hợp với đối tượng đó.

Thứ hai là lâu nay người ta lại đánh đồng truyện tranh là dành cho trẻ con, để rồi cứ một hai phụ huynh lên tiếng là NXB phải chịu trách nhiệm. Đó là vấn đề rất khó cho các NXB. Đó cũng là lý do vì sao những gì mới, “nhạy cảm”, “bất thường” thì các NXB thường bắt sửa lại cho “bình thường”. Khi đó thì không còn mới nữa và chạm vào tự do sáng tác của các hoạ sĩ”.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên