02/04/2013 07:43 GMT+7

Chưa tăng giá điện trong tháng 4-2013

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ngày 1-4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Đặng Huy Cường khẳng định sẽ không thiếu điện trong mùa khô và chưa có kế hoạch tăng giá điện trong tháng 4-2013.

3zosNK0J.jpgPhóng to
Công nhân ngành điện lắp đặt điện kế cho một hộ nông dân ở ấp Giồng Giữa, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Trả lời câu hỏi của báo chí về tình hình căng thẳng điện ở miền Nam và khả năng thiếu điện khi Tập đoàn Điện lực VN (EVN) phải đề nghị một số doanh nghiệp cắt giảm 10-15% lượng điện tiêu thụ, ông Đặng Huy Cường khẳng định ba tháng qua, EVN đã cơ bản đáp ứng đủ điện. Ba tháng đầu năm EVN vẫn đạt trên 29 tỉ kWh, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2012.

Sẽ không thiếu điện mùa khô

Trong các thời điểm nắng nóng của miền Nam vừa qua, ông Cường tiết lộ EVN đã phải huy động nguồn điện chạy dầu giá cao. Theo kết quả báo cáo của EVN, Bộ Công thương đã thẩm định và thấy trong cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6, sản lượng điện EVN huy động vẫn có thể đạt 34 tỉ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ 2012. Theo ông Cường, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN phải đảm bảo ổn định nhà máy, vận hành tin cậy liên tục. Ngoài ra, EVN cần xác định thời điểm nếu cần thì phải huy động điện chạy dầu để đáp ứng điện. Trước câu hỏi trực diện có đủ điện hay thiếu, ông Cường trả lời: “Điện chưa thiếu, ba tháng đầu năm đủ, ba tháng tiếp theo sẽ cơ bản đủ”.

Theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công thương, tập đoàn này cũng khẳng định việc cung ứng điện tháng 4-2013 của toàn hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện, cắt điện luân phiên.

Ông Đặng Huy Cường cho rằng kế hoạch đưa ra tính cả khả năng có nguồn điện bị sự cố, nguồn chưa phát điện kịp. Nhưng khi vận hành, EVN cập nhật liên tục, nếu nguồn chạy than và chạy khí có thể cao hơn kế hoạch thì chưa cần chạy nguồn điện đắt tiền như dầu. “Giảm nguồn đắt tiền là giảm áp lực tăng giá thành, giảm áp lực tăng giá điện” - ông Cường nói. Đặc biệt trước việc giá xăng dầu trong nước vừa qua tăng mạnh, trả lời về khả năng tăng giá điện, ông Đặng Huy Cường khẳng định đến nay chưa nhận được đề xuất nào của EVN về việc tăng giá điện, đồng thời khẳng định “tháng 4 chưa điều chỉnh giá điện”.

Sẽ sửa nghị định kinh doanh xăng dầu

Trước câu hỏi của báo chí về việc giá xăng dầu vừa tăng sốc, ông Võ Văn Quyền, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), công nhận hiện không có quy định nào đưa ra giải pháp phải tăng giá xăng dầu để... chống buôn lậu như trong thông cáo của các cơ quan chức năng khi giải thích lý do tăng giá. Tuy nhiên,ông Quyền cho rằng liên quan điều hành nói chung thì tùy tình hình kinh tế - xã hội, cơ quan chức năng có thể tính toán để điều hành tăng hay giảm. “Việc chống buôn lậu là một trong các căn cứ, chứ không phải duy nhất” - ông Quyền nói, bởi hiện nay dù VN không bù lỗ xăng dầu nhưng việc trích quỹ bình ổn vẫn tiếp tục và tiền từ quỹ này cũng là nguồn lực xã hội, nếu xăng dầu bị xuất lậu cũng ảnh hưởng đến nguồn lực chung.

Dư luận thắc mắc trước đây khi giá thế giới giảm thì VN không tăng trích quỹ bình ổn, đến nay giá tăng thì hết quỹ để xả, ông Quyền cho rằng trước và sau tết giá thế giới tăng cao, cơ quan chức năng phải sử dụng quỹ bình ổn lớn để tránh giá tăng ngay dịp trước và sau tết. “Nay cần đưa giá vận hành theo đúng nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu. Sau khi xin ý kiến Thủ tướng, liên bộ Tài chính - Công thương đã có quyết định điều hành tăng giá”.

Về dấu hiệu doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu về trong tháng 3 tăng vọt, có phải họ dự đoán giá tăng để gom hàng, ông Quyền cho rằng VN đang muốn tạo thị trường cạnh tranh. Lúc nào doanh nghiệp cũng phải đủ dự trữ 30 ngày lưu thông, còn nhập vào bao nhiêu, lúc nào doanh nghiệp được quyết định. “Cái này không có vấn đề gì đúng sai theo pháp luật” - ông Quyền nói.

Tồn kho có giảm

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Thanh Hòa, vụ phó Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), cho biết nhu cầu điện tăng thấp cho thấy tốc độ sản xuất công nghiệp không tăng nhanh. Tuy nhiên, tháng 3-2013 VN đã nhập siêu trở lại sau một số tháng xuất siêu, chứng tỏ doanh nghiệp bắt đầu đầu tư cho sản xuất, nhập hàng trở lại. Về tồn kho, ông Hòa cho biết đã liên tục giảm, nếu vào ngày 1-1-2013 còn tăng 21% thì đến ngày 1-2 chỉ còn tăng 19,9% và đến 1-3 chỉ còn tăng 16,5% so với cùng kỳ 2012.

Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại của Bộ Công thương ba tháng qua, trong quý 1-2013 xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm so với cùng kỳ 2012 do cả lượng xuất khẩu và mức giá xuất khẩu đều giảm. Tuy nhiên, lại có những mặt hàng xuất khẩu tăng rất mạnh là đá quý và kim loại quý tăng tới 614,5%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 136,8%...

Công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu hằng tháng

Thời gian tới sẽ yêu cầu thống kê báo cáo sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hằng tháng thay vì ba tháng/lần như hiện hành. Thông tin về quỹ bình ổn giá cần minh bạch ở mức cao nhất để người dân và các cơ quan chức năng được biết. Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), vừa cho biết như trên. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng có đề xuất, tham mưu điều hành giá phù hợp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích cách đây khoảng một tháng, tình hình giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp, ở mức cao, trong khi giá bán lẻ trong nước thấp hơn giá cơ sở từ 1.000-2.300 đồng/lít. Để ổn định thị trường và kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá mà sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp. Số dư quỹ bình ổn giá ngày 20-2 vẫn còn 728 tỉ đồng, còn đến thời điểm 28-3 thì đã âm 524 tỉ đồng.

Theo Chinhphu.vn

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên