Tuổi Trẻ xin được trích đăng.
11.277 tỉ làm bảo tàng, lãng phí và chưa đúng lúc?
Phóng to |
Bảo tàng Hà Nội vẫn rơi vào cảnh vắng khách tham quan sau gần hai năm đưa vào sử dụng - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* Đây là một việc làm rất có ý nghĩa lịch sử đối với một dân tộc, rất đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét lại rất nhiều vấn đề, nhất là kinh phí. Theo các chuyên gia, công trình này đang đi ngược với tình hình kinh tế, xã hội của chúng ta hiện nay. Số tiền lên đến 11.277 tỉ đồng này sẽ được “vận hành” như thế nào? Vấn đề tiếp theo là cách bài trí, hiện vật lịch sử sẽ như thế nào trong khi mỗi địa phương đều có bảo tàng lịch sử và cũng có bảo tàng đã xuống cấp.
Còn nhiều vấn đề của đất nước đang cần giải quyết như an sinh xã hội, giáo dục... Mong rằng Nhà nước hãy dùng đồng tiền của dân đóng góp vào những việc làm hiệu quả nhất. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” - Nguyễn Trãi.
* Tôi không dám đánh giá là lãng phí hay không, vì đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, cho sự trường tồn của dân tộc. Nhưng tôi nghĩ rằng lúc này bỏ ra số tiền quá lớn như vậy là chưa đúng lúc. Nếu quan sát sẽ thấy người Việt chưa có thói quen đến bảo tàng. Đứng trước di tích hay tủ trưng bày hiện vật trong bảo tàng, người phương Tây thường chụp hình di tích, hiện vật và những chú dẫn để có thể nghiên cứu sau, còn người Việt thì thường chụp chính bản thân mình đang đứng trước di tích, hiện vật ấy mà ít quan tâm đến nội dung gắn liền với di tích. Vì thế, nếu đầu tư cho bảo tàng, chỉ nên nâng cấp những gì hiện có và tập trung mạnh mẽ để thay đổi thói quen “lớt phớt”, “hời hợt” của chính người Việt Nam. Khi người dân đã có sự quan tâm nhiều hơn đến bảo tàng thì tự khắc nhu cầu đầu tư những bảo tàng mới, quy mô sẽ trở thành hợp lý, hợp thời.
* Việc xây bảo tàng mang tầm cỡ quốc gia hay quốc tế là rất đúng. Nó sẽ thể hiện trọn vẹn lịch sử của một quốc gia và dân tộc cho nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên con số chắc chắn sẽ hơn 11.277 tỉ đồng kia là số tiền khổng lồ trong thời điểm hiện nay. Khi mà kinh tế trong nước đang gặp khó khăn, đời sống người dân lẫn doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều thì tiền đóng thuế trong hoàn cảnh ấy chi dùng vào việc xây bảo tàng lịch sử là chưa hợp lý.
Hơn nữa như các nhà chuyên môn phân tích, nếu chúng ta làm theo quy trình ngược là cứ xây đi rồi vận hành hay các cổ vật trưng bày tính sau thì sự lãng phí càng lớn hơn. Điển hình như sự lãng phí ở Bảo tàng Hà Nội với số tiền hơn 2.300 tỉ đồng hiện vẫn chưa khai thác hết cũng như quản lý chưa hiệu quả.
* Bảo tàng là bài học sống động, lịch sử sống động đối với mỗi dân tộc, mỗi con người, là cửa ngõ để du khách, người nước ngoài, các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước đến tìm hiểu nền văn minh, truyền thống văn hóa, đấu tranh của mỗi quốc gia. Chúng ta cũng cần xây dựng hệ thống bảo tàng hiện đại, phong phú mọi mặt. Song, trong thực tế đang có nhiều bảo tàng rất nghèo nàn về nội dung, yếu kém về tư liệu lịch sử, méo mó về vật chứng, nhếch nhác về trình bày, kể cả những bảo tàng có thể nói là có một không hai lẽ ra phải được quan tâm đặc biệt mọi mặt, như Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ; hoặc có những bảo tàng lẫn lộn nội dung, chồng chéo nội dung. Đáng ngại hơn nữa là đã và đang có hội chứng “bảo tàng ngành” tràn lan song hành với phong trào “ngày truyền thống” đang nở rộ như nấm...
Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục và rèn luyện giới trẻ về tinh thần tự hào dân tộc, lịch sử dân tộc, truyền thống dân tộc ở ngay địa phương đang sinh sống và các nơi trong đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta, không nên chỉ rộ lên theo kiểu xuân thu nhị kỳ, hoặc phớt lờ những tiêu cực, những tệ hại, những hành vi cực kỳ nguy hại do giới trẻ gây ra. Giáo dục chu đáo giới trẻ như thế mới hi vọng, mới có thể dẫn dắt rồi tiến đến giới trẻ tự nguyện tìm đến bảo tàng, háo hức, nô nức tìm đến bảo tàng. Khi đó bảo tàng mới phát huy đúng mục đích của mình, mới có tác dụng đích thực, tiền của do nhân dân đóng thuế xây dựng bảo tàng mới thật sự có hiệu quả xứng đáng. Bởi vậy, xin tạm dừng việc xây dựng bảo tàng hàng chục nghìn tỉ lại, dành tiền đó cho đồng bào nghèo khổ, cho nhiều mảnh đời lầm than ở đất nước ta, nhất là đồng bào nông thôn, miền núi, miền biển, vùng sâu, vùng xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận