15/10/2012 05:37 GMT+7

Chưa làm được nhiều cho biển đảo

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Trong hơn một tháng qua, chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” luôn nhận được sự hưởng ứng của bạn đọc với chung một gửi gắm: đóng góp của mình còn nhỏ bé lắm so với những gian khổ ở Trường Sa.

Thầy trò và tình yêu Tổ quốcGiản dị tình yêu Trường Sa

MvL8G8BK.jpgPhóng to
Sáng 14-10, ông Đào Công Luận (Q.Tân Phú, TP.HCM) dẫn con trai Đào Minh Phúc đến tòa soạn đóng góp 1 triệu đồng cho chương trình Xuồng cứu hộ CQ. Gia đình ông còn đóng góp 1,5 triệu đồng cho chương trình Ước mơ của Thúy - Ảnh: Gia Tiến

Những cựu chiến binh của một thời khói lửa, từng đi qua chiến tranh nên cảm nhận rất rõ về giá trị của hòa bình. Và từng ngày, họ dành dụm những đồng lương hưu nhỏ để góp mua xuồng CQ tiếp sức bảo vệ chủ quyền.

Như vợ chồng bác sĩ N.L.G. (Q.1, TP.HCM), hơn 80 tuổi, không thể đi đến tòa soạn, đã nhờ con trai mình là một đại tá của Quân khu 7 mang số tiền trích từ lương hưu đến báo Tuổi Trẻ gửi chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa”. Bà L.G. cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều là quân y, dân y trong kháng chiến chống Mỹ, bây giờ lại có con đi bộ đội nên rất thương, rất quý bộ đội. Đóng góp của vợ chồng tôi không chỉ là tình cảm của người kháng chiến mà còn là nghĩa vụ, là trách nhiệm của người dân. Ở đảo xa bao nhiêu khó khăn, gian khổ, những gì mà chúng ta đang làm còn nhỏ bé lắm. Trước đây vợ chồng tôi từng “Góp đá xây Trường Sa” ở tổ dân phố. Tôi xúc động vì Tuổi Trẻ đã có một chương trình cụ thể, thiết thực để mỗi người dân đều có thể đóng góp, ủng hộ Trường Sa”.

Đại diện chi bộ khu phố 1 (P.8, Q.4, TP.HCM) cầm số tiền 2 triệu đồng đến tòa soạn Tuổi Trẻ, ông Trần Nhựt Thanh - chi ủy viên - cho biết: “Trong cuộc họp chi bộ hằng tháng, bí thư đã phổ biến chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” mà báo Tuổi Trẻ phát động và được tất cả đảng viên hưởng ứng. Không chỉ chương trình này mà những chương trình trước đó của Tuổi Trẻ hướng về tình yêu đất nước và ý thức dân tộc đã làm chúng tôi rạo rực hơn, cảm nhận nhiều hơn về ý nghĩa của chủ quyền đất nước”. Ông Thanh cũng nói trong chi bộ khu phố 1, phần lớn là các cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam.

Không chỉ có các cựu chiến binh, nhiều bạn trẻ đã tham gia góp sức để mua xuồng cứu hộ CQ.

Nhóm bạn Nam Anh, Minh Lộc, Đức Phú (TP.HCM) cùng 24 tuổi, mới ra trường hai năm, có người còn đang theo học cao học, nhưng hơn một năm nay hằng tháng mỗi người đều trích ra một phần tiền lương ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” và bây giờ là “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa”.

Đức Phú khẳng định: “Tôi và các bạn sẽ tiếp tục làm như vậy chứ không chỉ một lần hay một năm. Chúng tôi được yên bình, có nhiều điều kiện học hành, được sống cuộc sống đầy đủ, tiện nghi... là nhờ những chiến sĩ nơi xa xôi của Tổ quốc bất chấp cả sóng gió, hiểm nguy, ngày đêm giữ đất nước. Biển đảo của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, đóng góp của chúng tôi còn nhỏ bé lắm, nhưng chỉ cần mỗi người dân chúng ta chung tay góp sức cho Trường Sa sẽ tạo thành một sức mạnh khổng lồ về vật chất lẫn tinh thần”.

Chàng trai trẻ này còn đề xuất thêm: ngoài những cuộc thi viết, Tuổi Trẻ nên tổ chức những cuộc thi hình thức tương đối đơn giản, nội dung nhẹ nhàng để mọi người tham gia dễ dàng hơn, từ đó phổ biến rộng rãi hơn những chương trình liên quan đến biển đảo, đến Trường Sa mà Tuổi Trẻ đang thực hiện.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên