16/02/2014 09:57 GMT+7

Chữa bệnh cho người nước ngoài

LAN ANH
LAN ANH

TT - Cách đây hơn hai tháng, các bác sĩ Viện Huyết học và truyền máu T.Ư đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân người Mỹ mắc chứng thiếu máu nặng kèm ung thư vú.

Ông Bạch Quốc Khánh, phó viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, nói thời điểm bệnh nhân vào viện, các bác sĩ đã choáng khi có một bệnh nhân thiếu máu nặng nhưng không chịu truyền máu.

Bệnh nhân Tây

"Cái khó khi tiếp nhận bệnh nhân nước ngoài là cơ sở vật chất"

“Đây là một trong số những bệnh nhân là người nước ngoài đến điều trị ở viện chúng tôi thời gian qua. Thời điểm vào viện, huyết sắc tố của bệnh nhân chỉ còn 27 g/lít, trong khi người bình thường yêu cầu huyết sắc tố phải ở mức 120 g/lít. Nguyên do của tình trạng này là bệnh nhân bị ung thư vú từ năm 2010 nhưng không chịu điều trị, lại ăn kiêng rất nghiêm ngặt, bệnh nhân cũng theo một giáo phái đặc biệt có quy tắc không nhận máu từ người khác, tức là không được truyền máu”- bác sĩ Khánh kể.

Để chăm sóc bệnh nhân này, các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn khi bệnh nhân treo một tấm biểu ngữ “không được truyền máu” ở đầu giường. Trong khi đó, phần ngực bị ung thư của bà cũng đã đến giai đoạn nặng, nở tung và thầy thuốc phải thay băng hằng ngày. Đó là chưa kể người nước ngoài không có thói quen đến chăm sóc người thân đang nằm viện. “Rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi cũng có kinh nghiệm điều trị riêng bằng các hóa chất. Sau một tháng điều trị, lượng huyết sắc tố của bệnh nhân đã đạt 87 g/lít, ở mức không phải truyền máu nữa. Bệnh nhân đã được ra viện để sang Bangkok, Thái Lan trước khi về nước”- bác sĩ Khánh cho biết.

Tại Hà Nội, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cũng là địa chỉ khá tin cậy với bệnh nhân nước ngoài. Bác sĩ Dương Đức Hùng, trưởng khoa C8 Viện Tim mạch quốc gia, từng có một kinh nghiệm đáng nhớ khi chủ trì điều trị thành công ca bệnh lóc tách động mạch chủ thể nặng cho bệnh nhân Singo Gose, chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại VN. Theo gia đình ông Gose, ông đột ngột lên cơn đau ngực dữ dội vào ngày 22-11-2012. Sau khi được chụp chiếu chẩn đoán và chuyển vào Viện Tim mạch quốc gia, các bác sĩ đã có một quyết định là mổ cấp cứu cho ông Gose, nếu không khả năng tử vong sẽ tăng theo từng giờ. Sau ca mổ kéo dài 2 giờ 30 phút, bệnh nhân được chuyển về khu hậu phẫu và được điều trị tích cực hơn một tháng sau đó. Ngày đón chồng ra viện, vợ và con gái ông Gose từ Nhật Bản sang chăm nom chồng đã chảy nước mắt khi nói lời cảm ơn bác sĩ và tạm biệt VN.

Một mong muốn

Theo ông Bạch Quốc Khánh, từng có nhiều bệnh nhân người Lào, Campuchia, Philippines, Indonesia đến điều trị các bệnh thiếu máu, ung thư máu. Chuyên môn là điều mà ông Khánh cũng như các bác sĩ VN tự tin, vì lượng bệnh nhân đông, kinh nghiệm điều trị có thừa. Nhưng cái khó khi tiếp nhận bệnh nhân nước ngoài là cơ sở vật chất. Tại Viện Tim mạch quốc gia, lắm khi bệnh nhân phải nằm giường ghép, mà bệnh nhân nước ngoài thì không thể tưởng tượng được điều này. Mức viện phí hiện tại cũng không thể đáp ứng yêu cầu bệnh viện chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ, trong khi với bệnh nhân nước ngoài thì đây là một trong những yếu tố quan trọng.

“Chất lượng dịch vụ y tế không chỉ thể hiện bằng kinh nghiệm điều trị, mà cả ở điều kiện chăm sóc, tập phục hồi chức năng, nhưng bệnh viện VN chưa có điều kiện chú ý nhiều đến hai yếu tố sau”- ông Dương Đức Hùng nhận định.

“Tôi chỉ có một mong muốn là có đủ kinh phí để lương của cán bộ ngành y tế ở mức để họ không phải “lăn tăn”, toàn tâm toàn ý chăm sóc người bệnh”- bác sĩ Khánh nói.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên