14/11/2012 06:30 GMT+7

Chữa bệnh bằng tâm

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC

TT - Một người bề ngoài trông có vẻ khỏe mạnh với vóc dáng hấp dẫn, diện mạo phương phi nhưng nếu lòng có điều phiền muộn, bất ổn về tâm lý thì không thể xem là có sức khỏe toàn diện.

dWRysr11.jpgPhóng to
Người bệnh luôn cần được bác sĩ quan tâm, tư vấn kỹ lưỡng - Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Yếu tố tâm lý luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe.

Hiệu ứng placebo

Trong quyển Nơi không có bác sĩ (Where there is no doctor, ở ta dịch và xuất bản với tựa đề Chăm sóc sức khỏe), bác sĩ David Werner, tác giả cuốn sách, đã kể lại một trường hợp: “Có lần tôi thấy bệnh nhân nhức đầu dữ dội. Một phụ nữ đưa anh ta miếng khoai bảo rằng đây là thuốc giảm đau rất mạnh. Anh ta tin lời đã ăn nó và kết quả là khỏi đau nhanh chóng”.

Ở đây, yếu tố tâm lý của người bệnh được tác động để phát huy tác dụng tích cực của nó. Khi người bệnh được cho dùng một chất nào đó không phải thuốc, nhưng nếu có sự tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc thật, dùng chất đó khỏi bệnh thì hiện tượng đó được gọi là “hiệu ứng placebo”.

Trong chừng mực nào đó có thể ghi nhận hiệu ứng placebo để giải thích những vụ việc liên quan đến việc chữa bệnh “kỳ lạ” mà nhiều người cho rằng khoa học khó có thể giải thích được.

“Placebo” có nguyên nghĩa là “tôi làm vui lòng”, ý nói bác sĩ sẽ tác động đến tâm lý của người bệnh, tạo cho họ sự phấn khởi, tin tưởng để mau hết bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh, thầy thuốc thường khai thác tối đa yếu tố tâm lý để giúp quá trình bệnh diễn tiến tốt. Bác sĩ có mối quan hệ tốt với bệnh nhân, cung cách khám chữa bệnh đúng mực, nói năng nhẹ nhàng, thân tình, giải thích rõ ràng, cặn kẽ sẽ giúp bệnh nhân ổn định về mặt tâm lý và giúp việc điều trị bằng thuốc hoặc bằng phương thức trị liệu nào đó sẽ nhanh và tốt hơn.

Không hiếm trường hợp chỉ vì một lời nói của bác sĩ mà làm cho bệnh của bệnh nhân thêm nặng hơn hoặc giảm đi rõ rệt. Có một số phương thức điều trị không dùng thuốc mà dựa hẳn vào yếu tố tâm lý như thôi miên, tự kỷ ám thị, thiền định... để ổn định tâm lý và từ đó người bệnh khỏe hẳn.

Nếu stress được chứng minh là có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể thì ngược lại, những biện pháp giúp ổn định tâm lý, gây sảng khoái về mặt tinh thần sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh tật. Người ta ghi nhận các rối loạn liên quan đến triệu chứng cơ năng (như bệnh suy nhược thần kinh) rất dễ chữa khỏi bằng các biện pháp tác động đến yếu tố tâm lý.

Tuy nhiên, ta cần xem việc chữa bệnh bằng yếu tố tâm lý chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không thể thay thế các phương thức trị liệu của nền y học chính thống.

Ứng dụng trong ngành dược

Ở nhà thuốc, khi tiếp xúc với người bệnh đến mua thuốc, lời hướng dẫn tư vấn dùng thuốc tận tình, thân ái của dược sĩ có thể khơi dậy niềm tin ở người bệnh vào tác dụng chữa bệnh của thuốc. Còn ở các công ty dược phẩm bào chế sản xuất thuốc, các dược sĩ không chỉ quan tâm đến việc bảo đảm chất lượng thuốc mà còn chú ý hoàn thiện những chi tiết tác động đến tâm lý của người dùng thuốc. Thuốc được chứa trong bao bì trình bày đẹp mắt, sáng sủa bao giờ cũng dễ tạo mối thiện cảm, làm người dùng thuốc có ấn tượng thuốc được sản xuất trong điều kiện tốt nhất.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu để tìm ra và sản xuất một thuốc mới, người ta phải loại bỏ hoàn toàn yếu tố tâm lý trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc. Bởi theo định nghĩa, thuốc là những chất có tác dụng thật sự dùng để điều trị, phòng bệnh và chẩn đoán bệnh. “Có tác dụng” nghĩa là thuốc có tác dụng vật chất, hấp thu vào cơ thể sau đó được chuyển hóa bài tiết để đạt hiệu quả chữa bệnh, phòng bệnh, chẩn đoán, chứ không phải chỉ dựa vào tin tưởng nào đó mà khỏi bệnh.

Khi nghiên cứu tác dụng của thuốc mới, để loại trừ yếu tố tâm lý, người ta thường sử dụng phương pháp mù đôi. Trong phương pháp này, những người bệnh tham gia nghiên cứu được chia làm hai nhóm ngẫu nhiên và giống nhau ở một số đặc điểm (như tuổi tác, giới tính...): một nhóm sẽ được điều trị bằng thuốc cần được thử nghiệm trong nghiên cứu, nhóm thứ hai được điều trị bằng placebo có hình dạng kích cỡ, màu sắc, mùi vị giống thuốc thật. Thuốc mới thử nghiệm chỉ được đánh giá là có tác dụng thật sự khi nhóm một có tỉ lệ tính theo thống kê là khỏi bệnh, trong khi nhóm hai có tỉ lệ được xem là không khỏi bệnh.

Gọi là “mù đôi” vì cả người bệnh lẫn bác sĩ chỉ định thuốc và theo dõi điều trị không biết thuốc nào là thuốc thật, thuốc nào là placebo (người bệnh nhóm hai không được cho biết là dùng placebo, cứ đinh ninh dùng thuốc thật).

Đối với thầy thuốc, rất cần xem người bệnh là tập hợp không chỉ gồm các yếu tố lý hóa và sinh học mà cả yếu tố tâm lý xã hội (tức xem người bệnh bao gồm cả cái thân và cái tâm). Với cái nhìn rộng hơn, quan sát sâu sắc hơn, yếu tố tâm lý có thể được xem là một phần của cái tâm (thức tâm) của thầy thuốc và người bệnh hay chăng?

Rõ ràng thầy thuốc chỉ có thể lắng nghe để thấu hiểu được nỗi khổ của người bệnh để toàn tâm toàn ý chăm sóc chữa trị cho người bệnh. Cần nhận thức người bệnh không chỉ đang “rêm” cái thân vì bệnh mà còn “loạn” cái tâm vì hoạn để thầy thuốc vừa chữa bệnh cái thân vừa ổn định cái tâm cho con người đang khổ kia.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên