Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân, chủ tọa phiên tòa (giữa) - Ảnh: ĐÀN THUẦN
Bên cạnh những nhận định riêng về các đương sự trong vụ án thì còn có nhiều ý kiến trái chiều về việc điều khiển phiên tòa, phát ngôn của chủ tọa phiên tòa khi gợi ý hai bên hòa giải ngay tại tòa. Vậy việc gợi ý hòa giải của hội đồng xét xử (HĐXX) có đúng luật?
Tôi động viên ông bà xem lại một lần. Thôi thì bà rút đơn lại, giao công ty cho ông Vũ quản lý, không tham gia nữa để chồng phục vụ chí hướng... Tài sản vẫn là của chung vợ chồng. Rút đơn rồi giao toàn bộ công ty lại cho ông Vũ có được không?”.
Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân, chủ tọa phiên tòa, khuyên nhủ bà Thảo.
Hòa giải khi đang xử có đúng luật?
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM), ông Vũ và bà Thảo đều là những doanh nhân thành đạt, có sức ảnh hưởng đối với xã hội. Tan vỡ hôn nhân là điều không ai mong muốn. Chính vì vậy, nếu có thể hòa giải khiến ông bà quay lại với nhau, đây là thành công và có ý nghĩa lớn.
Trong phiên tòa, chủ tọa đã liên tục đặt nhiều câu hỏi, đưa ra những gợi ý về việc bà Thảo lui về giữ vai trò là người vợ, người mẹ và rút khỏi Trung Nguyên, để ông Vũ toàn quyền điều hành tập đoàn. Chính thái độ của chủ tọa cũng có phần tác động đến tâm lý và suy nghĩ của bà Thảo, dẫn đến quyết định rút đơn ly hôn ngay tại tòa. Tuy nhiên, rất tiếc sau đó việc hòa giải này đã không thành.
Cũng theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, về pháp lý, việc hội đồng xét xử gợi ý bà Thảo rút đơn ly hôn, hàn gắn gia đình khi phiên tòa đang diễn ra là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi thẩm phán có thể khuyên các bên hòa giải ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình xét xử đến trước khi đưa ra bản án, thậm chí ở giai đoạn xét xử phúc thẩm vẫn có thể hòa giải.
Ngược lại, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng pháp luật không có quy định về việc hội đồng xét xử không được khuyên, giải thích luật cho đương sự khi phiên tòa đang diễn ra.
Tuy nhiên, việc khuyên giải phải diễn ra ở giai đoạn hòa giải hoặc việc gợi ý quay lại giai đoạn hòa giải bằng lý do hợp tình, hợp lý nào đó. Còn khi phiên tòa đang diễn ra, hội đồng xét xử chỉ nên ghi nhận ý kiến, thẩm vấn để làm rõ, chứ không đưa ra bất cứ nhận định chủ quan nào liên quan đến kết quả của vụ án.
Tương tự, luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng quá trình xét xử chủ tọa phiên tòa khi đưa ra một số đề nghị về việc các bên thỏa thuận, hòa giải với nhau, như khuyên bà Thảo nên suy nghĩ lại, rút đơn ly hôn để quay về lo cho các con, tài sản vẫn là của chung của hai người, bà Thảo lui về chăm sóc gia đình, giao toàn bộ việc điều hành Trung Nguyên cho ông Vũ; hoặc nhận xét về ông Vũ như: "Ông ấy rất quan tâm đến vợ và con, thể hiện ở chỗ toàn bộ số tiền ở ngân hàng mà tòa xác minh tất cả đều do bà đứng tên. Như vậy ông ấy rất tin bà mới giao hết cho vợ nắm quyền hành...".
Những điều đó có thể thấy rằng chủ tọa phiên tòa mong muốn giúp vợ chồng ông Vũ - bà Thảo có thể hòa giải, đoàn tụ.
Tuy nhiên, việc hòa giải như trên có phần chưa phù hợp với quy định pháp luật về tố tụng dân sự. Về tố tụng, tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, thẩm phán không thể đứng ra tiến hành hòa giải, mà là người điều hành phiên tòa tuân thủ quy định pháp luật và tiến hành làm rõ các vấn đề tranh chấp để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự.
Đồ họa: T.ĐẠT
Dễ gây hiểu lầm
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, việc hội đồng xét xử đưa ra lời khuyên trong khi đang xét xử có thể sẽ khiến người có nguy cơ bị thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp nghi ngờ mục đích của ý kiến đó.
Soi chiếu vào vụ án, những lời khuyên của thẩm phán vừa đúng, vừa sai. Sai là vi phạm bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán về "sự đúng mực" và "sự vô tư, khách quan". Cụ thể trong mọi hoạt động của mình, thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng, duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng.
Đồng thời, thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.
Do đó, việc chủ tọa có nhận xét về đương sự là không đúng mực. Tuy nhiên, có thể hiểu vì lòng nhân ái, vì nội tâm và mong muốn vụ án có một cái kết tốt đẹp ở góc độ xã hội, gia đình thì đó là ý tốt của vị thẩm phán. Nhân ái với đương sự cũng là một tiêu chí của "sự đúng mực".
Đồng quan điểm, luật sư Phạm Hoài Nam cho rằng vị chủ tọa đưa ra những đánh giá, quan điểm chủ quan sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư, khách quan trong quá trình giải quyết vụ án theo điều 16 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Vì vậy, trong các phiên xét xử tiếp theo, thẩm phán cần thận trọng hơn và tránh đưa ra các nhận định chủ quan để có thể dẫn đến những hiểu nhầm trong quá trình xét xử.
Còn theo ông Vũ Phi Long (nguyên thẩm phán TAND TP.HCM), khi xét xử bất cứ vụ án nào, hội đồng xét xử cũng không được thể hiện ý chí của mình đối với đương sự, không được đưa ra ý kiến của mình trong khi đang giải quyết vấn đề. Chuyện của đương sự là của đương sự. Hội đồng xét xử là người đứng ở vị trí trung lập để tìm hiểu, lắng nghe các bên và đưa ra phán quyết sau đó, chứ không thể nói thay cho ý chí của bên nào.
Bình luận về việc chủ tọa phiên tòa khuyên bà Thảo "lui về nuôi con", ông Vũ Phi Long nói: "Trong trường hợp này, tôi nghĩ thái độ của thẩm phán chủ tọa là không phù hợp với nguyên tắc vô tư, khách quan khi xét xử của hội đồng xét xử. Hội đồng xét xử không được đưa ra ý kiến của mình để đương sự tham khảo, nghe theo tư vấn của mình. Tòa án không có trách nhiệm tư vấn, mà chỉ có trách nhiệm hòa giải".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận