Pháp đình có lẽ là nơi mà những cung bậc cảm xúc của con người được thể hiện rõ ràng và trung thực nhất. Đó là tiếng gào thét, tiếng khóc tức tưởi của gia đình bị hại, là giọng cười chua chát hoặc ánh nhìn chất chứa đầy hận thù tưởng như không thể hóa giải từ phía bị cáo.
Tuy nhiên, cũng có những phiên tòa không như thế.
Tình nghĩa vợ chồng
Ngồi dưới hàng ghế bị hại là người phụ nữ trung niên với mái tóc ngắn thấy rõ lớp da đầu. Sau lần “thập tử nhất sinh” do bị chồng dùng búa đánh liên tiếp vào đầu phải nhập viện cấp cứu, chị phải chấp nhận từ bỏ mái tóc dài thướt tha ngày nào.
Trải qua mấy lần tái tạo hộp sọ, viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng đổi lại chị có cuộc sống yên bình, không còn phập phồng lo sợ chuyện ăn đòn như cơm bữa từ người chồng vũ phu.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Phú Lạc (37 tuổi, ngụ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự) và chị Nguyễn Thị Thủy là vợ chồng. Do có mâu thuẫn trong cuộc sống nên chị Thủy bỏ sang nhà chị ruột mình sống.
Sau khi chở con trai đến nhà chị vợ năn nỉ chị Thủy trở về không được, Lạc tức giận cầm búa đánh, chém nhiều nhát liên tiếp vào vùng đầu, cổ, vai, lưng chị Thủy. Kết quả giám định cho thấy chị Thủy bị thương tật 33%.
Lạc tại tòa tỏ ra khép nép, khác hẳn so với những hành động có tính chất côn đồ mà bản cáo trạng của viện kiểm sát đã miêu tả. Trong suốt phiên xét xử, Lạc cũng tỏ rõ sự hối hận của mình và một mực khẳng định hành vi giết vợ chỉ nhằm níu giữ tình yêu vì quá “thương vợ, thương con”.
“Yêu thương là phải quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Làm gì có ai yêu thương mà lần nào uống rượu về cũng tìm cách đánh vợ. Tính mạng con người được pháp luật bảo vệ, bị cáo đánh vợ tàn nhẫn như vậy mà gọi là yêu thương sao?” - chủ tọa chất vấn.
Dưới vành móng ngựa, bị cáo nắm chặt gấu áo, lí nhí trả lời: “Dạ, bị cáo sai rồi”.
Giải thích trước tòa, chị Thủy cho rằng những lần bị Lạc ngược đãi, đánh đập chính là nguyên nhân khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt.
“Cứ sau mỗi lần đòn roi là bị cáo lại tỏ ra ân hận, xin lỗi vợ ríu rít. Ngẫm nghĩ tình nghĩa vợ chồng mấy chục năm bị hại cũng cố gắng nhẫn nhịn nuôi con nhưng càng ngày bị cáo càng lún sâu, đòn sau nhiều hơn đòn trước. Sức chịu đựng của con người có giới hạn, bị hại đâu thể chịu nổi” - chị Thủy giải thích trước tòa.
Không dưới ba lần trong phiên tòa chị Thủy nhắc đến cụm từ “cơ hội làm lại”. Sau những lần bị đánh đập, chị vẫn đồng ý trao cơ hội đến người đã làm tổn thương mình.
“Người ta nói một ngày vợ chồng trăm năm ân nghĩa. Tui với bị cáo dù không còn tình yêu cũng còn tình nghĩa. Chỉ mong bị cáo ra tù làm lại cuộc đời, trở thành công dân tốt cho xã hội” - chị Thủy bộc bạch trước tòa.
Tòa tuyên Lạc 12 năm tù. Bị cáo tra tay vào còng, bị dẫn giải về phía xe bít bùng nhưng đầu vẫn không ngừng ngoái lại nhìn về phía vợ mình.
Tình máu mủ ruột rà
“Không có cha mẹ nào ghét bỏ con, không có bậc sinh thành nào nỡ lòng cắt sợi dây máu mủ dù đó là một đứa con hư”. Lời bộc bạch của ông Lê Hoàng Ân, cha bị cáo, khi kể về đứa con nghịch tử khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Theo cáo trạng, do bất đồng trong cuộc sống nên Lê Trọng Nghĩa (32 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) không sống chung với gia đình mà cất một cái chòi ở riêng.
Sau một lần cự cãi, Nghĩa đã dùng hai tay bóp cổ mẹ mình - bà Tuyến, rồi cầm quai nón lá siết cổ mẹ đến chết. Sau đó Nghĩa đi ra ruộng lấy bao nilông bỏ thi thể bà Tuyến vào, đem để chỗ mương nước rồi dùng nhánh cây che lại.
Thấy bà Tuyến mất tích, người nhà tìm kiếm nhưng do Nghĩa dùng nhánh cây che lại nên không thấy. Mấy ngày sau Nghĩa đem thi thể bà Tuyến ra khỏi bao rồi vác đến gốc cây cóc cách nhà khoảng 35m và nói với người thân rằng đã phát hiện thi thể bà Tuyến.
Do nghi ngờ cái chết bất thường của bà Tuyến nên gia đình báo với cơ quan công an. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Nghĩa thừa nhận hành vi giết mẹ.
Tại tòa, Nghĩa cho rằng tình nghĩa mẹ con sớm rạn nứt vì khi Nghĩa còn nhỏ mẹ bỏ về nhà ngoại sinh sống không quan tâm, chăm sóc bị cáo.
Ngoài ra, trong những lần cho tiền Nghĩa, bà Tuyến thường bỏ xuống đất chứ không trao tận tay như những anh em khác trong gia đình.
Trước ý nghĩ này của Nghĩa, chủ tọa phản bác: “Bị cáo có quyền gì mà bắt lỗi cha mẹ? Sao bị cáo không nghĩ cha mẹ lam lũ nuôi năm người con khôn lớn, sao cứ mãi nghĩ cho một mình bị cáo vậy?”.
Thấy bị cáo im lặng, vị chủ tọa tiếp tục phân trần: “Cơm bị cáo ăn thường ngày ai nấu, có phải là mẹ bị cáo nấu không? Bị cáo nói mẹ không thương vậy tại sao mẹ bị cáo lại nấu ăn rồi đem vào chòi cho bị cáo?
Còn nữa, nếu cha mẹ không thương sao lại chia đất cho bị cáo trồng hoa, cho tiền bị cáo lập nghiệp. Đã không thương cha mẹ lại còn gây tội, bị cáo không thấy hối hận tí nào sao?”. Nghe đến đây Nghĩa bật khóc, lấy tay áo lau nước mắt.
Được chủ tọa cho nói lời sau cùng, Nghĩa tỏ ra ăn năn và xin cơ hội “làm lại cuộc đời”. “Bị cáo năn nỉ hội đồng xét xử cho bị cáo cơ hội làm lại cuộc đời, còn mẹ bị cáo chết rồi thì sao, còn cơ hội sống lại không?” - chủ tọa gằn giọng.
Bà ngoại bị cáo da đồi mồi, chống gậy đi không vững nhưng trước tòa vẫn xin giảm án cho bị cáo: “Tội nó nặng khó có thể dung thứ nhưng xin hội đồng xét xử giảm tội cho nó. Con gái tui chết rồi, nếu cháu tui bị xử chết nữa thì chịu sao xiết”.
Tòa tuyên bị cáo tù chung thân. Phía dưới nhiều người bàn tán xôn xao: “Phải tử hình! Phải tử hình! Thứ nghịch tử này sống trên đời có ích gì”.
Bản án lương tâm đôi khi còn đau khổ hơn cái chết.
115 người xin giảm tội cho bị cáo Theo đại diện viện kiểm sát, dựa trên những hành động, tình tiết trong vụ án giết mẹ mà bị cáo Nghĩa thực hiện đáng lẽ sẽ truy tố bị cáo ở mức án tử hình, tuy nhiên có ba nguyên nhân khi đề nghị mức án chung thân. Đó là bị cáo có nhân thân tốt, người nhà xin giảm án cho bị cáo và 115 người đồng ký tên vào đơn xin giảm nhẹ tội cho bị cáo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận