08/11/2017 12:48 GMT+7

Chữ tín đối với dân còn quý hơn vàng

NGỌC VỪNG ghi
NGỌC VỪNG ghi

TTO - Việc tri ân những "tấm lòng vàng" như các cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ cũng là để giữ gìn chữ tín của chính quyền đối với nhân dân.

Hơn 5.000 lượng vàng được gia đình cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ dốc hầu bao hiến cho chính quyền cách mạng, hẳn là xuất phát từ lòng yêu nước thiêng liêng và niềm tin của một gia đình tư sản dân tộc vào Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Tôi rất xúc động khi nhận tin cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ từ trần ở tuổi ngoài bách niên. Vậy là thêm một trong những chứng nhân cuối cùng của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã ra đi, để lại trong lịch sử tấm gương về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc ngời sáng. 

Những cá nhân có đóng góp trực tiếp, quý báu, đầy ý nghĩa cho chính quyền cách mạng, cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, như gia đình cụ Minh Hồ thật đáng trân trọng biết bao.

Từ khi cách mạng còn trong trứng nước, các nhà lãnh đạo cuộc cách mạng vẫn còn hoạt động bí mật, thì ngôi nhà số 48 Hàng Ngang trong "ba mươi sáu phố phường" Hà Nội đã trở thành địa chỉ đỏ và ông Trịnh Văn Bô đã trở thành mạnh thường quân của cách mạng. 

Tôi tạm chưa đề cập đến hàng ngàn lượng vàng mà gia đình cụ hiến tặng, đặc biệt là công lao của hai ông bà trong phong trào "Tuần lễ vàng" quyên góp dành cho ngân khố (trống rỗng) của chính quyền non trẻ sau ngày độc lập.

Chúng ta nhớ đến hình ảnh bộ lễ phục Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời mặc trong Lễ tuyên ngôn độc lập được bà Minh Hồ lo liệu. Chúng ta nhớ đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang hiện nay là di tích lịch sử, trước đây là tư gia của nhà tư sản Trịnh Văn Bô - nơi Bác Hồ và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng đã tạm ở trong những ngày căng thẳng nhất trước cách mạng. 

Tại ngôi nhà bình yên ấy, bản thiên cổ hùng văn - Tuyên ngôn độc lập - đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo...

Trong lịch sử hơn 70 năm "Nhà nước Việt Nam mới" được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh, công lao của các nhà tư sản dân tộc như các cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ cũng đã được Nhà nước vinh danh bằng các cách thức khác nhau, trong đó có những tấm huân, huy chương. 

Đặc biệt, cuộc đời và tấm gương của các cụ đã đi vào lòng người, được xã hội tôn vinh. Nhân dịp này, khi cụ Minh Hồ đã trở thành người thiên cổ, tôi vẫn nghĩ rằng cụ và gia đình đáng được tôn vinh hơn như thế rất nhiều.

Khi làm sách giáo khoa, chúng tôi cũng đã đưa tên tuổi các nhà tư sản dân tộc vào bài học cho học sinh. Nhưng do khuôn khổ sách có hạn, chúng tôi chỉ mới đưa được tên của hai nhà tư sản dân tộc là các ông Bạch Thái Bưởi, Đỗ Văn Thiện vào. 

Tôi mong muốn rằng TP Hà Nội và các TP lớn tới đây sẽ có những con đường mang tên các nhà tư sản có đóng góp lớn như cụ Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ. Việc làm này sẽ mang lại niềm tin, sự khích lệ lớn trong thời đại mà Chính phủ đang kêu gọi người dân khởi nghiệp, làm giàu và yêu nước. 

Tôi cũng có thêm suy nghĩ là Nhà nước cần có chính sách xứng đáng với gia đình cụ, đó là kiểm kê lại xem trước đây ngoài những tài sản gia đình hiến tặng, còn tài sản nào gia đình tạm thời cho mượn thì cần trả lại đầy đủ. Đấy cũng là thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây rất tốt đẹp của dân tộc ta.

Người kinh doanh chân chính luôn giữ gìn đạo lý "chữ tín quý hơn vàng". Khi đã tin, đã tín thì vì đại nghĩa, vàng bạc cũng được hiến dâng không nuối tiếc. 

Vậy nên, việc Nhà nước tri ân xứng đáng những "tấm lòng vàng" như các cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ cũng là để giữ gìn chữ tín của chính quyền đối với nhân dân.

GS.TS NGUYỄN MINH THUYẾT

NGỌC VỪNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên