18/07/2021 11:24 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM: Chợ quá đông có thể dời sạp ra ngoài, kẻ vạch để bán

CÔNG TRUNG - BÔNG MAI
CÔNG TRUNG - BÔNG MAI

TTO - Sáng 18-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đi kiểm tra 3 chợ truyền thống trong thành phố là Bình Thới (Q.11), Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) và Ngã Ba Bầu (Q.12).

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thị sát chợ truyền thống vào sáng 18-7 - Video: Bông Mai

Ông Nguyễn Bá Tùng (trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới) cho biết hiện nay đã có khoảng 15.000 "thẻ đi chợ" cho người dân. Người dân đi chợ từ 5h sáng đến 11h trưa, các khung giờ khác dành để tiểu thương sắp xếp hàng hóa và ban quản lý khử khuẩn chợ để chuẩn bị cho ngày tiếp theo. 

Ngày mai 19-7 chợ này sẽ triển khai hệ thống cho bà con đăng ký giờ đi chợ online. Theo danh sách này, trước nửa tiếng ban quản lý chợ sẽ nhắn tin báo cho bà con tới đúng giờ đã đăng ký.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Chợ quá đông có thể dời sạp ra ngoài, kẻ vạch để bán - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thành Phong thị sát việc buôn bán ở chợ truyền thống - Ảnh: BÔNG MAI

Sau khi hỏi thăm tiểu thương tại chợ Bình Thới, ông Phong yêu cầu ban quản lý chợ phải lập thêm vách ngăn, quạt gió, đồng thời 4-5 ngày phải lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên cho tiểu thương.

Ông cho rằng đây là chợ liên phường, nếu khách vào quá đông thì có thể di chuyển một số sạp hàng ra bên ngoài, kẻ vạch trước chợ để đảm bảo giãn cách. 

Ông động viên tiểu thương cố gắng vượt qua khó khăn, đảm bảo vừa duy trì buôn bán vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Chợ quá đông có thể dời sạp ra ngoài, kẻ vạch để bán - Ảnh 3.

Ông Phong hỏi thăm tiểu thương - Ảnh: BÔNG MAI

Tại chợ Hạnh Thông Tây, ông Nguyễn Trí Dũng, chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết thời gian trước, sau khi xét nghiệm các tiểu thương ở chợ phát hiện ca dương tính, cơ quan quản lý đã khẩn trương cho bà con điều trị, khoanh vùng, truy vết. 

Sau thời gian tạm nghỉ, tổ chức lại, xét nghiệm nhiều lần, thấy đảm bảo nên đã cho chợ hoạt động lại. Chợ Hạnh Thông Tây có mặt bằng rộng nên đảm bảo giãn cách, do đó chợ đủ điều kiện hoạt động trong khi nhiều chợ khác đóng.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Chợ quá đông có thể dời sạp ra ngoài, kẻ vạch để bán - Ảnh 4.

Người dân mua hàng hóa tại chợ Ngã Ba Bầu - Ảnh: B.MAI

Tại chợ Ngã Ba Bầu, ông Nguyễn Thành Phong lấy ví dụ việc kiểm soát người ra vào chợ thông qua mã QR code tại chợ Bình Thới cho ban quản lý chợ này tham khảo, áp dụng để truy vết người nhiễm rất dễ dàng.

Ông Phong cũng nhắc nhở lãnh đạo quận 12 về việc truy vết với những khách hàng đã tiếp xúc với ca F0 là người bán thịt heo tại chợ Tân Chánh Hiệp vừa tạm đóng cửa hôm qua. Nếu chưa kịp truy vết, có khách hàng qua chợ Ngã Ba Bầu mua hàng, lỡ xảy ra vấn đề phải đóng cửa sẽ ảnh hưởng rất lớn.

"Đây là điểm phục vụ nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho bà con nhưng phải thực hiện tuyệt đối chấp hành nghiêm túc phòng chống dịch. Nếu không thì phải đóng cửa" - ông Phong nhấn mạnh và cho rằng cần tránh tình trạng phải đóng cửa như chợ Tân Chánh Hiệp. 

Ông Phong cũng đề nghị lãnh đạo quận lưu ý khi nguồn cung hạn chế, cầu tăng thì chắc giá sẽ tăng lên. Do đó phải nhanh chóng phối hợp với Sở Công thương để tăng cường bán hàng lưu động.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đức - quyền chủ tịch UBND quận 12 - cho biết quận có 10 chợ nhưng chỉ còn 3 chợ hoạt động. Đối với chợ Tân Chánh Hiệp, sau khi phát hiện ca F0 trên, ban quản lý đã xét nghiệm toàn bộ tiểu thương, 2h chiều nay sẽ xét nghiệm các hộ dân xung quanh chợ.

Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến ngày 17-7 có 46 chợ đang hoạt động, 191 chợ tạm dừng hoạt động. Các chợ khôi phục hoạt động là chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ. Các chợ hoạt động với mô hình điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ.

Dự kiến các địa phương mở các điểm bán mặt hàng tươi sống tại chợ vào tuần sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án tổ chức hoạt động chợ được xét duyệt như: quận Bình Tân có chợ Kiến Thành; chợ Xã Tây ở quận 5; chợ Phú Định và Minh Phụng ở quận 6; chợ Phú Lợi và Phú Định ở quận 8; chợ Nhật Tảo ở quận 10; chợ Bà Lát, Vĩnh Lộc A ở huyện Bình Chánh; chợ Hóc Môn, chợ Cầu Kính ở huyện Nhà Bè.

Các chợ triển khai mô hình bán trực tuyến như Phú Lâm; Minh Phụng; Bình Tây; Tân Hòa Đông; Nguyễn Văn Trỗi; Bàn Cờ...

Bưu điện, bưu cục... cũng bán rau củ Bưu điện, bưu cục... cũng bán rau củ

TTO - Trong số các điểm bán mới được bổ sung trên địa bàn TP.HCM có thêm nhiều bưu cục, bưu điện "kiêm" nhiệm vụ bán rau củ quả, thịt, trứng...

CÔNG TRUNG - BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên