Sáng 7-12, kỳ họp thường kỳ cuối năm 2023 của HĐND thành phố Cần Thơ bước vào chương trình lấy phiếu tín nhiệm 29 người giữ các chức vụ do HĐND thành phố bầu và diễn ra phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội của thành phố.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy khối UBND thành phố có nhiều người có số phiếu "tín nhiệm cao" ít nhất.
Giám đốc Sở Y tế có phiếu "tín nhiệm cao" ít nhất
Cụ thể, với 17/50 phiếu "tín nhiệm cao" (chiếm tỉ lệ 34%), ông Hoàng Quốc Cường - giám đốc Sở Y tế Cần Thơ - là người có số phiếu "tín nhiệm cao" ít nhất trong số 29 người được lấy phiếu tín nhiệm.
Ông Cường cũng là người có số phiếu "tín nhiệm thấp" (7 phiếu, tương ứng 14%) nhiều thứ hai sau ông Hồ Văn Gia (giám đốc Sở Ngoại vụ), với 8 phiếu "tín nhiệm thấp" và 20 phiếu "tín nhiệm cao".
Ông Trần Việt Trường, chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, có 37 phiếu "tín nhiệm cao" (tương ứng 74%), 11 phiếu "tín nhiệm" và 2 phiếu "tín nhiệm thấp".
Ông Dương Tấn Hiển - phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ - có 40 phiếu "tín nhiệm cao" (tương ứng 80%) và 10 phiếu "tín nhiệm" (tương ứng 20%), không có phiếu "tín nhiệm thấp".
Người có phiếu "tín nhiệm cao" nhiều nhất là ông Phạm Văn Hiểu (chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ) với 49/50 phiếu "tín nhiệm cao" và có 1 phiếu "tín nhiệm".
Cố gắng năm 2024 khởi công mở rộng quốc lộ 91
Trước đó tại phiên thảo luận, ông Lê Tiến Dũng - giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ - đã giải trình thêm với các đại biểu về dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 đoạn từ km0 đến km7 đi qua địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy.
Theo ông Dũng, hiện hai đoạn tuyến quốc lộ 91 gồm đoạn từ km7 đến km14 và từ km14 đến km50 889 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015. Do đây là tuyến quốc lộ độc đạo đi qua khu vực đô thị thành phố Cần Thơ và kết nối với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, nên đã tạo áp lực giao thông rất lớn lên quốc lộ 91 đoạn từ km0 đến km7 vốn chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng đồng bộ.
Do đó ùn tắc giao thông diễn ra hằng ngày trong giờ cao điểm, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại đoạn đường này do bề rộng mặt đường nhỏ chỉ đáp ứng hai làn xe cơ giới và không có dải phân cách giữa hoàn chỉnh, trong khi kết cấu mặt đường bị quá tải, xuống cấp.
Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án hơn 7.200 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là hơn 5.700 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2023-2027.
"Kính trình HĐND thành phố sớm xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp này làm cơ sở trình Quốc hội, Chính phủ bố trí nguồn vốn để triển khai các bước tiếp theo.
Các sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp, hỗ trợ kịp thời cùng với Sở Giao thông vận tải sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư trong năm 2024 để triển khai thi công dự án.
Sở Giao thông vận tải rất mong muốn bà con, cô bác trong phạm vi ảnh hưởng giải phóng mặt bằng của dự án tại quận Ninh Kiều và Bình Thủy đồng thuận và ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng dự án", ông Dũng đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận