Chủ tịch Trung Quốc đến Seoul trước, Bình Nhưỡng sauChủ tịch Trung Quốc chính thức thăm Hàn Quốc trước Triều Tiên
![]() |
Hai lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc tại Seoul ngày 3-7 - Ảnh: Reuters |
“Trung Quốc và Hàn Quốc là láng giềng, phải cùng nhau giải quyết các thách thức trong môi trường an ninh và chia sẻ các cơ hội phát triển từ hòa bình và sự ổn định của khu vực” - ông Tập Cận Bình phát biểu trên một tờ báo Hàn Quốc phát hành ngày 3-7, ngay trước khi ông đặt chân xuống Seoul. Một trong những vấn đề chính trong cuộc gặp giữa ông Tập và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye là vấn đề hạt nhân và cuộc đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên.
Cứng rắn nhắc nhở
Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp ở Seoul, cả hai lãnh đạo đều nhấn mạnh việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cứng rắn phản đối bất cứ cuộc thử hạt nhân nào của Bình Nhưỡng trong thời gian tới. Ông Tập cho biết Trung Quốc ủng hộ các hoạt động đoàn tụ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và việc phi hạt nhân hóa cần thông qua đối thoại và đàm phán. “Cần có các nỗ lực chung để kiểm soát an ninh trên bán đảo” - báo Korean Herald dẫn lời chủ tịch Trung Quốc.
Cả hai lãnh đạo cũng ký kết 12 thỏa thuận quan trọng để cải thiện quan hệ chiến lược hai nước. Về thương mại, lãnh đạo hai nước cũng thống nhất hoàn tất các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương vào cuối năm nay nhân hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Seoul.
Seoul hi vọng chuyến thăm của ông Tập sẽ tác động lên CHDCND Triều Tiên. Reuters dẫn nguồn các quan chức ở Seoul cho biết chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng và kế hoạch thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của CHDCND Triều Tiên sẽ là vấn đề chính trong chuyến thăm kéo dài hai ngày của ông Tập.
Việc chủ tịch Trung Quốc đến Seoul trước khi đến Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục gây nhiều tò mò trong giới phân tích. “Chưa từng có lãnh đạo Trung Quốc nào đặt Seoul lên trước Bình Nhưỡng như vậy” - AFP dẫn lời chuyên gia Aidan Foster-Carter thuộc ĐH Leeds nhận định. Bên cạnh đó, tổng thống Hàn Quốc đến thăm Trung Quốc vào năm ngoái, trong khi lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un vẫn chưa được mời đến Bắc Kinh.
Trước đó, Mỹ đánh giá việc ông Tập đến thăm Hàn Quốc trước khi đến CHDCND Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng ngày càng bị cô lập ngoại giao. “Ý nghĩa chuyến thăm của một lãnh đạo Trung Quốc tới Seoul trong thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là rất rõ ràng” - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố.
Hẳn đã nhìn nhận được tình hình, ngay trước ngày ông Tập sang Seoul, Bình Nhưỡng đã bắn hai quả tên lửa. Hôm qua, Bình Nhưỡng lại tuyên bố sẽ tiếp tục bắn thử tên lửa chiến thuật bất chấp chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Hãng tin quốc gia KCNA dẫn lời người phát ngôn lực lượng chiến lược quân đội nhân dân Triều Tiên khẳng định họ có quyền tự vệ trước các sự việc ảnh hưởng đến nền độc lập và phẩm giá của nhân dân CHDCND Triều Tiên, sẽ tiếp tục thực hiện “các vụ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật chính xác cao”. Bình Nhưỡng gọi đó là “hành động hợp pháp” của một quốc gia có chủ quyền.
Vấn đề thương mại
Trong khi Seoul chú trọng vấn đề Bình Nhưỡng thì Bắc Kinh chú trọng các vấn đề thương mại. Với một đoàn các doanh nghiệp lớn tháp tùng, chủ tịch Trung Quốc hi vọng sẽ ký hàng loạt thỏa thuận thương mại với Seoul. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất Hàn Quốc với thương mại song phương khoảng 230 tỉ USD mỗi năm. Trong khảo sát mới đây với hơn 2.100 người Hàn Quốc, khoảng 2/3 tin rằng quan hệ với Trung Quốc đang cải thiện trong nhiệm kỳ của bà Tổng thống Park Geun Hye.
Tuy nhiên, sự lớn mạnh về kinh tế của Trung Quốc cũng khiến Hàn Quốc lo ngại. Hôm qua, trong bài xã luận chính, nhật báo Hàn Quốc Joongang Ilbo nhận định: “Trung Quốc sẽ không mãi mãi là công xưởng của thế giới. Trung Quốc đang hướng đến vị thế cường quốc công nghiệp cạnh tranh với Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh thực chất muốn đưa quan hệ với Seoul ra ngoài các vấn đề kinh tế để hướng về hợp tác chính trị và an ninh. Việc này sẽ gây khó khăn cho Seoul để cân bằng với quan hệ đồng minh của Mỹ. Câu hỏi đặt ra là Hàn Quốc sẵn sàng phát triển mối quan hệ với Trung Quốc đến đâu. “Điều đó phụ thuộc vào ai là người nắm quyền lực ở Seoul. Một người bảo thủ như bà Park sẽ không để quan hệ đồng minh với Mỹ suy yếu. Nhưng tổng thống Hàn Quốc thay đổi mỗi năm năm” - chuyên gia Foster-Carter nhận định.
Hàn Quốc đứng ở đâu trong tranh chấp tại biển Đông? Seoul đang củng cố quan hệ với Bắc Kinh không chỉ vì thương mại mà do lo ngại về CHDCND Triều Tiên, tác giả Ann Song lý giải trên trang International Policy Digest. Tuy nhiên, việc Trung Quốc ra sức tăng cường ảnh hưởng địa chính trị khiến Hàn Quốc cảnh giác về ý định muốn thật sự hợp tác của Bắc Kinh với các nước láng giềng. Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc tuyên bố hồi cuối năm ngoái trên biển Hoa Đông cũng chồng lên không phận của Hàn Quốc. Về tranh chấp ở biển Đông, Hàn Quốc âm thầm tỏ thái độ khi tặng một tàu chiến 1.200 tấn cho Philippines. Tháng 10 năm ngoái, Seoul cũng ký một ghi nhớ mở rộng hợp tác quốc phòng với Manila và tiếp đó là thỏa thuận bán 12 chiến đấu cơ FA-50 cho Philippines với giá 420 triệu USD. Tuy nhiên trừ khi xảy ra xung đột bạo lực tại đây, “Hàn Quốc trong lương lai gần sẽ vẫn duy trì sự trung lập trong vấn đề này” - Ann Song viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận