Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, lực lượng công an khám xét trụ sở Tập đoàn Thiên Minh Đức và nhà riêng của bà Chu Thị Thành - chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn này - vào ngày 3-1.
Cơ cấu cổ đông của Thiên Minh Đức
Theo dữ liệu hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, ở lần cập nhật gần đây nhất vào tháng 12-2024, bà Chu Thị Thành (sinh năm 1960) vẫn là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Trước đó, gần cuối năm 2023 trở lại trước, Thiên Minh Đức có hai đại diện theo pháp luật gồm bà Thành và ông Ma Thiên Ma - tổng giám đốc tập đoàn.
Thiên Minh Đức do bà Thành sáng lập, chính thức đăng ký thành lập vào tháng 9-2001.
Dữ liệu từ 2018 đến nay, doanh nghiệp có sự tăng trưởng mạnh về vốn.
Tháng 3-2018, doanh nghiệp này tăng vốn từ 260 tỉ đồng lên 555 tỉ đồng, đồng thời đổi tên từ Công ty cổ phần Thiên Minh Đức thành Tập đoàn Thiên Minh Đức như hiện tại.
Tiếp đến tháng 9-2022, tập đoàn của bà Thành lại tăng vốn từ 1.455 tỉ đồng lên 2.022 tỉ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ thông báo gì về việc điều chỉnh vốn điều lệ.
Ba cổ đông sáng lập theo danh sách góp vốn, bao gồm bà Chu Thị Thành với 1.560 tỉ đồng, tương ứng 77,15% vốn. Tiếp đến, ông Vương Đình Quán góp 1,5 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ sở hữu 0,08% cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Cuối cùng, ông Chu Đăng Khoa góp 22,77% vốn, tương đương 460,5 tỉ đồng.
Ông Khoa sinh năm 1982, là con bà Thành, thường được gọi "đại gia kim cương" do có thời gian sống ở Nam Phi và kinh doanh kim cương.
Trong bản thông tin ngành nghề đăng ký kinh doanh, Thiên Minh Đức hoạt động chính trong lĩnh vực xăng dầu và sở hữu hệ thống gần 10 cửa hàng xăng dầu có địa chỉ tại Nghệ An.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực xăng dầu, sau nhiều năm gây dựng và phát triển, nữ doanh nhân này còn sở hữu một hệ sinh thái với nhiều lĩnh vực khác nhau như bất động sản, khách sạn, năng lượng tái tạo...
Vướng bê bối nợ thuế nghìn tỉ, bà chủ bị hoãn xuất cảnh
Trong danh sách công khai người nợ thuế hồi cuối tháng 11-2024, Tập đoàn Thiên Minh Đức đứng vị trí số 1 với con số nợ lên tới 1.291 tỉ đồng.
Hồi tháng 8-2024, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh với bà Chu Thị Thành, do là người đại diện pháp luật doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thuế vì chưa hoàn thành nghĩa vụ về thuế.
Theo thông báo, bà Thành bị hoãn xuất cảnh từ 15-8-2024 đến khi người nộp hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, đến nay chưa có bất kỳ thông tin nào cập nhật lại vấn đề này.
Tại kết luận thanh tra công bố hồi đầu năm 2024, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra, Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định đối với một số nội dung.
Trong đó có hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, sử dụng quỹ bình ổn giá tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức cùng một số đầu mối xăng dầu khác như Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà.
Ngoài làm chủ Thiên Minh Đức, bà Thành cũng là người đại diện pháp luật của hàng loạt doanh nghiệp, theo dữ liệu tra cứu trên hệ thống cổng thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia.
Trong đó nhiều doanh nghiệp được thành lập giai đoạn 2020-2021. Cũng trong năm 2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức là doanh nghiệp nộp thuế cao nhất tỉnh với 1.820 tỉ đồng.
Đơn cử, bà Thành làm chủ tịch Công ty CP đầu tư bất động sản MK có vốn điều lệ 650 tỉ đồng. Tại công ty bất động sản này, bà Thành thông qua Tập đoàn Thiên Minh Đức góp 40% vốn.
Bà cũng làm chủ tịch Công ty CP điện mặt trời Hồ Vực Mấu MK - một doanh nghiệp mới được thành lập cuối năm 2020 với vốn điều lệ 700 tỉ đồng, sau đó nâng lên 760 tỉ đồng. Trong đó Công ty CP điện mặt trời Miền Trung MK nắm 80% vốn.
Ngoài ra, loạt công ty khác do bà Thành làm người đại diện pháp luật như Công ty cổ phần đầu tư bất động sản MK Quảng Ninh, Công ty cổ phần Tasfood, Công ty cổ phần Trung Long, Công ty TNHH Hiếu Thành Lộc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận