Ông Huỳnh Văn Thòn cho biết nợ bình quân là 20 ngày, cá biệt có nông dân bị nợ tới 40 ngày. Trong thời gian đó, Lộc Trời có trả lai rai chứ không tắc luôn.
Nguyên nhân dẫn tới việc nợ tiền mua lúa nông dân thời gian qua có nhiều, trong đó có vấn đề về tín dụng với các ngân hàng. Cụ thể là có ngân hàng thay đổi phương thức cho vay từ tín chấp sang thế chấp khá đột ngột nên nguồn vốn bị đứt gãy, dẫn đến việc không thể trả được tiền mua lúa cho nông dân ngay. Ngoài ra còn chưa kể lý do lúa về chậm, vấn đề thương thảo hợp đồng mua bán... nên dòng tiền về không theo kế hoạch ban đầu.
Bằng mọi cách phải trả cho nông dân
* Sau khi được thanh toán hết nợ tiền mua lúa, bà con có muốn tiếp tục hợp tác với công ty nữa không, thưa ông?
- Tổng số tiền chúng tôi nợ thu mua lúa của bà con nông dân các tỉnh ĐBSCL là gần 300 tỉ đồng. Trong đó, Long An là địa phương cuối cùng chúng tôi đã trả dứt điểm vào sáng thứ hai tuần này rồi, bà con rất mừng. Vì mình có lỗi nên điều đầu tiên nhân viên của chúng tôi đi gặp bà con để trả tiền là xin lỗi bà con.
Lúc đầu bà con cũng trách, sau đó nhận tiền về xoay xở (trước đó tập đoàn đã có trả từng phần), khi dứt điểm nợ xong thì bà con cũng mừng. Chúng tôi xin lỗi, trả hết nợ và mời bà con hợp tác tiếp với công ty, bà con cũng thuận. Thống kê đến hôm qua có gần 40% nông dân tiếp tục làm với công ty. Không phải số còn lại bà con bỏ không hợp tác mà vì lúa làm theo từng đợt chứ không làm đồng loạt.
* Ông nói nguyên nhân chủ yếu đến từ thay đổi chính sách của ngân hàng, còn đối với vấn đề quản trị của công ty có phần trách nhiệm nào không?
- Có chứ. Đó là vấn đề điều hành, chiến lược của doanh nghiệp. 32 năm tôi điều hành doanh nghiệp chưa bao giờ thất hứa với nông dân, chỉ có lo cho nông dân, mà lần này có lỗi với bà con đau quá, bể hết mọi thứ.
Mình phải tự trách mình, không trách người khác. Trách mình là mình giữ không đúng lời hứa bởi bà con nông dân rất khó, rất khổ. Cho nên chúng tôi phải nỗ lực, bằng mọi cách phải trả cho nông dân. Rất may là tỉnh An Giang, ngân hàng... tất cả đều bắt tay vào cùng chúng tôi giải quyết ổn thỏa.
Sẽ phải cẩn thận hơn
* Qua vụ việc này, Tập đoàn Lộc Trời đã rút ra bài học kinh nghiệm gì để không lặp lại trong tương lai?
- Vụ việc vừa qua ách tắc không phải là lớn, nhưng tai tiếng thì lớn.
Lộc Trời phải cẩn thận hơn trong việc cân đối nguồn vốn. Cái này lại rơi vào bài học điều hành mà vừa qua ban lãnh đạo tập đoàn không sát sao. Mình không cân đối, dự phòng tốt nên trục trặc xảy ra. Chúng tôi xem đây là bài học.
Cho nên lần này Lộc Trời sẽ xem lại cam kết mua lúa của mình với nông dân cho hợp lý, thủ một chút trong vấn đề tài chính và điều hành. Trước đây tập đoàn có làm ba phương án xử lý tình huống thì sắp tới chắc phải làm thêm phương án phụ xử lý dòng tiền ở đầu của nông dân. Trước đây chỉ đưa ra phương án xử lý chung.
* Việc hợp tác, bao tiêu với nông dân của Tập đoàn Lộc Trời có thay đổi gì sau vụ việc này không, thưa ông?
- Tiếp tục chứ và cách làm thì vẫn y như cũ thôi. Chỉ có điều quy mô với tốc độ có thể coi lại một chút trên cơ sở cân đối chắc chắn hơn dòng tiền.
* Ông có điều gì muốn chia sẻ với bà con nông dân qua vụ việc lần này?
- Đối với Lộc Trời, nông dân tham gia thực hiện chiến lược bền vững là được đầu tư ngay từ đầu theo hệ sinh thái của mình (thu mua, chế biến, ươm tạo giống... để làm sao giảm phân, giảm thuốc).
Thứ hai là có thể chúng tôi sẽ có hợp đồng dài hơn với nông dân. Công ty muốn nông dân thay đổi theo hướng tích cực hơn, tức là tăng cường quy hoạch liền canh hơn để có quy mô lớn, tăng cường cơ giới hóa để giảm giá thành. Cuối cùng là thay đổi một số tập quán của bà con nông dân như thanh toán qua thẻ, không dùng tiền mặt.
Chúng tôi cũng rất cần sự hợp tác, sự hỗ trợ cụ thể rõ ràng của chính quyền các địa phương, của đoàn thể, các ngành chuyên môn. Vừa rồi An Giang, Kiên Giang hỗ trợ Lộc Trời rất tốt. Một số tỉnh khác cũng hỗ trợ ở những mức độ khác nhau nhưng mong muốn sự hợp tác này chặt hơn nữa.
Theo Tập đoàn Lộc Trời, cho tới giữa tháng 4-2024, Lộc Trời đã thu mua của nông dân miền Tây trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị gần 2.500 tỉ đồng, đưa vào chế biến tại các nhà máy của tập đoàn đóng tại các địa phương. Chỉ riêng tại An Giang, tập đoàn thu mua trên 120.000 tấn lúa, trị giá đạt gần 1.000 tỉ đồng. Tổng số tiền Lộc Trời đã trả cho bà con nông dân lên tới trên 2.000 tỉ đồng.
Nhận đúng lỗi để sửa mình
* Thông thường khi công ty có chuyện, người đứng ra giải quyết hay xin lỗi là ban giám đốc, vì sao ông với tư cách chủ tịch tập đoàn đứng ra xin lỗi nông dân?
- Thứ nhất, ông bà mình dạy có lỗi thì nhận, đó là lẽ thường phải làm. Cái quan trọng là mình nhận cho đúng cái lỗi của mình, tránh hình thức, làm đối phó cho có.
Mình biết nhận lỗi đúng thì chắc chắn sẽ có khả năng, điều kiện để sửa. Với Lộc Trời là nhận để sửa chứ không phải nhận rồi cho qua.
Sự việc chậm trả tiền cho nông dân vừa qua có cái khách quan nhưng nếu Lộc Trời chỉ nhìn nhận khách quan thì sẽ trở thành người đổ thừa. Cho nên trong nội bộ chúng tôi cũng xác định chuyện vừa qua mọi thứ đều có tác động, nhưng phải thấy rằng lỗi của mình là chính để có năng lượng sửa dần, sửa đúng.
Mấy ngày nay tôi cũng làm việc nhiều với cán bộ nhân viên về việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận