Nhân dịp đầu năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về những kết quả nổi bật của Quốc hội trong năm 2023 và những điều quan trọng cần phải làm trong năm mới 2024.

Chia sẻ về việc nhiều người cho rằng năm 2023, có nhiều hôm Quốc hội đến khuya vẫn sáng đèn, làm việc xuyên nghỉ lễ, nghỉ Tết, xuyên cả nghỉ cuối tuần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói thêm khối lượng công việc mà Quốc hội đã hoàn thành trong năm 2023 là vô cùng lớn, nhiều việc khó, phức tạp, chưa có tiền lệ.

Chủ tịch Quốc hội: Khi nhà Quốc hội khuya vẫn sáng đèn - Ảnh 1.
Chủ tịch Quốc hội: Khi nhà Quốc hội khuya vẫn sáng đèn - Ảnh 2.

* Như vậy, có thể tóm tắt thành quả từ những đêm sáng đèn và không ngơi nghỉ đó thế nào, thưa Chủ tịch?

- Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi kiểm điểm lại cũng thấy rằng các quyết sách của Quốc hội đã rất kịp thời, đúng và trúng, tạo khung khổ pháp lý để thực hiện các chủ trương của Trung ương, bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn hướng đến tầm nhìn xa dài hơn trong tương lai.

Việc nhiều người hỏi vì sao ngày lễ, ngày Tết mà Quốc hội vẫn làm việc, đêm khuya vẫn sáng đèn thì rõ ràng với khối lượng công việc như vậy, nếu không làm thì làm sao đáp ứng được.

Việc trình các dự án luật, nghị quyết nửa đêm về sáng là chuyện bình thường vì thực tế cấp bách. Bản thân anh em chúng tôi không muốn vất vả như thế, cũng không muốn đại biểu Quốc hội, cán bộ công nhân viên Văn phòng Quốc hội vất vả nhưng vì việc chung, mỗi người đều phải cố gắng gấp đôi, gấp ba.

Làm được như vậy rất khó, không dễ dàng gì, nhưng tất cả đều thấy vui vì đã được đóng góp cho đất nước.

* Tinh thần lập pháp chủ động và kiến tạo phát triển đã được thể hiện như thế nào trong năm qua?

- Quốc hội tiếp tục tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo, phát triển, có tầm nhìn dài hạn trên cơ sở bám sát kết luận 19 của Bộ Chính trị và kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội 2021 - 2026.

Thực tế cuộc sống phong phú, đa dạng nên đương nhiên có nhiệm vụ lập pháp thêm mới, có nhiệm vụ rút ra khỏi chương trình hằng năm. Có những việc tôi nghĩ nếu sau này nghỉ hưu và viết hồi ký, có khi sách bán cũng đắt khách đấy (cười).

Chủ tịch Quốc hội: Khi nhà Quốc hội khuya vẫn sáng đèn - Ảnh 3.

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn - Ảnh: GIA HÂN

Chủ tịch Quốc hội: Khi nhà Quốc hội khuya vẫn sáng đèn - Ảnh 4.

* Năm qua có nội dung rất quan trọng là nghị quyết liên quan thuế toàn cầu và thí điểm cơ chế cho công trình giao thông được thông qua tại kỳ họp thứ 6, ông có thể kể thêm về hai nội dung này?

- Trước kỳ họp thứ 6, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa vào chương trình dự thảo nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nghị quyết của Quốc hội về cho phép áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Về nội dung thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp một lần đã kết luận, đồng ý trình Quốc hội.

Nhưng ở nội dung thứ hai, họp hai lần cũng không thông qua được để trình vì việc lập dự toán ngân sách hằng năm, chi tiền hỗ trợ các tập đoàn để thu hút đầu tư là chưa có tiền lệ trên thế giới.

Do đó ngay tại phiên họp trù bị, chúng tôi đã kiến nghị Quốc hội cho rút dự thảo nghị quyết về thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, chỉ trình nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu và được Quốc hội đồng ý.

Chủ tịch Quốc hội: Khi nhà Quốc hội khuya vẫn sáng đèn - Ảnh 5.

* Và chắc là mọi chuyện ngay lập tức chưa thể suôn sẻ...

- Đúng vậy, một tuần sau, các tập đoàn đa quốc gia gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội, đề nghị không thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu một cách riêng lẻ, mà phải thông qua đồng thời cả hai nghị quyết, nếu không nên hoãn lại.

Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép rút cả hai dự thảo nghị quyết này.

Nhưng sau đó, các tập đoàn đa quốc gia lại thay đổi ưu tiên, đề nghị nếu chưa có nghị quyết hỗ trợ đầu tư vào công nghệ cao thì đề nghị thông qua sớm nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu.

Họ lo tranh chấp về mặt pháp lý, vì phải làm nghĩa vụ thuế ở nhiều nước là rất phức tạp ảnh hưởng tới việc lập kế hoạch tài chính và phương án nộp thuế của các doanh nghiệp từ năm 2024.

Trước tình thế đó, trong ngày nghỉ đầu tiên giữa hai đợt họp, tôi làm việc với các cơ quan, gợi ý trình nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp và thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chính bằng nguồn này chứ không chi bằng dự toán ngân sách nhà nước nên được các cơ quan đồng ý.

Thủ tướng khi biết tin cũng phấn khởi lắm, nửa đêm còn gọi điện chia sẻ với tôi. Sau đó Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lại xin Quốc hội đưa trở lại chương trình. Trước hết là xin đưa trở vào việc thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, để giành quyền đánh thuế bổ sung, chống xói mòn cơ sở thuế.

Riêng vấn đề này, năm tới chúng ta thêm được khoảng 15.000 tỉ đồng mà nếu không có nghị quyết, không thu được khoản tiền này.

Đồng thời, các cơ quan cũng trình Quốc hội đồng ý chủ trương cho lập quỹ hỗ trợ đầu tư chính từ nguồn này và các nguồn lực khác, giao Chính phủ xây dựng nghị định quy định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Quyết sách này được dư luận đánh giá rất cao, nhiều tập đoàn đa quốc gia gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội hết sức hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ và Quốc hội. Họ nói rất yên tâm, cam kết sẽ đầu tư lâu dài, kêu gọi các tập đoàn khác vào và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

* Qua câu chuyện kể trên, ông có nhận định và đúc kết gì?

- Câu chuyện kể trên là điển hình chuyện "kéo pháo vào và kéo pháo ra" trong làm luật, nhưng là để ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và kiến tạo phát triển. Bản thân Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn phương án tối ưu.

Chủ tịch Quốc hội: Khi nhà Quốc hội khuya vẫn sáng đèn - Ảnh 6.
Chủ tịch Quốc hội: Khi nhà Quốc hội khuya vẫn sáng đèn - Ảnh 7.

* Trong suốt thời gian qua, câu chuyện một bộ phận cán bộ né tránh, không dám làm xảy ra ở nhiều nơi và một trong những nguyên nhân được cho là do pháp luật chưa đầy đủ, đồng bộ. Ông nghĩ sao về điều này?

- Trước tình trạng một bộ phận cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn và không ít ý kiến cho rằng nguyên nhân là do thể chế, do hệ thống pháp luật còn những khoảng trống, còn chồng chéo, mâu thuẫn, vướng mắc.

Vì vậy cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đều thành lập tổ công tác rà soát hệ thống pháp luật do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trực tiếp phụ trách. Đây là lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu tổng rà soát hệ thống pháp luật một cách bài bản, toàn diện như vậy.

Hai bên đã cùng tiến hành rà soát độc lập với nhau với số lượng lên tới 523 văn bản, bao gồm cả luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định, quyết định của Thủ tướng, thông tư của các bộ.

Qua rà soát, cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đều rút ra kết luận hết sức quan trọng là: hệ thống pháp luật cơ bản đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tuân thủ Hiến pháp và các cam kết, điều ước quốc tế, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi...

* Từ việc rà soát cho thấy điều gì, thưa ông?

- Số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo nhưng không nhiều và hầu hết không đòi hỏi phải cấp bách sửa đổi ngay, một số nội dung cần thiết sửa đổi, bổ sung thì đều đã được đưa vào các dự án luật trình Quốc hội xem xét hoặc thông qua tại kỳ họp thứ 6 hoặc đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và kế hoạch số 81 để sớm trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung với một danh mục rất chi tiết.

Kết luận trên cũng hoàn toàn "khớp" với đánh giá của Trung ương tại nghị quyết Đại hội XIII và nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Như vậy qua rà soát đã giải tỏa được nhiều việc. Tất nhiên chúng ta phải tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thực thi pháp luật, nhưng qua đó, cán bộ các cấp cũng thấy rõ trách nhiệm của mình, vướng chỗ nào đến mức không làm được thì phải chỉ rất rõ, "nói có sách, mách có chứng" chứ không thể nói một cách cảm tính, đổ hết cho thể chế, pháp luật được nữa.

Chủ tịch Quốc hội: Khi nhà Quốc hội khuya vẫn sáng đèn - Ảnh 8.

* Ông nhận xét, đánh giá thế nào về chất lượng của các đại biểu Quốc hội qua các phiên chất vấn và qua các ý kiến thảo luận?

- Chất lượng và hiệu quả hoạt động Quốc hội được thể hiện và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất và có vai trò trung tâm, đó là chất lượng đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu chuyên trách. Khóa XV được quy hoạch 133 đại biểu chuyên trách nhưng được chuẩn bị không đủ.

Rút kinh nghiệm, lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội khóa XV đề nghị tất cả đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan trung ương và tất cả tỉnh ủy, thành ủy giới thiệu nhân sự cho Quốc hội, vào các chức danh đại biểu chuyên trách, ủy viên chuyên trách, ủy viên thường trực, lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội.

Kết quả đem lại ngoài mong đợi, có gần 1.000 nhân sự được các bộ ngành, cơ quan đã giới thiệu cho Quốc hội.

Qua quá trình sàng lọc, đã lựa chọn 300 người trong số đó để bổ sung vào nguồn quy hoạch đại biểu Quốc hội khóa tới. Số lượng người được giới thiệu đều là "tinh hoa", trong đó có một số đang là đại biểu đương chức, nhất là các vị trí phó đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, rồi nhiều lãnh đạo, kể cả cấp thứ trưởng trong quân đội, công an và các ngành, các cấp.

Khóa này chất lượng đại biểu đã tốt, khóa sau phải chu đáo, đầy đủ hơn, bởi chất lượng đại biểu quyết định chất lượng hoạt động Quốc hội.

* Tại kỳ họp thứ 6, việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những sự kiện chính trị quan trọng. Ông có hài lòng với kết quả lấy phiếu lần này, nhất là phiếu tín nhiệm mà đại biểu Quốc hội dành cho ông?

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của từng chức danh đã được Quốc hội công bố, báo chí đưa tin đầy đủ, khách quan.

Còn nói Chủ tịch Quốc hội "chấm điểm" như thế nào các kết quả lấy phiếu thì tôi không dám. Việc này không ai khác đánh giá được mà chính xác nhất là từ kết quả phiếu tín nhiệm, tự mỗi người soi lại mình và để cử tri, nhân dân đánh giá.

Còn về kết quả của tôi được tín nhiệm như thế thì cũng là sự quá ưu ái của cử tri, nhân dân và đại biểu dành cho Chủ tịch Quốc hội. Chắc là cử tri và các đại biểu Quốc hội cũng muốn động viên Chủ tịch Quốc hội thôi.

Một vị trí đứng mũi chịu sào, thường phải va đập, cọ xát mà tôi thường hay nói "tính tôi ưu điểm là thẳng thắn nhưng nhược điểm là thẳng thắn quá" mà được tín nhiệm như vậy thì đó là vinh dự lớn lao để tôi cố gắng làm tốt hơn nữa chức trách của mình.

Giữa đuợc việc và không muốn làm mất lòng, tôi xin chọn đuợc việc nhung phải nói thật lòng là chua thấy ai giận mình ra mặt cả (cuời lớn). Mình vì việc chung thôi chứ không phải tạo áp lực, đòi hỏi cho cá nhân ai cả. Cho nên lại tự đánh giá bản thân thì uu ðiểm của tôi là cầu toàn mà nhuợc ðiểm là cầu toàn quá.

Chủ tịch Quốc hội: Khi nhà Quốc hội khuya vẫn sáng đèn - Ảnh 9.

Nội dung: THÀNH CHUNG
Trình bày: VÕ TÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0