22/08/2012 06:26 GMT+7

Chủ tịch phường xin lỗi dân

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - UBND TP.HCM vừa yêu cầu các sở ngành, quận huyện gửi thư xin lỗi dân khi trễ hẹn hồ sơ. Năm 2010, P.Linh Xuân (Q.Thủ Đức) là đơn vị đầu tiên của TP áp dụng điều này.

WrMb9qUn.jpgPhóng to

Ông Yên nắm bắt tình hình địa phương thông qua các tổ trưởng, trưởng ban dân phố... - Ảnh: Trung Cường

Người mạnh dạn thực hiện việc xin lỗi dân là ông Cao Sơn Yên - 35 tuổi, bí thư kiêm chủ tịch UBND P.Linh Xuân.

Tìm đến nhà xin lỗi dân

Khi được Quận ủy, UBND Q.Thủ Đức tin tưởng giao chức danh bí thư kiêm chủ tịch phường duy nhất của quận, ông Yên trăn trở tìm cách gần dân, làm cho dân tin tưởng gửi gắm những bức xúc, nguyện vọng. Sau khi bàn bạc và thống nhất với Đảng ủy và cán bộ phường, ông Yên xin UBND quận cho thí điểm thực hiện việc xin lỗi dân nếu cán bộ phường có sai sót với dân.

“Điều này nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân của cán bộ, và giáo dục công chức nhận thức rõ trách nhiệm để không xảy ra sai sót trong công việc, củng cố lòng tin của người dân”, ông Yên nói. Ngoài ra, theo ông Yên đây cũng là hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Năm 2006, từ phó bí thư Quận đoàn Thủ Đức, ông Yên về làm chủ tịch P.Linh Xuân. Năm 2008, ông được bổ nhiệm là bí thư kiêm chủ tịch P.Linh Xuân. Hai năm 2009-2010, ông được Ban Dân vận Thành ủy khen thưởng là cán bộ dân vận khéo. Từ năm 2007-2011, năm nào Đảng bộ P.Linh Xuân cũng được Quận ủy Thủ Đức công nhận là đơn vị đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh, được Thành ủy khen thưởng.

Từ năm 2007-2010, Đảng ủy P.Linh Xuân được UBND TP tặng bằng khen thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhờ những thành tích trên, năm 2010 P.Linh Xuân được nhận Huân chương Lao động hạng ba.

Ông Yên nhớ lại thời gian đầu thực hiện không hề dễ, một số cán bộ lâu năm đã quen với lề thói làm việc cũ đặt vấn đề: tại sao cán bộ phải xin lỗi dân? Cũng phải mất một thời gian, ông cùng lãnh đạo phường giải thích, thuyết phục mới nhận được sự hưởng ứng của những cán bộ này. Theo kế hoạch thực hiện, khi phát hiện sai sót, nhận được phản ảnh của người dân (ví dụ: sai sót trong giải quyết hồ sơ, trễ hẹn trả kết quả, thái độ tiếp dân của cán bộ...) trong vòng ba ngày lãnh đạo phường phải giải quyết ngay, cán bộ làm sai phải tham mưu văn bản xin lỗi dân.

Từ khi bắt tay thực hiện xin lỗi dân, tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của cán bộ phường chuyển biến rõ rệt, hiệu quả công việc được nâng cao, sai sót ít hơn. Ông Yên kể có lần cán bộ giải quyết sai một trường hợp hộ nghèo ở KP5, hai lần ông xuống nhà gặp người dân xin lỗi nhưng không gặp vì chủ nhà đi vắng. Ông đành nhờ trưởng ban khu phố chuyển lời xin lỗi đến người dân.

Cách đây hai tháng, ông xuống trực tiếp đối thoại và xin lỗi 50 hộ dân KP3 vì phường thông báo kết quả kiểm tra của quận về một cơ sở thu mua phế liệu không gây ô nhiễm môi trường. “Sau khi kiểm tra lại và xác định cơ sở này gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, phường đã kiến nghị quận xác định lại mức độ vi phạm”, ông kể. Tuy nhiên, nhận thấy phường cũng có sai sót nên ông tổ chức họp dân xin lỗi và hứa sẽ khắc phục.

“Sau buổi họp dân, cơ sở thu mua phế liệu đã được di dời, giải tỏa được bức xúc của người dân KP3”, ông Lê Dân Quyền, đảng viên chi bộ KP3, nói.

“Cứ gọi chủ tịch phường...”

“Anh Yên là chủ tịch phường luôn sâu sát dân, lắng nghe những phản ảnh của người dân để có những khắc phục và giải pháp chăm lo cho người dân”, ông Quyền nói. Ông Quyền cũng đánh giá cao tinh thần cầu thị của lãnh đạo phường khi hằng quý phường mời các đảng viên cao tuổi Đảng đến góp ý về các chủ trương, chính sách của phường, quận để tiếp thu, điều chỉnh.

Ông Quyền kể hôm ông Yên đứng trước người dân nhận lỗi về vụ ô nhiễm của cơ sở phế liệu, người dân phản ứng rất dữ dội, có những lời lẽ nặng nề nhưng ông không phản ứng lại mà kiên nhẫn tiếp thu. “Dân đã nóng mà lãnh đạo phường cũng nóng là hỏng hết, anh Yên được cái tính bình tĩnh, điềm đạm”, ông Quyền nói.

Còn ông Nguyễn Văn Đức, KP4 - người được ông Yên gửi thư xin lỗi - kể: “Tôi đi chứng giấy tờ nhưng hơn mười ngày chưa xong, phải đi lại nhiều lần. Sau ba ngày tôi phản ảnh thì được giải quyết hồ sơ, chủ tịch phường gửi thư xin lỗi”. Bà Lư Khánh Linh, tổ trưởng tổ 7, KP4, nói: “Khu phố có chuyện gì là tôi cứ gọi chủ tịch phường, sẽ được giải quyết ngay”.

Sau khi thí điểm thành công việc chủ tịch phường xin lỗi dân ở P.Linh Xuân, UBND Q.Thủ Đức đã nhân rộng cách làm này sang các phường còn lại. Ông tâm sự để nắm bắt kịp thời tình hình trên địa bàn, ông và lãnh đạo phường phải thường xuyên tiếp xúc với các cô chú trưởng ban khu phố, tổ trưởng, các đảng viên ở địa phương.

Nhắc đến những thành quả của phường, ông chỉ sang người cộng sự Phan Hồng Điệp, phó bí thư P.Linh Xuân, nói: “Đó là công sức chung của tập thể cán bộ phường và người dân đồng tình ủng hộ chứ không riêng của mình”.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên