26/04/2017 18:15 GMT+7

Chủ tịch nước: 'Rút kinh nghiệm toàn diện sau vụ việc Đồng Tâm'

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bài học lớn nhất rút ra là chính quyền phải biết lắng nghe ý kiến của người dân, giữ vững kỷ cương, thượng tôn pháp luật nhưng đồng thời phải mở rộng dân chủ.

Chủ tich Nước Trần Đại Quang trả lời kiến nghị cử tri ba quận 1,3 và quận 4 - Ảnh Tự Trung
Chủ tich Nước Trần Đại Quang trả lời kiến nghị cử tri ba quận 1,3 và quận 4 - Ảnh Tự Trung

Chiều 26-4, tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận 1,3, 4 của TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thông tin với với cử tri rằng sau vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, chính quyền TP Hà Nội đã phải rút kinh nghiệm toàn diện, từ nguyên nhân đến quá trình xử lý. 

Có 13 cử tri phát biểu trực tiếp tại hội trường. Nhiều ý kiến bày tỏ sự quan tâm, lo ngại, trăn trở sau sự việc ở xã Đồng Tâm.

Không lắng nghe nhau hệ lụy tiêu cực 

Cử tri Nguyễn Hữu Châu đánh giá sự kiện hàng ngàn người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức phản kháng quyết liệt như vừa qua đã nói lên nhiều điều.

“Rõ ràng lợi ích dự án đang xung đột nghiêm trọng với đời sống người dân địa phương” -  ông Châu phân tích.

Theo ông Châu, dư luận lâu nay vẫn bức xúc tình trạng lạm quyền vì lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ các cấp. Việc “trên bảo dưới không nghe” rồi “dưới nói trên cũng không nghe” dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với kỷ cương pháp luật và tính liêm chính của chính quyền. 

Ông đề nghị Quốc Hội phải tăng cường giám sát quá trình quy hoạch và thực hiện các dự án lớn có tác động đến đời sống dân sinh, kể cả những dự án không đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần phòng tránh các dự án lạm dụng danh nghĩa đầu tư vì mục đích Quốc phòng, thiếu công khai, minh bạch.

Cử tri Lê Thanh Tùng cũng nói ông cảm thấy buồn khi xảy ra những sự việc người dân không còn tin tưởng, phản kháng lại các cấp chính quyền ở một vài nơi như thời gian vừa qua..

Cử tri Lê Minh Số thì cho rằng người dân, cử tri đã mong muốn nhà nước ban hành Luật Biểu tình từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có, đề nghị sớm trình Quốc hội thông qua luật này. 

Cử tri Lê Thanh Tùng, phương7, quận 3, kiến nghị việc mê tín dị đoan xe công vẫn đi chùa và xem xét lại vụ Đồng Tâm sao lại xảy ra chuyện tạm giữ người như vậy - Ảnh Tự Trung
Cử tri Lê Thanh Tùng, phương7, quận 3 nêu kiến nghị - Ảnh Tự Trung

Lắng nghe dân, mở rộng dân chủ

Chia sẻ với tâm tư của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Luật biểu tình đã được đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội, đã giao cơ quan chức năng thực hiện các bước nhưng đến nay vẫn chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội.

“Đây là vấn đề mà đảng và Nhà nước rất quan tâm, coi trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dự thảo luật, quá trình xây dựng dự thảo phải kỹ lưỡng, có tham khảo kinh nghiệm các nước. Chúng tôi đang chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện ”- Chủ tịch nước cho biết.

Ngoài ra, chủ tịch nước cũng cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung luật đất đai cho phù hợp, sát với thực tiễn hơn.

Liên quan đến vụ việc ở Đồng Tâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói TP Hà Nội phải rút kinh nghiệm toàn diện, từ nguyên nhân, quá trình xử lý vụ việc này.

Bài học lớn nhất rút ra là chính quyền phải biết lắng nghe ý kiến của người dân, giữ vững kỷ cương, thượng tôn pháp luật nhưng đồng thời phải mở rộng dân chủ.

Đoàn đại biểu QH lắng nghe các kiến nghị của cử tri quân 1,3, và 4 - Ảnh Tự Trung
Đoàn đại biểu QH lắng nghe các kiến nghị của cử tri quân 1,3, và 4 - Ảnh Tự Trung

Trước ý kiến lo ngại của cử tri về vấn đề môi trường ô nhiễm, chủ tịch nước khẳng định: “Đảng, Nhà nước quan tâm và không đánh đổi môi trường bằng bất cứ giá nào. Bất cứ dự án nào chỉ khi có đánh giá đầy đủ về tác động môi trường mới xem xét triển khai thực hiện”.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên