Lãnh đạo TP. HCM tại buổi gặp gỡ định kỳ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là năm thứ ba buổi gặp gỡ này được tổ chức. Buổi gặp gỡ có đầy đủ Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các sở, ngành và 322 chủ tịch UBND phường - xã - thị trấn.
Theo đó các chủ tịch phường - xã - thị trấn được đề nghị nêu những nội dung tâm đắc nhất, đề xuất sáng kiến, hiến kế phát triển TP năm 2019.
Ông Nguyễn Thành Trung - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) nêu thực tế khó khăn là quy trình bồi thường hiện nay rất dài, từ khi có quyết định chủ trương đầu tư đến khi người dân được nhận tiền nhanh nhất cũng gần 2 năm, nếu trục trặc còn lâu hơn, nên khi người dân nhận được tiền thì nó không còn đúng với giá trị thị trường nữa. Theo ông, công tác bồi thường phải được ưu tiên, đi trước.
Chủ tịch UBND P.Tân Định (Q.1), ông Lê Tiến Sĩ thì góp ý: để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp cần có chính sách rõ ràng, tạo thuận lợi trong kê khai và nộp thuế, hỗ trợ phần mềm quản lý doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế điện tử, ổn định chính sách thuế 2-3 năm…
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND phường Thảo Điền (Q.2) trình bày những khó khăn trong quản lý người nước ngoài sinh sống tại địa bàn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một số phường có nhiều người nước ngoài cư trú cũng trình bày một số khó khăn trong thực tế quản lý. Cụ thể chủ tịch UBND P.Thảo Điền (Q.2) cho biết: trên địa bàn phường có khoảng 5.000 người nước ngoài sinh sống. Có lần, một người Hàn Quốc đến đòi nợ gây mất trật tự, nhưng phường phải tìm kiếm hơn nửa ngày mới tìm được phiên dịch tiếng Hàn để làm việc. Ông kiến nghị có kinh phí đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ đủ để giao tiếp.
Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết: theo thống kê chưa đầy đủ, địa bàn TP hiện có khoảng 80.000 người Hàn Quốc lưu trú, hơn 2.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ở TP, góp phần cho sự phát triển của TP.
Theo ông, để có thể giao tiếp tốt, cán bộ cơ sở phải biết ngoại ngữ. Hàng năm, TP có kinh phí để đào tạo ngoại ngữ cho công an, bộ đội biên phòng, có thể nghiên cứu đề xuất mô hình đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ phường, xã, thị trấn có đông người nước ngoài sinh sống, tham quan, du lịch.
Ông Phong cũng đề nghị những lần gặp gỡ sau sẽ phải là cuộc đối thoại, đặt ra những vấn đề đang trăn trở, đang đối mặt đang khó giải quyết.
Nhắc lại câu nói: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong", ông Phong cho rằng: chủ tịch các phường xã hơn ai hết phải hiểu rõ câu nói này. Theo ông Phong: năm 2019 còn nhiều khó khăn thách thức, nên phải dựa vào dân, sát dân, lắng nghe dân để phát huy sức mạnh tổng hợp.
"Dựa vào dân là phải duy trì tiếp công dân định kỳ để đối thoại, lắng nghe tiếp thu ý kiến của người dân, kịp thời chủ động linh động giải quyết các bức xúc chính đáng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Có 24 chủ tịch UBND các xã phường được khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2018 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều địa phương có mô hình hay
Ông Trương Văn Lắm, giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết trong năm qua, nhiều phường xã đã triển khai các mô hình hay trong công tác cải cách hành chính. Chẳng hạn như mô hình Giải quyết hồ sơ ngoài giờ hành chính như phường Bến Thành (Q.1), phường Linh Xuân (Q.Thủ Đức), phường Tân Định, phường Đa Kao (Q.1) thì tích cực triển khai mô hình dịch vụ công trực tuyến, đối với các thủ tục trong lĩnh vực tư pháp hộ tịch, xây dựng, người dân có thể nộp hồ sơ tại nhà.
Phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) đã triển khai hai số điện thoại nóng: một đầu số tiếp nhận thông tin về an ninh trật tự do công an phường quản lý, một đầu số khác tiếp nhận thông tin về trật tự xây dựng do cán bộ phụ trách đô thị quản lý. Phường Bình An (Q.2) còn có mô hình làm thủ tục hành chính tại nhà, hỗ trợ người dân không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở phường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận