Tài xế xe tải chở hàng từ tỉnh khác làm thủ tục vào địa phận tỉnh Kiên Giang - Ảnh: K.NAM
Ngày 23-7, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang họp giao ban trực tuyến toàn tỉnh thường kỳ (2 ngày 1 lần). Tại cuộc họp, nhiều ý kiến băn khoăn về danh mục hàng hóa thiết yếu, hàng hóa dễ hư hỏng, cần sớm ban hành chi tiết, thống nhất để dễ áp dụng.
Đại diện lãnh đạo các địa phương nuôi tôm đang tới kỳ thu hoạch ở vùng U Minh Thượng (gồm 4 huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận) đề nghị bổ sung tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng và một số loại hải sản khác vào danh mục hàng hóa dễ hư hỏng để ưu tiên qua chốt.
Bởi hiện tại, có trường hợp phương tiện của thương lái không tới được hộ dân, rồi hộ dân cũng không chở được tôm tới chỗ thu mua vì… chưa có trong danh mục.
Đại diện ngành công thương Kiên Giang thì phản ánh hiện nay danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông không tỉnh nào giống tỉnh nào, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang góp ý để các bộ, ngành bổ sung kịp thời, thống nhất thực hiện cho đúng.
Trước nhiều ý kiến như vậy, ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhận định nếu các ngành, các địa phương cứ ngồi cân nhắc xem mặt hàng nào thiết yếu, mặt hàng nào không để đưa vô danh mục thì biết tới khi nào mới đủ.
Chưa kể, khi ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu, hàng hóa dễ hư hỏng rồi áp dụng làm sao, các chốt không lẽ cứ phải dò từng món trong mấy chục, mấy trăm món hàng lưu thông ngoài thị trường.
Ông Thành đề nghị, cứ xe chở hàng hóa là được qua chốt (kiểm soát phòng chống dịch). Theo ông Thành, các bộ, ngành đã quy định hết rồi, đi nội tỉnh làm sao, đi liên tỉnh làm sao, cứ như vậy mà áp dụng.
"Tôi đề nghị không áp dụng danh mục hàng hóa khi kiểm soát các xe tải qua chốt, nếu có thì chỉ nên tham khảo thôi. Chốt ở đây là để kiểm soát, ngăn chặn những người cố tình đi lại không cần thiết, còn người ta lưu thông hàng hóa thì ngăn cản làm gì", ông Thành nói.
Cũng liên quan tới việc áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16, ông Thành cho hay hiện tại có nơi phát phiếu đi chợ cho các hộ dân, ghi luôn phải đi chợ này, chợ nọ, thậm chí có nơi tới giờ này chưa phát phiếu.
"Việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được. Đâu phải chợ nào cũng giống chợ nào. Có chợ ở phường này, xã này bán thứ này, chỗ khác bán thứ khác, cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân.
Ở vùng sâu, vùng xa, người ta đất ít, trồng ít được 1 bó rau, mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán, để ở nhà 2, 3 ngày rau cải hư hỏng hết. Người có nông sản bán được thì người mua mới có để mà mua. Mình chống dịch chặt chẽ, nhưng không được ngăn sông cấm chợ", ông Thành nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận