"Loại vật liệu dùng để trang trí lớp áo di tích Chùa Cầu sau khi trùng tu là vôi (vôi tôi). Vôi này khi mới quét xong nhìn có vẻ mới, nhưng gặp mưa gió và thời tiết ẩm ướt thì rêu mốc sẽ xuất hiện. Chùa Cầu sẽ sớm trở lại như xưa" - ông Sơn nói.
Trùng tu Chùa Cầu giữ tối đa yếu tố gốc
Nói về quá trình trùng tu di tích cổ Chùa Cầu, ông Sơn cho biết từ hồ sơ tới thi công thực tế luôn đảm bảo các nguyên tắc công khai minh bạch, giữ tối đa các yếu tố gốc, đảm bảo công năng và tính bền vững.
Ngay từ ban đầu, Hội An xác định Chùa Cầu là di tích mang giá trị đặc biệt quan trọng, nên công tác chuẩn bị dự án được làm rất cẩn trọng.
Từ việc khảo sát, sưu tầm, lấy ý kiến cộng đồng dân cư cho đến thực hiện các chuyên đề nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật... đều được hệ thống hóa.
Bên cạnh đó việc đánh giá thực trạng và số hóa di tích bằng công nghệ 3D... cũng được các cơ quan chuyên môn làm kỹ để tạo cơ sở dữ liệu khoa học. Từ đó đưa ra giải pháp, hình thức tu bổ phù hợp.
Chủ tịch UBND TP Hội An cũng cho biết quá trình trùng tu Chùa Cầu quy tụ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong bảo tồn di tích. Các nhóm làm việc tham khảo và tương tác thường xuyên với đối tác quốc tế.
Trước Chùa Cầu, Hội An cũng từng tu bổ rất thành công nhiều di tích có tính phức tạp không kém. Đây là nền tảng để quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu được bài bản, khoa học. Quá trình trùng tu luôn đề cao tính bền vững, mục tiêu là đưa di tích trường tồn lâu dài với thời gian.
Chùa Cầu sẽ sớm trở lại hình ảnh quen thuộc
Tái khẳng định về tầm vóc của di sản nổi tiếng đã đứng vững suốt 400 năm, Chủ tịch thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho rằng suốt cả quá trình trùng tu Chùa Cầu, Hội An luôn nhận được sự giám sát, tư vấn từ các đơn vị chuyên môn trong nước; các cấp chính quyền lẫn các chuyên gia quốc tế.
Phía Nhật Bản cũng phái cử chuyên gia từ Tổ chức JICA, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản qua tư vấn giúp Hội An tu bổ Chùa Cầu đạt độ chân xác.
Bên cạnh đó Quỹ Sumimoto của Nhật Bản cũng tài trợ Hội An một phần kinh phí trích từ nguồn ngân sách 2020 dành cho các dự án về bảo vệ, bảo tồn và trùng tu tài sản văn hóa ngoài Nhật Bản.
"Toàn bộ hồ sơ quá trình tu bổ Chùa Cầu đã được biên soạn và phát hành trong dịp khánh thành dự án vào 3-8 tới đây.
Hội An hy vọng được cung cấp cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo để hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích đặc biệt quan trọng. Đây cũng là cơ sở dữ liệu lưu trữ quan trọng cho thế hệ hôm nay và mai sau trong công tác quản lý bảo tồn, phát huy" - ông Sơn nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Chí Trung - nguyên giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho rằng nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài để đánh giá mức độ thành công của trùng tu Chùa Cầu thì không khách quan mà cẩn nhìn tổng thể, đa chiều.
Theo ông Trung, những nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị chuyên môn trong dự án trùng tu Chùa Cầu - di tích đặc biệt - là điều cần ghi nhận. Còn về lớp sơn, màu sắc bên ngoài thì bất cứ công trình nào ở Hội An khi trùng tu cũng không thể giữ lại màu sắc 100% như trước.
Với Chùa Cầu, lớp vật liệu quét phủ bên ngoài được dùng loại vôi tôi thủ công, loại này chỉ cần vài tháng là xuống màu và làm cho công trình cổ kính, đồng nhất màu sắc.
Khen chê là điều bình thường
Về những khen chê của dư luận trong những ngày vừa qua, chủ tịch thành phố Hội An cho rằng đây là điều rất bình thường. Với một di tích nổi tiếng và nhạy cảm như Chùa Cầu thì sự quan tâm lại càng lớn hơn.
Trách nhiệm đặt ra cho đơn vị trùng tu vì thế mà luôn cao hơn, làm sao để sau khi trùng tu thì Chùa Cầu đạt được mong đợi của mọi người.
Ông Sơn khẳng định tới hiện tại dự án đã làm minh bạch, bài bản. Còn một vài băn khoăn như lớp áo bên ngoài, màu vôi tường, mái ngói… nhìn qua có vẻ mới mẻ nhưng đều nằm trong tính toán của đơn vị trùng tu.
"Việc thay đổi màu sắc do quá trình trùng tu thì không thể tránh khỏi. Theo thời gian, các loại vật liệu bên ngoài sẽ xuống màu, rêu mốc mọc lên, Chùa Cầu sẽ mang diện mạo như xưa" - ông Sơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận