Ông Dominic Scriven, nhà đầu tư nước ngoài kỳ cựu tại Việt Nam suốt hơn 30 năm qua. Ông là đồng sáng lập Dragon Capital, một trong những quỹ ngoại lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, quản lý tổng tài sản trị giá khoảng 6 tỉ USD.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Dominic Scriven cho rằng hình thành một trung tâm tài chính quốc tế (IFC) là lộ trình dài. Kế hoạch này không phải là bất khả thi nhưng phải có bước bắt đầu, thực hiện các bước nhỏ trước mắt.
Giao dịch và niềm tin
* Một lần nữa, kế hoạch đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế lại được nhắc đến. Quan điểm của ông về chủ đề này thế nào?
- Tôi không phải là chuyên gia về IFC, tôi trả lời ở góc độ người trong ngành tài chính có hoạt động ở một số nước khác nhau, và hiểu một phần nguyện vọng phát triển của Việt Nam.
Thú thật là theo tôi, dùng từ "trung tâm tài chính quốc tế" thì hơi tham vọng. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chọn mục tiêu phát triển TP.HCM là trung tâm kinh tế - thương mại quốc tế. Nghĩa là, cần phát triển hạ tầng, cầu cảng, nguồn nhân lực và hậu cần để cá nhân, tổ chức ở mọi nơi sẵn lòng đến và đặt trung tâm hoạt động của họ ở Việt Nam.
Tôi có thể ví von: Nếu mình muốn hình thành một cái chợ, trước hết cần thu hút tiểu thương đến. Lịch sử phát triển của các IFC ở Singapore, Hong Kong cũng bắt nguồn từ những cầu cảng, giao thương như vậy.
Khi có cảng giao thương, sẽ có tàu đến neo đậu. Khi có tàu sẽ có kho bãi, có giao dịch, có công ty bảo vệ sản phẩm kho. Có công ty thì cần có nhà hàng, có chợ, có nông dân, có kho lạnh để cung ứng thực phẩm, hàng hóa. Và sau đó, sẽ có ngân hàng để gửi tiền.
TP.HCM hiện đã có khá nhiều yếu tố này rồi. Song vẫn cần bổ sung một số thứ khác và mở cửa hơn nữa. Chúng ta cần hiểu rằng, thị trường tài chính nói chung và trung tâm tài chính quốc tế nói riêng được hình thành dựa trên niềm tin và giao dịch.
* Theo ông, cần bổ sung những gì để đạt mục tiêu này?
- Có hai nhóm công việc nằm trong phạm trù xây dựng và hình thành IFC mà Việt Nam có thể áp dụng. Một là thu hút nguồn lực nước ngoài vào TP.HCM.
Nhìn lại lịch sử các IFC Singapore, Hong Kong, Dubai và kể cả là London thì xuất phát điểm không phải là trung tâm tài chính. Đó là trung tâm giao thương quốc tế, nơi cá nhân, tổ chức ở các ngành khác nhau đến gặp nhau, trò chuyện, thương thảo, cùng nhau bắt tay ký hợp đồng làm ăn kinh doanh.
Khi trở thành mảnh đất có nhiều giao dịch làm ăn, trung tâm tài chính sẽ hình thành.
Hai là bổ sung chức năng cho ngành tài chính hiện có ở Việt Nam. Bổ sung chứ không phải thay thế.
Nôm na là hiện giờ, Việt Nam đã có hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường vốn nhưng trung tâm tài chính có thể bổ sung các chức năng như huy động vốn cho hạ tầng, doanh nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử và tài chính xanh…
Huy động vốn cho những lĩnh vực này hiện nay là rất rất rất khó.
Chúng ta không có công ty thương mại điện tử nào trên thị trường chứng khoán dù nhiều người cho đây là ngành thú vị.
Vì muốn niêm yết thì theo quy định là họ phải có lời. Không niêm yết được, không huy động được vốn. Hiện nay, phát triển ngành kinh tế điện tử là rất khó.
Nó tương tự với các công trình hạ tầng. Muốn tài trợ công trình hạ tầng ở Việt Nam thì đi gặp ngân hàng. Muốn phát hành trái phiếu thì phải đạt được nhiều tiêu chuẩn rất chi tiết.
Những nhà đầu tư lượng vốn lớn khi nhìn vào các thực tế trên, họ sẽ nói: "Thôi chúng ta làm ở Singapore, chưa dám làm ở Việt Nam".
* Những yếu tố nào có thể khiến Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, trở thành "đất lành" cho các tập đoàn đa quốc gia?
- Khu vực châu Á có rất nhiều tập đoàn đa quốc gia. Họ đặt bộ phận tài chính ở Singapore, nhà máy lớn nhất ở Trung Quốc, nhà máy linh kiện ở Việt Nam và hội sở khu vực tại Hong Kong.
Với những giao thương và thực tế hiện nay, không có lý do gì chúng ta không thu hút họ đặt hội sở ở TP.HCM.
Vì sao? Vì họ có hoạt động, giao dịch, có thể không có thị trường nhưng có nhà máy ở Việt Nam. Không có lý gì mà chúng ta không kéo các tập đoàn này từ Singapore, Bangkok, Hong Kong về Việt Nam để trở thành trung tâm hội sở của họ.
Người ta nói đất lành chim đậu. Việt Nam và TP.HCM có nhiều điều kiện để trở thành "đất lành". Chúng ta có nhiều yếu tố cần như con người thành thạo các ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung, khí hậu ôn hòa, mặt bằng giá cả tốt.
"Ném đá dò đường"
* Làm thế nào để thực hiện hai nhóm công việc trên một cách cụ thể?
- Thứ nhất là phổ biến và đạt hiệu quả hơn nữa tỉ lệ người sử dụng thành thạo ngoại ngữ như tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác.
Thứ hai là quy định doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế IFRS.
Chủ thể tham gia vào IFC có hoạt động ở nước ngoài và có lợi nhuận ở nước ngoài mà đã nộp thuế rồi thì đem thu nhập đó về Việt Nam sẽ không bị đánh thuế hai lần.
Ngoài ra, cần bổ sung hoạt động của trung tâm trọng tài quốc tế và xem xét bổ sung chế độ phát hành nợ chứng khoán, nợ vốn riêng lẻ thực sự chuẩn.
Để tiến lên, phải có cách làm khác về chính sách cho phát hành riêng lẻ để thu hút nguồn vốn đa dạng.
Sẽ có nhiều việc cụ thể cần làm để hình thành IFC hiệu quả, trong đó, chưa buộc doanh nghiệp thực hiện IFRS là không được.
Với những thực tế hiện nay ở Việt Nam, không khó để thực hiện những việc tôi đề xuất ở trên, sẽ không cần phải mất ngủ để thực hiện.
* IFC sẽ thu hút nhiều thứ vào, bao gồm cả vốn. Nhà đầu tư có lo ngại gì về quản lý dòng tiền?
- Nếu có giới hạn, rào cản khi rút tiền ra thì sẽ hạn chế tiền vào. Rõ ràng là vậy. Không thể khuyến khích tiền vào mà không cho nó ra. Đây là bài toán mà các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc. Nhưng nếu không bắt đầu, không thí điểm thì khó tiến gần đến những bước phát triển mới.
Chẳng phải người Việt có câu nói "ném đá dò đường" hay sao? Thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trở nên an toàn hơn nhiều nước tiên tiến sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xác thực sinh trắc học khi chuyển khoản.
Nhờ đó, các quan ngại về rửa tiền, lừa đảo đã giảm đi rất nhiều.
* Nhiều người cho rằng đưa TP.HCM thành IFC là tham vọng. Quan điểm của ông là gì?
- Hình thành IFC là lộ trình rất rất rất dài, cần kế hoạch bài bản và lộ trình rõ ràng. Điều này không phải là bất khả thi nhưng cần có bước bắt đầu, thực hiện từng bước nhỏ. Chúng ta có thể đặt mục tiêu, TP.HCM sẽ có vai trò lớn trong hoạt động kinh tế thương mại và tài chính, không chỉ ở Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong khu vực.
Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào kinh tế, quy mô dân số, khả năng cạnh tranh của Việt Nam để tạo dựng niềm tin và uy tín, đi cùng chủ trương chính sách, thể chế của Chính phủ. Những kế hoạch hay lộ trình cụ thể thì lúc này chúng ta chưa có. Có lẽ cần chờ đợi thêm để có thể đưa ra các đề xuất phù hợp.
Lộ trình cụ thể cần sự cân bằng giữa động viên và thu hút, tránh việc đặt ra khẩu hiệu tham vọng nhưng thiếu cơ sở thực hiện. Ví dụ, cần làm rõ từng bước như giai đoạn 3-5 năm tới cần đạt điều gì.
Các nhà đầu tư quốc tế sẽ đặt ra câu hỏi: "Tại sao chọn Việt Nam để đầu tư. Liệu có lựa chọn nào tốt hơn. Liệu Việt Nam có yếu tố cạnh tranh khác biệt, khuôn khổ pháp lý hấp dẫn và đáng tin cậy?".
TP.HCM là thành phố duy nhất của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), được công bố hai lần mỗi năm. Lần đầu tiên TP.HCM xuất hiện trong danh sách này vào năm 2022, ở vị trí 102/119.
Trong bảng xếp hạng gần nhất (GFCI 36), TP.HCM ở vị trí 105/121. Ở châu Á - Thái Bình Dương, có 30 thành phố có tên trong bảng xếp hạng và TP.HCM xếp thứ 29, chỉ trên Malina (Philippines).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận