Ông Dương Thành Trung - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - giải trình tại phiên chất vấn ngày 12-7 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Phiên chất vấn của HĐND tỉnh Bạc Liêu ngày 12-7, đại tá Trần Phong - phó giám đốc Công an tỉnh - cho biết việc đánh bạc trá hình dưới hình thức game bắn cá trên địa bàn ngày càng phức tạp.
Từ năm 2018 đến nay, công an đã kiểm tra 293 cơ sở kinh doanh, lập biên bản vi phạm hành chính 78 cơ sở, triệt xóa 2 vụ lợi dụng trò chơi điện tử máy bắn cá để đánh bạc trá hình, liên quan tới 7 đối tượng, tạm giữ 8 máy bắn cá.
"Tuy nhiên, hiện nay để phòng tránh lực lượng chức năng, các chủ cơ sở và người quản lý thường sử dụng màn, bạt che kín bên ngoài", ông Phong kiến nghị đưa loại hình kinh doanh game bắn cá vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Cùng với đó là tiếp tục tạm ngưng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, thay đổi, mở chi nhánh mới đối với ngành nghề kinh doanh trò chơi điện tử máy bắn cá để chấn chỉnh điều kiện hoạt động của các cơ sở kinh doanh hiện tại.
Chưa hoàn toàn đồng tình với lãnh đạo công an tỉnh, có đại biểu đã phản ánh dư luận trong người dân rằng "công an còn nể nang trong xử lý" nên người kinh doanh game bắn cá mới hoạt động trá hình được.
Ông Phong cho biết Công an tỉnh cũng có nghe thông tin nhưng "chỉ là dư luận" chứ chưa có ai phản ảnh chính thức bằng văn bản hay những thông tin có căn cứ khác tới lãnh đạo công an tỉnh.
Ông Dương Thành Trung - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - giải trình thêm, khẳng định tỉnh rất quyết liệt trong chỉ đạo xử lý tình hình đánh bạc trá hình qua trò chơi game bắn cá. "Đại biểu nào phát hiện công an bảo kê, hãy cung cấp, tôi đề nghị nên xem đây là tin tố giác tội phạm", ông Trung nói.
Bà Lê Thị Ái Nam - chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu - cũng nhận định game bắn cá là vấn đề gây bức xúc thời gian qua tại tỉnh này, khiến người chơi vướng nợ nần.
"Tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch phối hợp Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm, nếu cần thiết thì mở chuyên án triệt phá. Tôi nghĩ với trình độ nghiệp vụ của các cơ quan ban ngành sẽ xử lý vấn đề này được", bà Ái Nam yêu cầu.
Tương tự, khi chất vấn giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Phạm Quốc Nam, đại biểu cũng nêu dư luận rằng khi cán bộ ngành này lập biên bản vi phạm môi trường thì người vi phạm "a lô" cho cấp trên can thiệp.
Đáp lại, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bạc Liêu khẳng định "không có trường hợp nào can thiệp". Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung tiếp tục khẳng định nếu phát hiện ai "a lô", "a lô" cho ai sẽ xử lý đến nơi đến chốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận