21/04/2007 19:06 GMT+7

Chú Năm Trần Bạch Đằng của tôi

LÊ VĂN THẢO (phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)
LÊ VĂN THẢO (phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

TTCT - Chú Trần Bạch Đằng nhiều tên, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chú có đến hàng chục tên. Hồi tôi vào cơ quan chú ở chiến khu R, chú tên Năm Quang, tôi quen gọi như thế đến giờ.

aDNSleEG.jpgPhóng to
TTCT - Chú Trần Bạch Đằng nhiều tên, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chú có đến hàng chục tên. Hồi tôi vào cơ quan chú ở chiến khu R, chú tên Năm Quang, tôi quen gọi như thế đến giờ.

Đó là năm 1962, mới sau Đồng khởi, tình hình còn khó khăn. Chú là thủ trưởng Ban tuyên huấn mới thành lập, cán bộ nhân viên tuyển chọn rất kỹ, tôi chỉ là sinh viên ở Sài Gòn, chú thương yêu gia đình tôi “đặc cách” cho đi thẳng vào. Tôi từ Long An, băng qua đồng Chó Ngáp lên Tây Ninh theo đường sông, đoạn thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Một bữa đi chung ghe, thấy tôi chèo thông thạo, chú ngạc nhiên: “Mày biết chèo ghe hồi nào vậy Thảo?”. Tôi cười đáp: “Hồi nhỏ, thời chống Pháp cháu ở chiến khu Đồng Tháp Mười, bảy tám tuổi đã chèo chống thông thạo rồi”.

“Chú viết hằng ngày, vài ba bài báo mỗi ngày, mỗi bài đều gây dư luận, đều là phát súng bắn vào những sai trái tệ nạn của xã hội. Cả đời chú ghét nhất bọn quan liêu nịnh bợ, đục khoét. Và cũng ghét nhất thói nô lệ làm hạ phẩm giá con người”

Chú Năm nhiều tài, nhiều công trạng, tham gia cách mạng từ tuổi thiếu niên, cả đời lăn lóc dày dạn trong chiến đấu, nhưng lúc đó tôi chưa biết gì, chỉ thấy chú đặc biệt yêu mến đám thanh niên chúng tôi. Thủ trưởng một cơ quan lớn, có chân trong Trung ương cục, chú luôn phải đi đây đó hội họp, nhưng thường chú cố thu xếp tối xuống nhà bếp cùng sinh hoạt với thanh niên, các anh chị làm tạp vụ, bảo vệ, giao liên...

Đó là những buổi sinh hoạt thật bổ ích và cũng thật vui. Chú hòa đồng với thanh niên, cùng đọc sách báo, nhận xét trao đổi, bàn chuyện thời sự chính trị, đọc thơ, hát hò, diễn kịch... Tôi ở cơ quan giáo dục rồi qua cơ quan văn nghệ, tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng ra những số đầu tiên in ronéo rồi in typo, chú theo dõi sát từng bài. Lúc đó tôi đánh máy cho tạp chí cũng bắt chước mấy anh lớn làm thơ. Bài thơ đầu tiên của tôi được đăng, chú cầm ngay tờ tạp chí xuống nhà bếp đọc cho anh em thanh niên nghe, gọi tôi là con nuôi, nói: “Nghe bài thơ thằng con của chú đây”.

Nhiều năm về sau, suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, những bước thăng trầm của đời tôi đều có ánh nhìn theo dõi của chú.

Chú cũng đặc biệt quan tâm yêu mến anh em giới văn nghệ. Không chỉ vì chú là nhà văn, nhưng là nhà chính trị, hơn nhiều người khác, chú hiểu vai trò của văn nghệ trong đời sống xã hội, trong cuộc chống Mỹ cứu nước.

Năm 1968, tôi thuộc số ít người được đưa trước về vùng phụ cận Sài Gòn chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công, được huấn luyện thật kỹ, trang bị đầy đủ cho việc hoạt động nội thành. Nhưng trên đường vào Sài Gòn chúng tôi lại hết sức sơ hở, thiếu kinh nghiệm.

FEvdBkkS.jpgPhóng to
Bài báo cuối cùng của đồng chí Trần Bạch Đằng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần (trước là Tuổi Trẻ Chủ Nhật) số ra ngày 8-4-2007
Trận đụng độ đầu tiên ở xã Tân Kiên, đoàn quân gần 400 người toàn dân “chân yếu tay mềm” chỉ có chúi đầu dưới ven lá dừa nước dọc con rạch mặc cho đám trực thăng quần đảo thả sức xả súng bắn, chiều tối kiểm quân thấy chết mất hơn nửa. Đêm hôm đó “tàn quân” chúng tôi vào đến ven Sài Gòn, giao liên đưa ngay đến chỗ đóng quân của chú ở An Lạc. Lúc đó chú đã về làm việc trong ban lãnh đạo khu Sài Gòn - Gia Định, không còn làm thủ trưởng cơ quan tuyên huấn chúng tôi nữa.

Chú ở trong một căn nhà đã sụp đổ một nửa, đúng ra là một căn chòi để che chiếc hầm núp. Chú ngồi trên nóc hầm, chúng tôi ngồi vây quanh. Nổ súng đã hơn ngày rồi, bom đạn đầy trời, vịt bầy chết trắng đồng, chú hối làm vịt nấu cháo đãi chúng tôi. Trông chú mệt mỏi nhưng trầm tĩnh. “Tình hình gay go lắm, ráng mà giữ cái thủ cấp”. Vẫn giọng nói vui vui pha chút khẩu ngữ miền Nam thường ngày của chú.

Chú lại nói: “Tình hình khó lắm! Thằng Thảo, thằng Trang Phượng thông thạo chiến trường theo luôn bộ đội đánh giặc. Tôi mới vừa ở sư đoàn 9 mấy năm, mới về cơ quan rồi xuống đây. Trang Phượng cũng vậy. Mọi người đều ở trong một chảo lửa, cuộc chiến đang hồi khốc liệt. Tôi nhớ mãi câu nói của chú hôm đó, nhớ tình thương, sự chăm sóc của chú đối với chúng tôi, trong lúc chú ngồi trên nóc hầm, giữa trận địa cuộc tổng tấn công ác liệt chưa từng có.

Điều quan trọng nữa, và có lẽ quan trọng nhất, là thái độ thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật. “Trận đánh gay go lắm rồi”. Mới nổ súng hơn ngày nhưng chú đã nhìn thấy tất cả. Không ai hiểu trận mạc bằng chú, và hơn hết chú đã dũng cảm nói thật. Trong những năm tháng chiến tranh khắc nghiệt ấy, đôi khi chỉ cần nói cách nào đó cũng có thể bị qui là “thất bại chủ nghĩa”.

Cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân 1968 ấy, tôi thường gọi là trận đánh hào hùng và bi thảm, tôi theo bộ đội dự suốt trận đánh từ đầu chí cuối, chú cũng vậy. Hai chú cháu một là chỉ huy, một là người lính. Tôi nhớ lời chú hôm đó và có sự đồng cảm với chú. Và trong nhiều lần họp tổng kết ở những cấp cao nhất, chú đã đấu tranh nói lên sự thật về trận đánh khốc liệt ấy, về những thắng lợi - thiệt hại đúng như nó có.

Hình ảnh chú ngồi trên nóc hầm hôm ấy, mệt mỏi, trầm tĩnh, và thật sự là người chỉ huy giữa trận tiền, cũng là điều tôi hiếm thấy sau này.

Suốt cả cuộc đời, chú Trần Bạch Đằng luôn đấu tranh vì sự thật, qua biết bao gian nan vất vả. Một bài viết về chú mới đây có dùng chữ “gan góc”, quả là đúng. Chú luôn là người đấu tranh gan góc. Chú là người của hành động, cả nghĩa đen lẫn bóng. Hành động trong đấu tranh. Những năm ở rừng chú luôn đi đây đó, bữa trước ở cơ quan bữa sau đã xuống chiến trường.

Những trận B52 rải thảm bao giờ chú cũng là người xuống hầm sau cùng. Những năm hoạt động nội thành Sài Gòn, Mỹ - Thiệu quá rành về chú, liên tục rượt đuổi, “nhiều lần tao phải nhảy chuyền từ xe này sang xe khác như phim hình sự Mỹ”. Năm gần đây, chú kể chuyện một đô đốc Mỹ mời chú sang Mỹ chơi với tư cách cá nhân để trả ơn việc chú có lần ra lệnh tìm giết ông ta nhưng sau đó lại tha. Chú cười nói: “Nó nói dóc, hoặc nghe lầm gì đó, tao ra lệnh giết nó hồi nào, nó là đô đốc ở giữa biển, làm sao giết”.

Ba mảng lớn trong đời hoạt động của chú Trần Bạch Đằng: hoạt động chính trị, làm văn, viết báo. Và chỉ một trong ba mảng đó thôi cũng ít có người nào làm bằng chú. Và khó ai có được bề dày đấu tranh mạnh mẽ, lâu dài như thế. Riêng việc viết báo thôi, chú viết hằng ngày, vài ba bài báo mỗi ngày, mỗi bài đều gây dư luận, đều là phát súng bắn vào những sai trái tệ nạn của xã hội. Cả đời chú ghét nhất bọn quan liêu nịnh bợ, đục khoét. Và cũng ghét nhất thói nô lệ làm hạ phẩm giá con người.

Viết về chú Trần Bạch Đằng là viết về một kỷ niệm, một ấn tượng nào đó, không thể viết tất cả được. Riêng hoạt động báo chí thôi cũng phải là một công trình nghiên cứu. Chỉ cần đọc lại những bài báo của chú từ năm 1975 đến nay cũng có thể thấy hết mọi diễn biến của xã hội. Không ai cập nhật đời sống xã hội sát với thực tế bằng chú.

Vừa mới đây thôi, hôm tết tôi cùng anh bạn đến thăm chú. Chú đã yếu, phải đặt ống thở, nhưng điện thoại réo liên hồi. Các cuộc hội họp, các bài báo, chú trả lời tất cả, tham gia đời sống xã hội như đã từng tham gia. Chú hoạt động không ngừng nghỉ và không thể nghỉ. Xã hội cần chú, bạn bè đồng chí, thế hệ tiếp nối cần chú.

Con người, sự nghiệp của chú Trần Bạch Đằng là một ngọn lửa cháy mãi.

LÊ VĂN THẢO (phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên