05/12/2014 09:45 GMT+7

Chủ đầu tư hứa hoàn thiện thủ tục pháp lý

M.L. - B.S. thực hiện
M.L. - B.S. thực hiện

TT - Đó là khẳng định của Công ty cổ phần Chánh Phú Hòa và UBND tỉnh Bình Dương trước các thông tin báo Tuổi Trẻ (ngày 4-12) nêu về việc dự án hoa viên nghĩa trang Bình Dương chưa đảm bảo thủ tục pháp lý.

Dự án hoa viên nghĩa trang Bình Dương  chưa được giao đất, chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính... nhưng đã bán huyệt mộ cho khách hàng.

Hoa viên nghĩa trang Bình Dương - Ảnh: Xuân An
Hoa viên nghĩa trang Bình Dương - Ảnh: Xuân An

Ông NGUYỄN VĂN THIỀN, tổng giám đốc Công ty TNHH Cấp thoát nước - môi trường Bình Dương (Biwase, 100% vốn nhà nước) kiêm chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chánh Phú Hòa, nói:

- Ngay sáng 4-12, UBND tỉnh Bình Dương đã họp với các sở, ngành của tỉnh và chủ đầu tư để giải quyết vướng mắc của một số dự án, trong đó có dự án hoa viên nghĩa trang Bình Dương.

Tại cuộc họp, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường rà soát, tham mưu để giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoa viên nghĩa trang Bình Dương cho Công ty Chánh Phú Hòa. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị tính toán phương án thu tiền sử dụng đất đối với khu dịch vụ (khoảng 33ha) trong hoa viên nghĩa trang này.

* Việc Công ty Chánh Phú Hòa chưa được giao làm chủ đầu tư dự án, chưa được giao đất nhưng đã ký hợp đồng, thu tiền của 5.291 khách hàng là như thế nào, thưa ông?

Liệu có “lợi ích nhóm”?

Chúng tôi đặt câu hỏi liệu có tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc “nhập nhằng” giữa dự án công cộng và dự án cổ phần, ông Nguyễn Văn Thiền trả lời “không có chuyện này”.

Ông Thiền nói nhiệm vụ chính của Biwase là cấp thoát nước, xử lý rác thải, môi trường nhưng được UBND tỉnh giao thêm nhiệm vụ xây dựng nghĩa trang là nhiệm vụ chính trị để phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh.

“Việc có khu 33ha kinh doanh dịch vụ nhằm tạo nguồn thu để cân đối với những khu còn lại. Trong đó có những khu như khu dành cho các đối tượng chính sách chúng tôi không thu tiền” - ông Thiền nói.

- Cái này là sơ sót. Khi dự án bắt đầu khởi động năm 2004, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản giao Biwase đầu tư dự án.

Năm 2005, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý cho Biwase thỏa thuận góp vốn với đối tác bên ngoài thành lập Công ty cổ phần Chánh Phú Hòa đầu tư xây dựng nghĩa trang. Khi đó, các sở ngành giải thích và chúng tôi cũng “tự hiểu” văn bản vào năm 2005 của UBND tỉnh đã bao hàm nội dung chuyển chủ đầu tư dự án nên chưa có quyết định chuyển tên chủ đầu tư.

Sau này, Thanh tra Chính phủ nói như vậy là không đúng thì chúng tôi chấp hành và sẽ bổ sung văn bản pháp lý của dự án.

Đối với khách hàng thì quyền lợi sẽ không bị ảnh hưởng. Do dự án này nằm trong quy hoạch của tỉnh nên không có chuyện UBND tỉnh “quay 180 độ” cho dừng dự án hoặc di dời đi nơi khác. Hơn nữa, Luật đất đai 2013 cũng đã gỡ rối, mở đường cho hoạt động kinh doanh nghĩa trang và có hành lang pháp lý để đảm bảo quyền lợi khách hàng.

* Vậy các bước để thực hiện thủ tục pháp lý nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng như thế nào?

- Chúng tôi đã có văn bản và UBND tỉnh cũng đồng ý về việc lập thủ tục giao đất cho Công ty cổ phần Chánh Phú Hòa thực hiện dự án hoa viên nghĩa trang Bình Dương. Sau đó, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Chánh Phú Hòa. Khi đó, chúng tôi sẽ photo giấy chứng nhận này kèm theo hợp đồng ký với khách hàng để họ hiểu rõ và yên tâm về thủ tục pháp lý của dự án.

Đối với việc đóng tiền sử dụng đất, dự án của chúng tôi có quy mô gần 200ha, nhưng trong đó chỉ có khoảng 114ha sử dụng cho các hình thức mộ táng, còn lại là đường giao thông nội bộ, cây xanh, công trình công cộng...

Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với 33ha mà công ty dùng để kinh doanh cho các đối tượng có nhu cầu, khoảng 81ha còn lại là nghĩa trang nhân dân, không kinh doanh nên sẽ giao đất không thu tiền sử dụng đất.

* Tại sao Biwase không tự đầu tư dự án mà lại đề xuất thành lập công ty cổ phần? Việc chia lợi nhuận thực hiện ra sao?

- Việc thành lập công ty cổ phần nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư nghĩa trang vì khi đó công ty nhà nước không đủ nguồn tài chính để thực hiện.

Khi bắt tay vào giải phóng mặt bằng (khoảng 200ha) thì thấy kinh phí tới gần 100 tỉ đồng, cộng với chi phí xây lắp khoảng 200 tỉ đồng nữa mà nguồn lực của tỉnh đang tập trung cho các dự án công nghiệp và dự án xử lý chất thải nên không đủ. Vì vậy, UBND tỉnh mới yêu cầu tôi tìm kiếm đối tác góp vốn bên ngoài.

Nghị định 35/2008 về nghĩa trang cũng cho phép huy động vốn xã hội hóa như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi có thiếu sót là chưa đảm bảo thủ tục dự án.

Trước đây, khi chưa đóng tiền sử dụng đất thì sau khi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sẽ được chia cổ tức cho các cổ đông theo tỉ lệ góp vốn. Nay khi phải đóng tiền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng tới doanh thu thì các cổ đông cũng phải chia sẻ việc giảm cổ tức, không có cổ tức hoặc bị lỗ, tùy theo số tiền đóng tiền sử dụng đất và hiệu quả kinh doanh của công ty.

* Tại sao trước đây Công ty Chánh Phú Hòa không chủ động nộp tiền sử dụng đất, xin chuyển chủ đầu tư... mà phải tới khi bị thanh tra mới thực hiện? Phải chăng nếu không bị thanh tra phát hiện thì hàng trăm tỉ đồng nộp ngân sách nhà nước sẽ thất thoát?

- Thật ra trước đây luật còn chưa rõ ràng nên cả chủ đầu tư và các sở ngành đều lúng túng khi thực hiện. Dự án hoa viên nghĩa trang Bình Dương là một trong những dự án nghĩa trang có hình thức kinh doanh đầu tiên của cả nước mà trước đây chưa có quy định rõ ràng.

Nghị định năm 2008 về nghĩa trang của Chính phủ không quy định hình thức thu tiền sử dụng đất đối với hoạt động kinh doanh phần mộ. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, UBND tỉnh Bình Dương cũng hai lần hỏi Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên - môi trường nhưng đều được trả lời pháp luật chưa có quy định về việc này. Phải tới khi có Luật đất đai 2013 thì hành lang pháp lý mới được tháo gỡ.

Tỉnh Bình Dương có thể mua lại dự án

Ông Lê Thanh Cung, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết việc thiếu các thủ tục pháp lý đối với dự án hoa viên nghĩa trang Bình Dương trước đây là sai sót nên tỉnh sẽ xử lý, hoàn thiện thủ tục để sửa sai.

“Trước đây phải lập công ty cổ phần do tỉnh thiếu vốn, nhưng hiện nay UBND tỉnh sẵn sàng mua lại cổ phần của các đối tác với giá hợp lý để thành lập công ty 100% vốn nhà nước quản lý, sử dụng. Nếu các đối tác không đồng ý thì chúng tôi sẽ tách khu 33ha kinh doanh để thu tiền sử dụng đất, phần còn lại sẽ dùng để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh” - ông Cung nói.

M.L. - B.S. thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên