Chiếc xe Lexus 570 “chồng xác” một chiếc xe Mazda sản xuất năm 1983 - Ảnh: GIA MINH |
Theo dấu một chiếc Lexus 570 đời 2015, PV Tuổi Trẻ phát hiện chiếc xe này được “chồng xác” lên hồ sơ một chiếc xe sản xuất từ năm 1983.
Cuộc giao dịch đáng ngờ
Ngày 11-4, tại quán cà phê trên một đường nhánh của đường Lương Định Của (P.Bình An, Q.2), một nhóm 4-5 đàn ông có dáng vẻ bệ vệ đang ngồi bàn về những dự án trăm tỉ, ngàn tỉ và những câu chuyện kinh thiên động địa khác.
Trong những câu chuyện ấy, họ có trao đổi một hợp đồng mua bán chiếc Lexus 570 đời 2015 - loại xe sang sản xuất cho thị trường Trung Đông - giá chỉ trên dưới 3 tỉ đồng, chưa tới 50% giá thị trường.
Quá bất ngờ với giá xe, chúng tôi tìm cách tiếp cận cả người mua lẫn người bán, nhưng đại gia P. - người mua chiếc xe - tỏ vẻ nghi ngờ và quay lưng bỏ đi.
Những ngày sau đó, chiếc Lexus 570 mang biển số 51G-296.63 vốn vẫn đậu trước cửa quán cà phê bỗng dưng... mất tích. Nhóm những người đàn ông có mặt trong vụ mua bán ngày 11-4 vẫn có mặt tại quán, chỉ riêng người bán là không xuất hiện.
“Qua mặt” hay móc ngoặc?
Sau thời gian dài theo dõi, tìm hiểu, chúng tôi có được bộ hồ sơ tương đối đầy đủ của chiếc xe 51G-296.63.
Hợp đồng mua bán chiếc xe này thể hiện người bán là ông T.T.H. (ngụ P.Định Công, Q.Hoàng Mai, Hà Nội), người mua là ông V.T.Đ. (ngụ đường Đình Phong Phú, P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM).
Hợp đồng có chữ ký, con dấu của công chứng viên một văn phòng công chứng tại H.Chương Mỹ, Hà Nội. Đi kèm với bộ hợp đồng này còn nhiều giấy tờ khác, tất cả đều của Công an tỉnh Quảng Ninh.
Nguồn tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết sau khi xem xét, kiểm tra dữ liệu trên hệ thống và phối kiểm qua nhiều kênh, đủ cơ sở khẳng định toàn bộ hồ sơ của chiếc xe đều bị làm giả.
Truy ngược về nguồn gốc, hồ sơ thật của chiếc xe mang biển số 51G-296.63 được cấp cho bà N.T.T.H. (ngụ tại ấp Đình, xã Tân Xuân, H.Hóc Môn, TP.HCM) với xe hiệu Mazda do Nhật Bản sản xuất từ năm 1983.
Biển số cũ của xe này là 51T-7485. Lần cuối cùng chiếc xe được kiểm định tại một tỉnh phía Bắc vào năm 2014. Sau đó xe được đăng ký lại, được cấp biển số 51G-296.63.
Trả lời câu hỏi về nghi vấn có sự móc ngoặc giữa các đăng kiểm viên và đường dây làm giả hồ sơ hay không, một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm nói: “Nói có móc ngoặc hay không thì phải chứng minh, nhưng tôi tin chắc phải có người rất am hiểu lĩnh vực này một cách cặn kẽ, chi li”.
Theo vị này, các đối tượng dùng giấy hẹn giả của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM và bộ hồ sơ giả để đưa xe vào trung tâm đăng kiểm.
Với quy định, những chiếc xe này có thể kiểm định được bằng bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xe và giấy hẹn, sau đó chủ xe sẽ bổ sung giấy chứng nhận đăng ký xe thì hoàn tất việc kiểm định, xe vẫn được dán tem kiểm định, tem đóng phí đường bộ để tạo điều kiện cho xe lưu hành.
“Khi kiểm định xong, chủ xe lại ra một đòn cao tay hơn nữa là họ nộp giấy chứng nhận đăng ký xe bản sao y có chứng thực của ngân hàng, vì giấy chứng nhận đăng ký xe bị ngân hàng giữ làm tài sản đảm bảo cho giao dịch vay mượn tiền giữa chủ xe và ngân hàng.
Với một bộ hồ sơ như thế, gần như không đăng kiểm viên nào có thể phát hiện ra sơ hở, nếu không có thông tin được báo trước hoặc được lưu ý đặc biệt” - vị lãnh đạo nhấn mạnh.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP.HCM đã vào cuộc điều tra về đường dây làm giả hồ sơ xe nêu trên.
“Các đối tượng trong đường dây là những người có kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng, các kỹ năng xóa dấu vết rất tinh vi” - một cán bộ điều tra cho biết.
Chiếc Lexus 570 đời 2015 mang biển số 51G-296.63 được công an xác định có hồ sơ “chồng xác” lên một chiếc xe khác sản xuất năm 1983 - Ảnh: G.MINH |
32 xe bị phát hiện Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, có tổng cộng 32 xe bị phát hiện sử dụng chiêu thức “chồng xác” để qua mặt cơ quan chức năng, đưa xe vào lưu hành. Trong số này có hơn 20 xe mang biển số của TP.HCM, số còn lại mang biển số của Hà Nội. Tất cả đều có chung phương thức, thủ đoạn. Một vài trường hợp khi trung tâm đăng kiểm phát hiện có dấu hiệu bất thường, tìm cách giữ hồ sơ, giữ cả xe để xác minh thì chủ xe bỏ cả lại để chạy trốn. |
Không sợ bị “vịn” Sau một thời gian dài đeo bám, nhập vai dân chơi xe lậu, chúng tôi có được thông tin của một chuyên gia “thổi” hồ sơ cho những chiếc xe “chồng xác”, người này tên N., ngụ tại TP.HCM. Theo lời giới thiệu của các “lái” xe chuyên nghiệp, N. có thể “hô biến” những chiếc xe nhập lậu, xe gian, bị trộm cắp ở nước ngoài được thoải mái lưu thông mà không sợ ai “vịn”. “Tôi đố ai phát hiện ra những chiếc xe đã qua tay N. là xe “chồng xác”, vì biển số xe là biển số thật, do công an cấp, tem kiểm định an toàn, tem nộp phí đường bộ hoàn toàn là thật. Nếu dùng hệ thống máy tính để truy cập thì hệ thống dữ liệu cũng thể hiện thông tin về xe đầy đủ, chính xác từ chủng loại, số khung, số máy, không sai một li. Chỉ trừ khi có tai nạn xảy ra. Mà khi đó thì… trời kêu ai nấy dạ” - H., một “lái” xe trên đường An Dương Vương (Q.5), tuyên bố chắc nịch. Theo H., những chiếc xe này hầu hết được đục lại số khung, số máy với kỹ thuật mà dân nhà nghề và ngay cả khi dùng phương pháp siêu âm cũng không phát hiện ra. Hệ thống định vị của chiếc xe thì được vô hiệu hóa từ ở nước ngoài. Theo một “lái” chuyên nghề buôn bán xe nhập khẩu đã qua sử dụng, hầu hết những xe sang đều được nhập lậu từ Lào và Campuchia với giá rất rẻ, chỉ chừng vài chục ngàn USD. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận