12/01/2004 22:05 GMT+7

"Lọt" qua đăng kiểm như thế nào? (Tuổi Trẻ, 06-08-2003)

ĐOÀN VÕ
ĐOÀN VÕ

TT - Tại TP.HCM, rất nhiều xe quá đát, hỏng hóc, thay đổi kết cấu, thậm chí rách nát, móp méo vẫn được đóng dấu, dán tem kiểm định để lưu hành. Dư luận đã nhiều lần đặt vấn đề trách nhiệm của ngành đăng kiểm, nhưng tất cả rơi vào im lặng. Trong vai các chủ xe và theo chân những người đi xét xe, phóng viên Tuổi Trẻ đã thâm nhập vào “thế giới đăng kiểm” để tìm hiểu sự thật.

Bài 1: Không “cò” đố “trò” làm nên

Gdny853u.jpgPhóng to
Ai tiếp tay cho “cò vua” Trung? Ông Trung ra giá 3 triệu đồng để làm đăng kiểm cho một chiếc xe đại tu toàn bộ (ảnh chụp tại một trạm đăng kiểm ở Thủ Đức)
TT - Tại TP.HCM, rất nhiều xe quá đát, hỏng hóc, thay đổi kết cấu, thậm chí rách nát, móp méo vẫn được đóng dấu, dán tem kiểm định để lưu hành. Dư luận đã nhiều lần đặt vấn đề trách nhiệm của ngành đăng kiểm, nhưng tất cả rơi vào im lặng. Trong vai các chủ xe và theo chân những người đi xét xe, phóng viên Tuổi Trẻ đã thâm nhập vào “thế giới đăng kiểm” để tìm hiểu sự thật.

Những xe không có vấn đề hay có vấn đề đều phải “biết điều” là chuyện xưa nay. Nhưng gần đây với lý do công an, nhà báo “gài” người vào nhiều quá, muốn kiểm định xe được trót lọt, nhanh chóng, các chủ xe và tài xế đều phải thông qua những tay “cò” đăng kiểm. Không có “cò” trạm đánh rớt là chuyện bình thường. Và cũng chỉ có “cò” mới dám làm loạn trong sân đăng kiểm. “Cò” thâu tóm bãi xe, “cò” dẫn nhà xe chạy khắp nơi trong sân đăng kiểm, “cò” đứng ra vận hành cả máy kiểm định của cơ quan đăng kiểm...

Khai cho đủ bệnh, chung cho đủ tiền

Sáng 21-7-2003, lên chiếc xe tải đời 1983, chúng tôi đến trạm đăng kiểm 50-05V (194 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Tại đây hàng chục xe đang nối đuôi nhau chờ kiểm định.

Nghe chúng tôi nói rằng xe của mình bị loại vì không đạt chất lượng, một tài xế xe ben liền chỉ cách: “Xe có bệnh (bị hỏng hóc) phải có “cò” chạy mới xong, không thì chỉ đem về đổ đất trồng hành”. Vừa săm soi gầm xe, người này vừa nói với chúng tôi: “Không chung tiền không được đâu. Xe tải của tôi 1,4 tấn, không thắng tay, ba nhíp chồng thành tám nhíp còn xét được, mới đi kiểm thông qua “cò” nè, phải chung 400.000 đồng (tiền làm giấy tờ, đóng lệ phí, đóng bảo hiểm chủ xe phải tự lo).

Giờ xe nào cũng có giá hết, xe mới có giá khác, xe cũ giá khác. Tôi mới mua chiếc ben, chưa làm giấy tờ sang tên, muốn kiểm phải chi 2 triệu đồng. Còn không, phải chịu cảnh trả về xét đi xét lại. Lần trước không chung qua “cò”, tôi đi làm năm ngày chưa xong”. Theo dõi câu chuyện của chúng tôi, tài xế xe Toyota đứng gần cũng cho biết mình phải chung 300.000 đồng vì thắng kém, xe nhiều khói.

Anh Trân, tài xế ở Long An, ngoắc chúng tôi đến chỉ vẽ: “Muốn làm đừng tiết kiệm, vô gặp “cò” nói ra hết “bệnh” đi, đừng giấu, để nó “barê” từ đầu, chứ nói không hết, chung không đủ, tụi kia không xét, đánh dạt ra đó. “Hàng” dạt lần sau khó kiểm lắm”. Cẩn thận hơn, các chủ xe còn khuyên chúng tôi khi đi chỉ nên cầm sổ, đừng mang xe theo và hỏi tìm “cò vua” làm cho chắc hơn “cò lính”.

Sau khi “cúng” xong 2 triệu đồng, tài xế chiếc xe ben chạy ra hớn hở nói: “Xe tui thắng yếu quá, thắng không ăn, hồi nãy lúc lên kiểm, nhân viên kiểm định phải gài số sau cho bánh cứng lại. Nhớ muốn suôn sẻ như tui phải có... cò”.

“Cò” làm đăng kiểm viên?

ECJPR7I0.jpgPhóng to
Các xe phải nối đuôi nhau xếp hàng chờ kiểm định tại trạm %)-02S, trong khi “cò” Bảy được đưa hai xe vào trước đầu giờ chiều
Ngày 25-7-2003, tại trạm 50-02S (Lạc Long Quân, phường 5, quận 11), thâm nhập khu vực một “cò” đang “làm việc”, chúng tôi thấy mới đầu giờ chiều phòng làm thủ tục xét xe còn chưa bắt đầu nhận hồ sơ, nhưng “cò” đã cho hai xe biển số 66S-19... và chiếc 54S-79... chạy ngay vào cổng.

Không cần nhân viên kiểm định (dù đăng kiểm viên có mặt tại đó), “cò” tự làm các công đoạn: kéo máy kiểm định thử đèn, thử khói, thực hiện luôn phần thử thắng (qui định không cho tài xế xe thử thắng, cũng như thực hiện các thao tác kiểm định mà chỉ kiểm định viên mới được phép thực hiện). Xong việc, “cò” ra thu tiền của các tài xế.

Chủ chiếc xe khách Toyota loại 15 chỗ 66S-19... cho biết: “Mỗi lần xét xe là thằng Bảy đứng ra làm. Chung nó 400.000 đồng”. Chúng tôi tiếp cận “cò” Bảy bằng một hồ sơ xe có “vấn đề” nghiêm trọng. Bảy không dám làm vì hồ sơ này anh ta thấy trưởng trạm đã chê. Bảy nói: “Tình trạng xe bị ghi sổ quá nặng, chỉ có thằng Thu bên quận 7 mới “giải” được. Tui cho số di động nè, lần này cố gắng giải đi, đừng tiếc tiền, vì xe này làm ghê lắm”.

Bảy cũng cho chúng tôi số điện thoại (090370549...) của anh ta. Một bác tài xe khách khác nói: “Thằng Bảy cũng chỉ là “cò lính” thôi, “cò vua” ở trạm này là bà Năm “đen”. Chị Năm ra tay thì xe nào cũng xong. Đặc biệt là những xe có vấn đề”. Ngay trong ngày, chúng tôi gọi điện cho bà Năm về một chiếc xe bị trả về của mình, bà ta hứa ngay: “Cứ đem xe tới, mọi chuyện chị lo cho...”.

Không chỉ ở các trạm 50-02S và trạm 50-05V có đội ngũ “cò” hoành hành, mà tại trạm đăng kiểm 50-07V (ngã tư An Sương, phường Trung Mỹ Tây, quận 12) có không ít “cò” từ các nơi mang các loại xe bệ rạc nhất về tụ họp, cỡ nào cũng làm được, miễn không phải xe bị vào sổ ở tỉnh lên thành phố xét. Trưa 28-7, chúng tôi còn bắt gặp cảnh “cò” Hằng liên kết với một vài đăng kiểm viên đưa xe của khách vào kiểm một cách thoải mái, lẹ làng.

Những đường dây chuyên “phù phép” xe quá đát, xe trả về

Theo chỉ dẫn của cánh tài xế, chúng tôi liên hệ với “cò” G.. Sáng 23-7, tại trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ 50-06V (đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7) - trạm có tiếng về chuyện “lên đời” xe - chúng tôi thấy “cò” G. đang xét cho xe Toyota du lịch bốn chỗ biển số 52N-50... “Cò” G. vui vẻ nói chuyện với các nhân viên trạm một lát thì chiếc xe được đăng kiểm trở ra với tem kiểm định đạt tiêu chuẩn an toàn.

“Cò” G. cho biết bao trọn gói vừa tiền chung trạm cho xe “lên đời”, vừa tiền phí cộng bảo hiểm và tiền công của “cò” tổng cộng 615.000 đồng. Chúng tôi nói có một chiếc xe khách cũ từ đời 1963 muốn “lên đời”. “Cò” G. khẳng định miễn xe ở ngoài hơi sáng một chút, bên trong tàn cỡ nào cũng làm được.

Tại trạm đăng kiểm xa cảng miền Tây, thông qua một nhà xe, chúng tôi làm quen anh H.. Anh H. đồng ý sẽ dẫn đi xét chiếc xe khách hết đời của chúng tôi, nhưng giao kèo: “Nếu đã giao anh làm thì đừng tiếc tiền. Trạm nói đưa một triệu là anh phải đưa đúng một triệu, đưa không tới không duyệt được”. Anh H. cho biết thêm có những xe đã bị định đời khoảng năm 1976, anh đem đi kiểm định “phù phép” lại thành đời... 1985. Anh bảo: “Cứ đem xe lên đây tôi coi đời, coi thắng, coi gầm... Thay vì đời 88 tôi “quất” cho lên đời 93. Vụ này tôi phải làm việc trực tiếp với trưởng trạm, nếu ổng nói “hai chai” có nghĩa là hai triệu, phải chung đủ 2 triệu đồng”.

Không chỉ lên đời xe, mà cả những xe qua kiểm định đã bị đánh rớt, “cò” trong đường dây này cũng giúp đi kiểm định lại đạt yêu cầu. Chủ xe tải biển số 54L-51... trọng tải 1,4 tấn mang xe của mình đến đăng kiểm tại trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ 50-03V (phường 18, quận Tân Bình). Do mới mua xe không biết phải chung chi thế nào, ông bỏ 300.000 đồng lên gần tay lái trước khi cho xe vào trạm. Ông bị... đánh rớt. Lần xét tiếp, chủ xe chịu chung 500.000 đồng thông qua “cò”, nhưng cũng không xét được. Lý do: từ đầu đã không “barê” trước thì lần sau vào lại cũng bị đánh rớt thôi.

Thông qua giới chuyên dẫn mối đi xét xe, chủ xe được tiếp kiến người đàn ông tên Trung. Theo họ, ông Trung luôn xét được xe có vấn đề vì từng là nhân viên đăng kiểm, mối quen biết rất mật thiết (?). Thỏa thuận phải chung chi 1 triệu đồng cho chiếc xe này, “cò” Trung dắt đi làm ngay. Chiếc xe 54L-51... vừa bị đánh rớt vào chiều 24-6-2003 tại trạm 50-03V thì ngày 25-6-2003 được đóng dấu kiểm định tại trạm 50-05V...

----------------------

Bài 2: Những người “Làm mưa, làm gió”…

- Thể lệ

- Bình chọn

ĐOÀN VÕ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên