Quang cảnh hội nghị COP24 năm 2018 tại Katowice, Ba Lan ngày 2-12 - Ảnh: REUTERS
Theo BBC ngày 3-12, 4 cựu chủ tịch COP đứng sau các nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu đã cảnh báo rằng hành tinh của chúng ta đang "đứng trước bước ngoặt quyết định" khi các cuộc thảo luận quan trọng mở màn cho chương trình nghị sự ở Ba Lan.
Hội nghị tại Katowice là diễn đàn quan trọng nhất về biến đổi khí hậu kể từ sau thỏa thuận Paris năm 2015. Các chuyên gia nói rằng cần quyết liệt cắt giảm khí thải nhà kính nếu thế giới muốn chạm đến các mục tiêu đã đề ra tại Paris.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới tuyên bố chi 200 tỉ USD trong thời hạn 5 năm để hỗ trợ các quốc gia tiến hành các biện pháp chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị lần này là lần đầu tiên được tổ chức sau báo cáo đặc biệt hồi tháng 10 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C.
Theo IPCC, để giữ mức tăng chỉ 1,5 độ C, chính phủ các nước phải cắt giảm khí thải nhà kính ở mức 45% vào năm 2030.
Quang cảnh hội nghị COP24 năm 2018 tại Katowice, Ba Lan ngày 2-12 - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng phát thải CO2 đã tăng trở lại sau 4 năm qua. Trong một động thái bất ngờ, 4 cựu chủ tịch COP đã ban hành tuyên bố chung ngày 2-12, kêu gọi chính phủ các nước cần hành động khẩn cấp.
Cựu chủ tịch Frank Bainimarama từ Fiji, Salaheddine Mezouar từ Morocco, Laurent Fabius từ Pháp và Manuel Pulgar Vidal từ Peru tuyên bố: "Hành động bước ngoặt trong vòng 2 năm tới sẽ mang tính quyết định. Những gì các bộ trưởng và các lãnh đạo khác nói và làm tại Katowice trong hội nghị COP24 sẽ giúp xác định những nỗ lực trong nhiều năm sắp tới và đưa thế giới đến gần hơn với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris - bao gồm bảo vệ những quốc gia dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu".
Các nhà đàm phán đến tham dự COP24 tại Ba Lan - Ảnh: REUTERS
Khoảng 29 lãnh đạo các nước sẽ đưa ra các tuyên bố tại lễ khai mạc hội nghị COP24 vào chiều ngày 3-12 (theo giờ Việt Nam). Số lãnh đạo trên đã giảm so với cuộc họp về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015.
Tuy nhiên với những nước như Trung Quốc hay Liên minh châu Âu thì cuộc họp này rất quan trọng. Những nước này muốn rằng thế giới vẫn hợp tác chống biến đổi khí hậu ngay trong thời ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ.
Thay vì dùng thời gian trong hội nghị để thảo luận về cách tăng cường cắt giảm khí nhà kính, hội nghị lần này tập trung vào việc cố gắng đạt được các quy tắc kỹ thuật chung về cách vận hành Thỏa thuận Paris vốn đã được hơn 180 quốc gia thông qua trong thời gian kỷ lục vào năm 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận