03/06/2011 13:00 GMT+7

Chọn tư vấn kỹ trước khi "bán" doanh nghiệp

L.N.MINH
L.N.MINH

TT - Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN) đang trở thành một lựa chọn cần thiết của nhiều DN nhỏ và vừa VN khi các kênh huy động vốn từ ngân hàng và sàn chứng khoán gặp khó khăn. Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm “Mua bán - sáp nhập DN trong bối cảnh kinh tế nhiều chuyển động” do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức ngày 2-6 đã khẳng định như vậy.

Ngày 9-6, Diễn đàn mua bán, sáp nhập DN VN năm 2011, một sự kiện thường niên do báo Đầu Tư và Công ty AVM Vietnam phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra tại trung tâm hội nghị White Palace, 194 Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Diễn đàn sẽ phân tích xu hướng năm 2011, các thương vụ tiêu biểu cũng như chia sẻ bài học kinh nghiệm cho DN.

Cho biết về kinh nghiệm bán cổ phần cho một quỹ đầu tư nước ngoài, ông Vũ Đình Phương, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quạt VN, cho rằng DN cần xác định đối tác là một nhà đầu tư tài chính hay là người đồng hành cùng với mình trên đoạn đường dài phát triển.

Bởi mục tiêu của nhà đầu tư tài chính là bỏ vào một khoản tiền rồi “bồi bổ” DN cho béo tốt sau đó bán lại kiếm lời. Từ kinh nghiệm lần đầu, ông Phương quyết định thuê tư vấn và luật sư chuyên nghiệp để tìm được đối tác ưng ý. Nên dù mới quyết định bán đến 65% cổ phần của công ty cho một đối tác Pháp, nhưng ông Phương cho rằng mình đã lựa chọn đúng vì đó là một công ty cùng ngành nghề, có kinh nghiệm và tiềm lực để giúp những chiếc quạt của công ty ông vươn xa đến các thị trường ngoài VN.

Ông Nguyễn Công Ái, phó tổng giám đốc Công ty KPMG, chia sẻ: Nhiều công ty VN quyết định bán DN của mình nhưng lại hiểu lờ mờ đến mức không có luật sư riêng, phải cậy vào luật sư của bên mua. “Làm như thế rủi ro rất lớn, khác nào giao trứng cho ác” - ông Ái nhận xét. Tham khảo luật và thuê tư vấn là lời khuyên của các chuyên gia để tránh bị thôn tính hay chèn ép vì hoạt động mua bán, sáp nhập DN còn khá mới mẻ với đa số DN nhỏ.

Theo ông Trương Nhật Quang - Công ty luật YKVN, một trong những yếu tố quan trọng cần lưu ý là quyền chuyển nhượng cổ phần. Nếu không hiểu và đưa các điều khoản hạn chế quyền này vào hợp đồng thì dễ dẫn đến tình trạng khi đối tác tăng vốn để đầu tư mở rộng sản xuất sẽ làm giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của bên bán trong công ty, thậm chí phía VN bị “đá” ra khỏi công ty... Để tránh điều này xảy ra, theo ông Quang, có nhiều cách như hạn chế đối tác chiến lược bán cổ phần trong nhiều năm, hoặc khi tăng vốn bên bán được quyền tăng số cổ phần tương ứng...

Các chuyên gia cho rằng do đặc điểm hầu hết các ngành nghề ở VN đều phát triển manh mún, DN quy mô nhỏ, việc tái cấu trúc lại bằng mua bán, sáp nhập là điều khó tránh khỏi. Vì thế, DN cần chủ động trang bị kiến thức để tránh bị chèn ép.

L.N.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên