Vừa qua, hơn 1.100 phụ huynh đã ký tên khiếu nại mức tăng tiền học ở một trường tư thục lớn tại TP.HCM, gây ồn ào trong cộng đồng. Còn nhớ cũng thời điểm này năm 2020, hàng nghìn phụ huynh nhiều trường ở TP.HCM và Hà Nội cũng đã có phản ứng tương tự.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hậu, tác giả cuốn Cẩm nang cho con học trường công, trường tư hay trường quốc tế?, các trường quốc tế hay trường "mang danh" quốc tế đều có xu hướng tăng học phí hằng năm, từ 10% đến hơn 20% (ở Việt Nam). Mức tăng có thể được thông báo đầu năm, nhưng cũng có một số trường hợp cố tình mập mờ.
Nhìn chung trong nước, chuyện các trường tư tăng mức thu mỗi năm không mới, phần lớn là vì lợi nhuận của các doanh nghiệp đang "kinh doanh giáo dục". Trong điều kiện bình thường, nhiều phụ huynh nhận thấy tiền học đi lên mỗi năm, số khác không để ý. Nhưng hai năm qua, vấn đề này thật sự được quan tâm trong bối cảnh COVID-19 đã khiến kinh tế nhiều gia đình "bầm giập".
Dẫu vậy, không ít phụ huynh sau những lần "phản kháng" vẫn cho con ở lại ngôi trường ấy. Bà Hậu cho rằng nguyên nhân là vì thị trường giáo dục tư thục ở Việt Nam chưa hoàn thiện. Phụ huynh không có nhiều sự lựa chọn, đồng thời sự khác biệt giữa các lựa chọn này cũng không rạch ròi.
Tại các nước phát triển, luôn có hệ thống đánh giá các trường tư, phụ huynh sẽ dễ đưa ra quyết định theo các tiêu chí đã được đánh giá kỹ lưỡng.
Ở Việt Nam, để tránh tình trạng "phóng lao phải theo lao" khi chọn học các trường quốc tế, phụ huynh cần lưu ý cân nhắc thật kỹ ngay từ đầu. Đừng tưởng một ngôi trường đẹp, cơ sở vật chất hiện đại sẽ tương đồng với chất lượng dạy và học.
Nhiều trường tư tự hào cho học trò "chơi nhiều hơn học", nhưng việc chơi này liệu có gắn đến sự phát triển của con bạn hay không? Ngược lại, sự cạnh tranh, ý chí vươn lên, khả năng thích ứng mà các cháu có được ở các trường công có khi lại là đòn bẩy giúp tiến bộ rất nhanh. Hằng năm, số học sinh nhận học bổng từ các đại học danh giá vẫn đến nhiều hơn từ các trường công.
Kế đó, phụ huynh cần tính toán chi tiết năng lực tài chính của bản thân: bao nhiêu tiền cho một lớp, một cấp học và hết 12 năm học? Khoản tiền này sẽ được trường điều chỉnh hằng năm ra sao? Nên nhớ thu nhập không nói lên tất cả, bởi những sự cố bất ngờ có thể gây biến động lớn.
Rõ ràng trong hơn một năm dịch giã, nhiều phụ huynh đã "đuối sức" khi nhiều khoản thu ổn định trước nay giờ lao dốc. Vì vậy, phụ huynh cần có khoản để dành, như một quỹ phòng rủi ro cho con đi học. Và trong trường hợp xấu nhất, tức khi không còn đủ tiền nữa, cha mẹ phải có "kế hoạch B" chuyển trường cho con về đâu? Đi từ môi trường tư thục sang công lập thường rất khó khăn để các cháu thích ứng.
Phụ huynh chọn trường nào thì cũng cần nghĩ một điều cốt lõi: 10-15 năm nữa, con mình sẽ trở thành người như thế nào? Con sẽ có những phẩm chất gì? Khi xác định được điều này, phụ huynh sẽ thấy có rất nhiều lựa chọn, bất kể trường công, trường tư hay trường quốc tế.
Bà Hậu nói: "Với tôi, quan trọng nhất ở các học sinh là bồi đắp 'tính cách' và 'đạo đức'. Có những em học không giỏi nhưng có tính cách và đạo đức tốt thì sẽ có nhiều cơ hội về sau".
Cân nhắc sự phù hợp
Phụ huynh cũng cần xem con có phù hợp với môi trường mà mình lựa chọn hay không. Chẳng hạn, có những trường tư dạy song bằng, chương trình rất nặng không kém gì trường công, con có chịu được áp lực không? Có trường dạy rất ít tiếng Việt, liệu có làm trẻ khó khăn khi dùng tiếng mẹ đẻ trong cuộc sống? Cũng có trường hợp khi vào trường quốc tế, con bị "sống" cùng sự giàu sang của các bạn học, có thể hoặc đâm ra mặc cảm hay đua đòi, ham chơi cho bằng người ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận