23/01/2025 11:45 GMT+7

Chộn rộn giúp việc nhà cuối năm

KIM SÁNG
và 1 tác giả khác

Nhu cầu dọn dẹp vệ sinh nhà cửa dịp cuối năm tăng mạnh, nhiều gia đình quá bận rộn công việc nên việc tìm đến người giúp thu dọn nhà cửa sạch sẽ, tươm tất chuẩn bị đón năm mới càng nhiều hơn.

Chộn rộn giúp việc nhà cuối năm - Ảnh 1.

Nhiều bạn sinh viên tranh thủ chọn giúp việc nhà do thời gian làm linh động, thù lao lại cao hơn nhiều việc phổ thông khác - Ảnh: LÊ HUY

Tranh thủ đáp ứng nhu cầu tăng cao, nhiều người giúp việc nhà cũng tất bật tăng ca, chạy đua với thời gian để có thể hoàn thành công việc đúng hẹn, nhiều nơi khác nhau.

Cả năm làm lụng vất vả chút nhưng số tiền tích cóp từ công việc này giúp tôi có thể sắm sửa cho gia đình thêm cái Tết đầm ấm hơn, tranh thủ sum vầy bên con cháu, nghỉ ngơi mấy ngày Tết để qua năm quay lại với công việc, làm tốt hơn.

Bà NGUYỄN THỊ MUM (quận Gò Vấp)

Càng cận Tết nhu cầu càng tăng

Chị Ngọc Giang (38 tuổi), chủ sở hữu căn nhà hai tầng ở đường Phan Xích Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM), đã đặt dịch vụ dọn nhà từ sớm. Công việc cuối năm tất bật ở công ty, ngày nào về đến nhà cũng tối mịt, chị không còn thời gian chăm lo nhà cửa và giữ con khi các bé sắp nghỉ Tết.

Chị nói lý do thuê dọn nhà từ sớm để tránh giá dịch vụ tăng cao lúc cận Tết. Khoảng một tháng trước Tết, chi phí lau dọn nhà cửa, sân vườn nếu thuê trọn gói khoảng 500.000 - 1 triệu đồng, còn quét dọn, nấu ăn thông thường từ 70.000 - 100.000 đồng/giờ nhưng gần Tết giá sẽ tăng thêm 20 - 30%.

"Nhu cầu cần dọn dẹp nhà cửa cuối năm tăng cao, nhưng lượng người tìm việc cũng đông nên không quá khó tìm được người làm. Chỉ cần đăng tin tìm người trên các hội nhóm là có khi cả chục người nhắn tin ngay. Vấn đề là hai bên thương lượng giá cả kỹ trước khi quyết định có hợp tác hay không", chị Giang nói.

Trong khi đó dù ngoài 60 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Mum (ở quận Gò Vấp) vẫn chọn đi giúp việc nhà. Với bà, đây là công việc mưu sinh giúp bà có thể tự chủ tài chính, không phụ thuộc vào gia đình hay con cháu. Trung bình mỗi tháng bà kiếm được từ 8 - 10 triệu đồng, tháng cận Tết thường tăng cao hơn do nhu cầu cần người nhiều hơn.

Đã mấy chục năm gắn bó, bà Mum nói càng gần Tết nhu cầu công việc càng tăng cao nên giá tiền công cũng tăng lên. "Nhiều chủ nhà còn tự động tăng thêm tiền do khối lượng công việc cần dọn dẹp cuối năm nhiều hơn, đôi khi chủ nhà còn thưởng Tết, hoặc trả thêm tháng lương 13 như ở công ty vậy", bà Mum cười.

Còn bà Ngọc Lê (54 tuổi, TP Huế) cho biết đã nhiều năm đi giúp việc nhà ở Đà Nẵng và TP.HCM. Ngoài sự thật thà, theo bà, làm công việc này cần phải có tính cẩn thận, trách nhiệm, nhất là chủ giao gì làm đó, đừng có dại mà tò mò về chuyện riêng tư của người ta, đặc biệt nhà cửa phải luôn sạch sẽ, ngăn nắp.

Hiện bà Lê vừa nhận dọn dẹp nhà cửa vừa giữ em bé cho gia đình chủ với thù lao mỗi tháng được trả hơn 10 triệu đồng. Do chăm em bé nên chủ cho bà ở lại nhà luôn. Thế nên mỗi năm bà sẽ chỉ về nhà cúng giao thừa, ở nhà hết mùng 1 Tết bên gia đình rồi trở lại công việc ngay sau đó.

Sinh viên cũng tranh thủ giúp việc nhà

Phương Thảo (23 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) kể cũng tranh thủ đi giúp việc nhà theo giờ sau khi hoàn tất thi học kỳ. Thảo nói tính ra thu nhập của công việc này khá cao, 60.000 đồng/giờ là tốt hơn nhiều so với các công việc lao động phổ thông khác.

"Thích nhất là thời gian làm việc linh hoạt, chủ cũng cảm thông với việc học của mình nên sắp xếp giờ rảnh đến làm, ít áp lực mà bận đột xuất cũng dễ xin nghỉ hơn", Thảo nói. Thế nên cô bạn có thể cân bằng việc học và làm. 

Mỗi ngày trung bình làm chừng hai tiếng rưỡi và chỉ làm 4-5 ngày mỗi tuần cũng không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.

Từ hồi năm thứ hai đại học Thảo đã đi làm thêm công việc này cho một vài gia đình trẻ vì họ thường thích thuê sinh viên giúp việc nhà theo giờ. Họ cần người làm vào chiều tối đến dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn chứ không ở lại. 

"Gần Tết nhiều người phải tăng ca nên các khách hàng quen liên tục gọi tôi nhờ sang sắp xếp lại nhà cửa, sơ chế thực phẩm và chuẩn bị bữa cơm cho gia đình nên mình cũng khá bận", Thảo cười.

Cũng may, Thảo gặp được nhiều chủ nhà dễ tính chỉ nhẹ nhàng góp ý nếu bạn chưa làm tốt chỗ nào và còn trả lương đúng hẹn, thỉnh thoảng lại cho quà. Ngay cả khi lỡ gặp người chủ nhà quá kỹ tính, Thảo nói cũng không thấy áp lực cho lắm. 

Vì làm việc chân tay nên nghề này, theo Thảo, đòi hỏi người có sức khỏe tốt một chút, mấy bạn thể trạng yếu sẽ khó phù hợp.

Thảo khoe nhờ làm việc này mà đã quan sát các gia đình và học hỏi thêm cách họ sắp xếp nhà cửa, vệ sinh cũng như nấu nướng. "Mình nghĩ những kỹ năng này chắc chắn sẽ rất hữu ích cho việc chăm sóc gia đình trong tương lai", Thảo chia sẻ.

Học hỏi văn hóa, học lỏm tiếng Anh

Trong nhiều năm theo nghề, bà Nguyễn Thị Mum kể đã trải qua nhiều kỷ niệm đẹp nhưng đáng nhớ nhất là lần làm việc cho một gia đình người nước ngoài hồi năm 2023. Khi nhận giữ con nhỏ cho họ, cả nhà chủ đều rất quý mến và tôn trọng bà.

Dẫu bị rào cản ngôn ngữ nhưng ba của đứa bé luôn đối xử tốt và cố tìm cách để có thể thường xuyên trò chuyện với người giúp việc. Điều khiến bà trân trọng nhất là có cơ hội được biết thêm về một vài nét văn hóa của quốc gia người chủ nhà. Vui hơn, bà Mum còn học lỏm được chút ít tiếng Anh cơ bản để giao tiếp do anh chủ nhà chỉ cho.

Chộn rộn giúp việc nhà cuối năm - Ảnh 2.Tiệc tùng cuối năm liên miên, sinh viên khấm khá nhờ làm biên đạo

Không ít sinh viên đam mê và có chút năng khiếu nghệ thuật ngày bình thường đã khấm khá nhờ công việc biên đạo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên