Như đã thông tin: Bên lề hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam mới đây, trao đổi với báo chí, PGS.TS Đặng Văn Đông - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả - chia sẻ ông là một trong những người xây dựng đề án đưa hoa sen trở thành quốc hoa vào năm 2011.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết việc có quốc hoa là cần thiết, nhưng cơ sở pháp lý lại chưa có để công bố quốc hoa.
Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của tiến sĩ Phạm Sanh xung quanh vấn đề này.
Cách chọn quốc hoa đồng thuận, bài bản ở Mỹ
Có thể nói, Mỹ là nước điển hình về việc chọn quốc hoa bài bản và có sự đồng thuận cao.
Năm 1985, Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết yêu cầu tổng thống tuyên bố hoa hồng là biểu tượng quốc gia.
Ngày 20-11-1986, Tổng thống Ronald Reagan được ủy quyền ký một tuyên bố chứng nhận hoa hồng là quốc hoa trong một buổi lễ tại vườn hồng Nhà Trắng.
Hơn bất kỳ loài hoa nào khác, người Mỹ trân trọng hoa hồng như biểu tượng của sự sống, tình yêu và lòng tận tụy, của vẻ đẹp và sự vĩnh cửu.
Nghiên cứu về hóa thạch cho thấy hoa hồng đã tồn tại ở Mỹ từ rất lâu đời. Người Mỹ luôn trồng hoa hồng trong vườn nhà mình.
Tổng thống đầu tiên, George Washington, đã lai tạo một giống hoa hồng mà ông đặt theo tên mẹ mình vẫn được trồng cho đến ngày nay tại vườn hồng Nhà Trắng.
Từ đó đến nay Mỹ trồng hoa hồng ở tất cả 50 tiểu bang và có thể tìm thấy hoa hồng trong nghệ thuật, âm nhạc văn học và trang trí. Người ta cũng thường tặng hoa hồng trong các lễ kỷ niệm và sự kiện quan trọng.
Ngoài quốc hoa là hoa hồng, Mỹ còn có quốc thú là đại bàng đầu hói.
Với Nhật Bản, nhiều người nghĩ quốc hoa là hoa anh đào, nhưng không đúng. Hiện Nhật Bản chưa có quốc hoa. Nhiều nước khác cũng chưa có quốc hoa như Azerbaijan, Armenia, Lebanon, Cộng hòa Moldova, Uzbekistan…
Riêng ở Vương quốc Anh có quốc hoa là hồng dại, nhưng mỗi xứ tự trị lại có quốc hoa riêng. Tương tự, ở Úc quốc hoa là mimosa vàng từ 1988, nhưng các bang và vùng lại chọn loài hoa riêng.
Sen là quốc hoa Việt Nam, tại sao không?
Như nhiều ý kiến đã đề cập, hoa sen là biểu tượng của sự trong sạch, tinh khiết và sự cao quý trong văn hóa và tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Ngoài ra, loài hoa này còn mang lại ý nghĩa về sự tăng trưởng, phát triển và sức sống mạnh mẽ.
Hoa sen đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước, gắn liền với nền văn minh lúa nước của người Việt.
Hình ảnh hoa sen được tìm thấy trong nhiều di tích lịch sử, văn hóa, văn chương thơ ca nghệ thuật, thể hiện vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.
Biểu tượng hoa sen xuất hiện nhiều trong các nghi thức lễ hội, Phật giáo... Ước tính Việt Nam hiện có hơn 100 loài hoa sen khác nhau.
Về mặt thích nghi, sen là loài thực vật thủy sinh độc đáo, có khả năng mọc lên từ bùn lầy và phát triển trong điều kiện môi trường khắc nghiệt mà vẫn sống tốt.
Cây sen có cấu tạo đặc biệt với thân rễ mọc dưới bùn, lá và hoa vươn lên khỏi mặt nước. Hoa sen có nhiều màu sắc khác nhau như trắng, hồng, sen vàng... mỗi màu sắc mang một ý nghĩa riêng biệt.
Ít loài cây nào hữu dụng như hoa sen. Hầu như con người có thể sử dụng mọi phần từ cây hoa sen. Hạt sen, củ sen, ngó sen... đều là những nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam.
Lá sen được dùng để gói thức ăn. Hoa sen được dùng trong thờ cúng lễ hội. Ngoài ra, sen còn được dùng trong y học cổ truyền chữa trị nhiều bệnh lý.
Tuy nhiên, để chọn hoa sen làm quốc hoa, vẫn có một số ý kiến chưa đồng thuận với các lý do như hoa sen nhiều nước khác đã chọn; sen khó hái, khó mua và sử dụng rộng rãi. Sau khi thu hoạch, các ao trồng sen trông cũng xác xơ, xấu xí...
Các ứng viên khác
Ngoài hoa sen, bông lúa là lựa chọn tiếp theo. Việt Nam là một trong những cái nôi và quê hương lúa nước. Hình ảnh các cánh đồng ruộng lúa đã ăn sâu vào tâm khảm mọi người Việt.
Mọi sinh hoạt hằng ngày và đời sống tinh thần, văn hóa văn nghệ, phong tục tín ngưỡng đều có dấu ấn của cây lúa.
Hình ảnh cây lúa nói lên lao động vất vả nhưng hạnh phúc của người nông dân, góp phần xuất khẩu lương thực.
Những bông lúa vàng nặng trĩu tình làng nghĩa xóm, những bữa ăn đầy ắp tiếng cười, đủ thứ cháo, cơm, bún, bánh.
Mảnh mai nhưng reo cười trong những cơn gió. Cho hạt gạo xong lại để lúa rơi rơm rạ cho bao chim chóc, gà vịt, trâu bò. Chọn cây lúa, người dân các miền đều dễ đồng thuận, đã có trên quốc huy.
Hoa mai cũng là ứng viên để chọn làm quốc hoa. Loài cây dễ mọc dễ trồng, thường gặp ở các khu vực đồi núi đất vườn phía Nam (phía Bắc có Yên Tử và cũng trồng được một số nơi, nhưng hiếm).
Ra hoa vào dịp Tết âm lịch, loài hoa không thể thiếu vào dịp xuân về (giống hoa đào ngoài Bắc). Hoa vàng hương thơm nhè nhẹ. Dáng cây cằn cỗi khẳng khiu, có thể tạo dáng đủ thế.
May mắn, sung túc, thanh tao, quý phái, toàn cây đều đẹp từ rễ cành đến hoa lá. Rất tiếc do không phổ biến trên cả nước nên hoa mai chỉ là sự lựa chọn mang tính dự bị.
Cây tre, cây dừa: Hình ảnh các bụi tre, rặng dừa xuất hiện thường xuyên trên mọi quang cảnh, nẻo đường đất nước.
Các loại cây này luôn dẻo dai đứng vững trước gió to sóng dữ, nhiều công dụng cho đời từ ăn uống, xây dựng đến phục vụ nhiều ngành nghề sản xuất. Chỉ tiếc do phát triển không đều các vùng miền và hoa ít đẹp nên cũng rất khó được chọn là quốc hoa.
Cần có sự đồng thuận cao
Quốc hoa là loài hoa được một quốc gia lựa chọn và công nhận chính thức, biểu tượng cho văn hóa lịch sử bản sắc bản địa, tinh thần và truyền thống của dân tộc.
Quốc hoa có ý nghĩa thiêng liêng, nói lên đức tính cao cả, tất cả tinh túy và tinh hoa của một dân tộc, từ lịch sử trường tồn phát triển đến ước vọng phồn thịnh, hạnh phúc tương lai.
Quốc hoa thường được sử dụng trong các nghi thức ngoại giao, lễ hội văn hóa quốc gia và các sự kiện xã hội chính trị quan trọng khác.
Tóm lại, chọn cây nào, hoa nào làm quốc hoa phải có tính đồng thuận cao. Phải có căn cứ pháp lý theo kinh nghiệm các nước, phải có quy trình, lộ trình và không bỏ qua thăm dò ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận